Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” đến năm 2025

T.Hợp - 08:30, 03/11/2023

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 422/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Theo đó, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thảo luận và thống nhất phát động Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025.

Phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” đến năm 2025
Phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” đến năm 2025

Thông báo nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được chú trọng. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

Đối với hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, toàn diện và đạt hiệu quả tốt. Công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, được triển khai tích cực, chu đáo, hiệu quả; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai được tăng cường. Những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian vừa qua, chúng ta cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Các bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua” để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đặt ra trong năm 2023;

Bên cạnh đó, cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức. Đặc biệt lưu ý, thi đua, khen thưởng phải xuất phát từ Nhân dân; Nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phong trào thi đua; mọi cơ chế, chính sách phải hướng tới Nhân dân và vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước;

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thi đua, khen thưởng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước. Phong trào thi đua phải gắn với lợi ích chung, đồng thời phải hài hòa với lợi ích riêng để tạo sức sống, nuôi dưỡng các phong trào thi đua. Đồng tời quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đôn đốc, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng, tránh việc phát động phong trào hình thức, để xảy ra sai sót.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu những tháng cuối năm 2023, dự báo tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, cần sự chung sức, đồng lòng và vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Thủ tướng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, cần tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước đề ra; phát hiện các vướng mắc, bất cập, hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện để có hình thức thi đua phù hợp, hiệu quả. Triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các nhiệm vụ thi đua, khen thưởng, tập trung vào các đột phá của đất nước, các nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể. Huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào các phong trào thi đua; tạo khuôn khổ pháp lý để người dân và doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào các phong trào thi đua.

Tiếp tục triển khai tích cực các phong trào thi đua, trọng tâm là các phong trào thi đua như Phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới ", Phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 - 2025...

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thảo luận và thống nhất phát động Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" từ nay đến năm 2025. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, những điển hình tiên tiến, gương "Người tốt, việc tốt", trong đó chú trọng công tác tuyên truyền trên không gian mạng. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về thi đua khen thưởng.

Thời gian tới có nhiều Nghị định về thi đua, khen thưởng cần được thay thế để tạo sự đồng bộ trong triển khai thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ các dự thảo Nghị định thay thế bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng, trong đó đặc biệt lưu ý việc phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thủ tướng cũng đề nghị phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất, cá nhân dũng cảm cứu người, cứu tài sản,... Chú trọng khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, nhà khoa học, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đội ngũ giáo viên, y bác sĩ... 

Đồng thời, quan tâm khen thưởng tập thể và cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng phụ nữ tiêu biểu, người yếu thế có ý chí tự lực, tự cường vươn lên. Chủ động đề xuất khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm tốt công tác giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động, người dân, tham gia tích cực vào hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; các tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ tiếp tục triển khai mạnh mẽ, thực chất việc thực hiện các phong trào thi đua: Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" và "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030"; khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị để phát động Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" từ nay đến năm 2025. Khẩn trương phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030"…

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.