Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Những miền “đất khó” ở Quảng Trị chuyển mình: Đầu tư cho sự học vùng DTTS và miền núi (Bài 2)

Phạm Tiến - 08:22, 25/06/2024

Những năm gần đây, vùng đồng bào DTTS, miền núi ở Quảng Trị đã có thêm nhiều ngôi trường khang trang mọc lên thay cho “trường tạm, lớp mượn”, cùng với những ngôi nhà công vụ kiên cố. Sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đã giúp cho giáo viên an tâm công tác, con em đồng bào DTTS thêm yêu trường lớp, yêu thầy cô. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho những vùng khó.

Trường Mầm non Pa Nang, xã Ba Nang, huyện Đakrông với gần 100% là con em đồng bào DTTS học tập
Trường Mầm non Pa Nang, xã Ba Nang, huyện Đakrông với gần 100% là con em đồng bào DTTS học tập

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị nhìn nhận: Nguồn lực đầu tư đối với giáo dục từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), đã và đang tác động tích cực đến ngành Giáo dục. Chương trình đã hỗ trợ xây dựng trường lớp, nhà công vụ, sân chơi bãi tập…Góp phần nâng cao cơ sở vật chất dạy, học ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Trị. 

"Một nội dung hỗ trợ khác rất quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn, đó là hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và tạo sinh kế để đồng bào phát triển kinh tế. Từ đó, đồng bào có điều kiện tốt hơn để chăm lo việc học cho các con một cách bền vững”,  bà Lê Thị Hương đánh giá thêm.

Tìm hiểu từ thực tiễn cho thấy, nguồn kinh phí đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 đang từng bước hoàn thiện và nâng cao cơ sở vật chất phục vụ dạy và học trong vùng DTTS và miền núi Quảng Trị. Đơn cử như tại huyện miền núi Đakrông, Chương trình đã đầu tư xây dựng hàng chục ngôi trường mới, như công trình xây dựng Trường Mầm non Pa Nang (xã Ba Nang) có tổng mức đầu tư 2,9 tỷ đồng; công trình nhà hiệu bộ Trường Tiểu học và THCS xã Mò Ó, có tổng mức đầu tư 2,6 tỷ đồng…

Những công trình này đã góp phần rất lớn trong công cuộc “xóa trường tạm, lớp mượn” ở tỉnh Quảng Trị, tạo điều kiện con em đồng bào các DTTS và miền núi cũng được học tập trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp hơn.

Khu nhà Hiệu bộ Trường Mầm non Pa Nang được hoàn công đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng dạy, học
Khu nhà Hiệu bộ Trường Mầm non Pa Nang được hoàn công đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng dạy, học

Có mặt tại Trường TH và THCS xã Mò Ó, huyện Đakrông, công trình nhà Hiệu bộ cũng vừa mới hoàn công và đưa vào sử dụng. Công trình này sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, với tổng mức đầu tư 2,6 tỷ đồng. Đây là công trình xây dựng dân dụng cấp III do UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) làm chủ đầu tư. Với quy mô nhà Hiệu bộ 2 tầng tổng sàn xây dựng là 371m2.. Công trình có kết cấu bê tông cốt thép toàn phần.

Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giải quyết được vấn đề cấp bách thiếu chỗ làm việc của thầy, cô giáo của nhà trường, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào DTTS.

Cùng là công trình sử dụng nguồn kinh phí đầu tư Chương trình MTQG 1719, Trường Mầm non Pa Nang, xã Ba Nang, huyện Đakrông, có tổng mức đầu tư 2,9 tỷ đồng. Quy mô xây dựng là công trình cấp III, 2 tầng với diện tích sàn xây dựng hơn 400m2. 

Ngoài ra, dự án này còn có thêm hạng mục xây tường rào và xây dựng một giếng khoan để cấp nước sinh hoạt trong trường. Được phê duyệt chủ trương từ năm 2022, bắt tay vào xây dựng từ năm 2023. Đến nay, công trình đã hoàn công và đưa vào sử dụng.

Cô Lê Thị Hải - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trước đây, nhà Hiệu bộ xuống cấp, nay xây mới khang trang đảm bảo đạt chuẩn. Nhờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sắp tới nhà trường còn được khởi công xây mới phòng chức năng nữa, thầy trò đều rất mừng vì điều kiện cơ sở vật chất dạy và học tập của nhà  trường ngày càng hoàn thiện"

(Bài CĐ): Những miền đất “Đất khó” ở Quảng trị trở mình: Học sinh DTTS được học tập trong những ngôi trường kiên cố (Bài 2) 2
Có phòng học thể chất và phòng học đa chức năng nên cô trò Trường Mầm non Tà Rụt có điều kiện để học tập, phát triển toàn diện

Tương tự, công trình Trường Mầm non Tà Rụt, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, có tổng mức đầu tư 1,9 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG 1719 phân bổ về địa phương trong năm 2022. Công trình có quy mô nhà gồm 1 phòng học thể chất, 1 phòng đa chức năng, kết cấu khung bê tông cốt thép toàn khối.

Được biết, trước đây, do cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu và yếu, cũng chưa có phòng học thể chất và phòng học đa chức năng, hạn chế về không gian học tập của học sinh nên trường chưa thể đạt chuẩn. Từ Chương trình MTQG 1719, những khó khăn của nhà trường và thiếu thốn của các em học sinh đã được giải quyết. Công trình hoàn công và đưa vào sử dụng, đã tạo điều kiện cho học sinh DTTS có điều kiện tốt hơn trong học tập để phát triển toàn diện.

Cùng với nhiều nguồn vốn lồng ghép đầu tư, từng bước hoàn thiện việc xây dựng trường lớp, trang thiết bị học tập, Chương trình MTQG 1719 còn đầu tư đường giao thông, nhà ở, đất sản xuất cho các hộ DTTS khó khăn. Giao thông đi lại thuận lợi, đời sống đồng bào được nâng lên nhờ mô hình sinh kế, đồng bào an tâm làm ăn, ý thức hơn việc chăm lo, đầu tư cho con em được học hành đầy đủ.