Gương sáng bản làng
Pà Khốm là một bản người Mông nằm tít tắp trên núi cao ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An). Nơi ấy, đang có những người Mông hay lam hay làm. Lão nông Lý Nọ Pó, 59 tuổi, là một ví dụ như thế.
“Cách đây nhiều năm, nhà ta không đủ ăn đâu, nên quanh năm thiếu đói. Ta vay mượn tiền từ ngân hàng chính sách mua trâu, bò giống về nuôi rồi nhân đàn dần. Giờ thì kinh tế ổn rồi, mỗi năm thu nhập chừng hơn 100 triệu đồng đấy”, ông Pó bảo.
Hỏi về gia tài hiện tại, ông Pó “áng chừng”: Cũng đến hơn 100 con trâu, bò, ngựa, dê đó. Nhà ta còn có hơn 1ha lúa rẫy, 4ha vườn rừng trồng cỏ chăn nuôi. Giờ thì không lo đói nữa.
Không chỉ là một lão nông làm kinh tế giỏi, ông Pó còn là Người có uy tín của bản Pà Khốm. Theo như suy nghĩ của ông thì, muốn dân bản tin theo, mình phải làm trước. Chỉ khi thấy có hiệu quả, mới thuyết phục được người dân. Và, ông Pó đã thuyết phục, vận động người dân thi đua phát triển kinh tế để “đuổi” nghèo bằng chính tấm gương giàu nghị lực của bản thân. Nay thì ở Pà Khốm, đã có nhiều hộ người Mông học theo để chăn nuôi trâu bò vỗ béo, trồng chanh leo, trồng đào, khoai sọ…
Còn với ông Vừ Tồng Pó ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn thì lại rất trăn trở với những thế mạnh của địa phương nhưng bà con quanh năm vẫn nghèo để tìm hướng phát triển kinh tế. Và, gà đen bản địa là con vật đầu tiên được ông Pó khởi nghiệp.
Ban đầu, ông Pó vay mượn tiền mua máy ấp trứng, tu sửa chuồng và khử trùng chuồng trại; vợ chồng ông cũng tự trồng ngô để lấy thức ăn cho gà. Riêng từ đàn gà đã cho gia đình ông Vừ Tồng Pó có thu nhập từ 250 - 300 triệu/năm. Ngoài ra, ông Pó còn phát triển kinh tế trang trại, trồng hơn 2ha cỏ voi, chăn nuôi đàn trâu, bò vỗ béo, mỗi năm thu nhập thêm từ 60 - 80 triệu đồng. Cũng chính ông Pó mạnh dạn làm Homestay thu hút khách du lịch đến với cổng trời Mường Lống.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Vừ Tồng Pó còn là Người có uy tín tích cực trong mọi hoạt động, phong trào của bản, của xã. Chính ông Pó đã truyền nghề, truyền đam mê làm giàu cho sinh viên mới tốt nghiệp Lầu Bá Tu. Và cũng chính ông Pó đã vận động thành lập hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch cộng đồng xã Mường Lống do Lầu Bá Tu làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Ông Vừ Tồng Pó bảo: Sợ nhất là làm Người có uy tín mà nói không ai nghe, nên mình càng phải cố gắng. Nhiều người ở bản mình đã không di cư tự do nữa, không đốt rừng làm rẫy nữa… mà tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo, trồng cây bản địa cho thu nhập cao để ổn định cuộc sống, xoá nghèo, làm giàu.
Ở bản Thung Khạng, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Bí thư Chi bộ người Thái là Hà Văn Tùng được biết đến là tấm gương đi đầu trong mọi hoạt động, nhất là trong phát triển kinh tế, thay đổi tập quán canh tác, chuyển biến tích cực nhận thức của Nhân dân trong phát triển kinh tế.
Ông Tùng kể: “Với mong muốn giúp bà con trong bản thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, tôi đã làm trước để bà con tin. Tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng mô hình trồng keo kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trâu. Nay nhà tôi đã có hơn 12ha keo, 15 con trâu, 10 con lợn và hàng trăm con gia cầm”.
Bật mí với chúng tôi, ông Tùng chia sẻ: Mình còn trẻ, có thể làm được nhiều hơn nên không thể trông chờ cấp trên, phải vươn lên thì mới thay đổi được kinh tế của gia đình. Khi bản thân đã ổn định kinh tế, tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động cho những đảng viên trong Chi bộ làm trước. Về sau thì những đảng viên cũng hưởng ứng, làm theo và từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.
Bản làng đổi thay
Về bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi nhanh chóng nơi đây. Từ một bản nghèo khó, người dân quanh năm chỉ biết phát nương làm rẫy, nhưng Na Tổng giờ đã mang một diện mạo mới khi trong bản có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo; xuất hiện các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Để có được thành quả như ngày hôm nay, phải nhắc đến ông Nguyễn Trọng Tân – Người có uy tín ở bản Na Tổng đã tích cực vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Hiện, bản Na Tổng đã hình thành mô hình trồng rau sạch 2,7ha với 20 hộ tham gia; tăng quy mô và tổng đàn chăn nuôi lợn thịt; áp dụng kỹ thuật vào sản xuất 2 vụ lúa hơn 100ha đem lại năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Đặc biệt, từ việc vận động của ông Tân mà Nhân dân đã có mô hình trồng sắn cao sản bước đầu cho năng suất cao; mô hình trồng ổi, thanh long, mô hình ươm cá giống, nuôi vỗ béo trâu, bò, lợn… cho bà con thu nhập từ 80-90 triệu đồng/hộ/năm; góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Bản Nhân Tài, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn hiện có 212 hộ, 810 nhân khẩu trong đó gần 70% là đồng bào dân tộc Thái. Là Người có uy tín của bản, ông Lô Văn Kiểm luôn xác định việc gì có lợi cho dân thì làm, bản thân và gia đình phải gương mẫu thực hiện trước thì bà con trong bản mới làm theo. Ngoài ra ông cũng thường xuyên tới từng hộ gia đình trong bản để tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt chăn nuôi, đưa cây con giống mới vào sản xuất.
Ông Kiểm cho biết: Trong những năm qua, bản Nhân Tài đã có sự đổi thay về mọi mặt. Từ một bản nghèo nhưng đến nay thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm, bộ mặt bản làng khởi sắc, đời sống người dân khấm khá, văn minh hơn.
Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều Người có uy tín trong đồng bào DTTS là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Người có uy tín đã gương mẫu trong tham gia phát triển kinh tế; đồng thời tích cực tuyên truyền bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng, mô hình du lịch sinh thái, mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu... với thu nhập cao.
Về các bản làng miền núi Nghệ An sẽ được gặp nhiều hơn những khuôn mặt tươi vui, hứa hẹn tương lai tốt đẹp. Nhưng vui hơn là tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, hộ khá ngày càng tăng. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2 - 3 %/năm; trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3 - 4%/năm (riêng các huyện 30a, những năm gần đây giảm bình quân 6%/năm)... Kết quả hôm nay có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản.