Cải tạo nghĩa trang, chống sạt lở hay một cách biến tướng để lấy tài nguyên
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về việc những đoàn xe chở đất gây ô nhiễm môi trường làm hỏng nghiêm trọng tuyến đường 514, khiến người dân đi lại gặp nhiều khó khăn, sáng ngày 11/4, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có mặt tại khu vực xã Cán Khê, huyện Như Thanh để xác minh thông tin.
Trao đổi với phóng viên, anh N.N.C. người dân sinh sống gần tỉnh lộ 514, bức xúc nói: “Trước đây tuyến đường này rất đẹp, người dân chúng tôi nơi đây đi lại, buôn bán rất thuận lợi. Từ khi các doanh nghiệp về khai thác đất, họ dùng những xe có trọng tải lớn chất trên thùng đầy đất, cao có ngọn, liên tục lưu thông khiến tuyến đường rạn nứt, xuống cấp, lồi lõm, ổ voi, ổ bò khiến bà con chúng tôi đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Đấy là chưa kể đến, trời nắng thì bụi mù mịt, bụi bẩn từ những xe tải chở đất kéo theo bay cao cả vài mét. Trời mưa thì nhầy nhụa, trơn trợt đi lại gặp nhiều khó khăn, bẩn thì không thể bẩn hơn”.
Ngày 12/4, theo ghi nhận của phóng viên tại thực địa, trên địa bàn xã Cán Khê đang có 2 điểm khai thác tài nguyên đất. Điểm thứ nhất tại khu vực nghĩa trang thôn 3, với diện tích khoảng 1,5 ha. Tại điểm khai thác này, một máy xúc đang liên tục múc, bổ xuống, ngoạm từng gầu đất rồi chất lên thùng các xe tải.
Điểm khai thác thứ hai tại thôn Đông, xã Cán Khê. Cũng tương tự điểm khai thác tại nghĩa trang thôn 3, tại đây chiếc máy xúc “moi gan, móc mật” quả đồi, liên tục gầm mình, ra sức cuốc, ngoạm từng gầu đất để lấy tài nguyên và nhiệm vụ của các xe tải cỡ lớn là “ăn đất” rồi vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo dấu chiếc xe chở đất có dấu hiệu quá khổ quá tải mang biển kiểm soát 36C-174 53, 36C-37906 và 36C-36818, chúng tôi ghi nhận được từ điểm khai thác tại xã Cán Khê, những chiếc xe này được chất đầy đất trên thùng rồi thản nhiên, thong dong ra tỉnh lộ 514, thẳng tiến về khu vực Thôn 1, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn để tiêu thụ.
Điều đáng ngạc nhiên và như có phép màu, là những chiếc xe chở đất có dấu hiệu quá khổ, quá tải trên di chuyển từ tỉnh lộ 514 (khu vực huyện Như Thanh) chạy qua huyện Triệu Sơn, rồi tiếp tục băng qua địa bàn huyện Đông Sơn, nhưng lại không hề gặp phải kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng nơi đây.
Theo người dân nơi đây, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, chống sạt lở đâu chưa thấy, chỉ thấy tài nguyên đất hằng ngày vẫn được hai doanh nghiệp dùng các xe tải cỡ lớn vận chuyển đi tiêu thụ. Cũng "nhờ" những đoàn xe chở đất này, mà tuyến đường tỉnh lộ 514, đoạn nối giữa huyện Như Thanh và Triệu Sơn có giá trị có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng xuống cấp, nát không thể nát hơn.
Liệu có phải cơ quan chức năng nơi đây không nhìn thấy, hay cố tình làm ngơ để những đoàn xe kia thoải mái lộng hành “băm nát” tuyến đường?
Sau khi thấy phóng viên của Báo Dân tộc và Phát triển ghi hình, bên phía Công ty Tam Nghiêm đã liên lạc và cho biết, hiện nay họ đang thực hiện dự án cho xã, đất thừa họ vận chuyển về tuyến đường cao tốc đang thi công và có ký hợp đồng với nhà thầu.
Để rõ hơn về những điểm khai thác đất trên, nhóm phóng viên chúng tôi đã đặt lịch làm việc với chính quyền xã Cán Khê. Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Cán Khê cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 2 điểm khai thác đất. Điểm thứ nhất tại khu vực nghĩa trang thôn 3, do Công ty TNHH Tam Nghiêm đang thi công công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang. Điểm thứ hai tại thôn Đông, do Công ty TNHH Vận tải Ninh Hương đang thi công phương án chống sạt lở.
Tỉnh lộ 514 xuống cấp nghiêm trọng trách nhiệm thuộc về ai?
Quyết định số 624 /QĐ-UBND và Quyết định số 633 /QĐ-UND của tỉnh Thanh Hóa, cho phép Công ty TNHH Tam Nghiêm và Công ty TNHH Vận tải Ninh Hương, khai thác khoáng sản đối với khối lượng đất thừa trong quá trình thi công công trình. Tại điểm 3 Điều 2 quyết định này chỉ rõ trách nhiệm của UBND huyện Như Thanh; UBND xã Cán Khê như sau: Có trách nhiệm quản lý, kiểm soát tải trọng của các phương tiện vận chuyển khoáng sản theo thẩm quyền.
Cùng với đó UBND tỉnh Thanh Hóa có 2 văn bản số 1634 và 1509/UBND-CN; nêu trách nhiệm của các cơ quan và doanh nghiệp như sau: Về phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các vi phạm về chở quá khổ, quá tải, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, mất an ninh trật tự trong khu vực, làm hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND huyện Như Thanh và các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện phương án của Công ty Tam Nghiêm và Công ty Ninh Hương; đảm bảo chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn giao thông, đất đai, xây dựng, vệ sinh môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Theo như Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật, để bảo đảm công tác vận chuyển, đơn vị thi công dùng loại xe tải TMT KC105 loại 10 tấn, khối lượng đất đá vận chuyển trong ngày 433 tấn/ngày. Tuy nhiên, những đơn vị thi công này đã không chấp hành, mà dùng loại xe tải “siêu khủng” để vận chuyển.
Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa có chỉ đạo như vậy, nhưng không hiểu tại sao, vì lý do gì mà các sở, ngành của địa phương này lại để cho doanh nghiệp “lộng hành” như vậy?
Nhìn thấy tuyến đường tỉnh lộ 514 xuống cấp nghiêm trọng như vậy, chúng tôi thật sự thấy xót xa cho người dân và chính quyền địa phương nơi đây.
Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương vào cuộc, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể vi phạm, để đem lại niềm tin cho Nhân dân.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa để làm rõ sự việc và thông tin đến bạn đọc.