Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nỗi lo sông “nuốt” làng

Thanh Nguyễn - 23:00, 18/09/2020

Giữa bốn bề sông nước, người dân thôn Nam Hà, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) luôn canh cánh nỗi lo theo từng cơn thủy triều. Nỗi lo ấy càng lớn hơn khi mùa mưa bão cận kề, nhưng hệ thống đê tiếp giáp với sông Cày hiện đã bị sạt lở nhiều điểm… lại chưa được gia cố.

Trưởng thôn Nam Hà, xã Hộ Độ Trương Văn Luân chỉ đoạn đê bị sạt lở nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.
Trưởng thôn Nam Hà, xã Hộ Độ Trương Văn Luân chỉ đoạn đê bị sạt lở nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Thôn Nam Hà, xã Hộ Độ nằm gần các cửa sông và lọt thỏm giữa 3 con sông lớn là sông Cày, sông Nghèn và sông Cửa Sót. Do bị bao bọc bởi các con sông lớn, nên xung quanh thôn là những con đê, vừa có nhiệm vụ ngăn nước, vừa làm chức năng giao thông.

Mặt trước của thôn Nam Hà là thân đê đã được bê tông hóa chắc chắn. Trong khi đó, tuyến đê phía sau lưng, tiếp giáp với sông Cày đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, thân đê được đắp bằng đất đã sụt lở nhiều vị trí. Hệ thống cống ngăn mặn và tiêu thoát nước bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, đã có một cống tiêu và một đoạn đê bị lở khoảng 5m… từ lâu và chưa được khắc phục đã gây nỗi bất an cho người dân. “Đê bị sạt lở, chúng tôi lo sông sẽ “nuốt” mất làng”, một người dân thôn Nam Hà, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà lo lắng nói.

Nhiều người dân thôn Nam Hà cho biết, trước đây có một khoảnh rừng bần, đước… rộng 10 - 15m nằm phía ngoài đê có chức năng ngăn sóng, bảo vệ thân đê. Nhưng do sông bị ngọt hóa nên cây bần, đước… bị chết gần hết dẫn đến đê bị sóng đánh sụt. So với trước, hiện tại, chiều rộng thân đê đã bị sạt lở khoảng 2/3.

Theo ông Trương Văn Luân, Trưởng thôn Nam Hà, xã Hộ Độ, thôn có 113 hộ dân thì khoảng 1/6 trong số đó thường xuyên bị ảnh hưởng do triều cường. Nguyên nhân là một đoạn đê và cống ngăn mặn bị vỡ khiến nước tràn qua gây ngập lụt ao hồ, vườn của dân. Ông Luân cho biết: Cống ngăn mặn và đoạn đê bị vỡ từ rất lâu. Năm nào chính quyền địa phương cũng tổ chức gia cố nhưng không ăn thua.

Ông Luân cũng cho biết thêm: mỗi tháng có 2 con nước lớn nên nhiều diện tích ao hồ, vườn bị ngập khoảng 6 ngày gây khó khăn cho sản xuất của người dân. Khi đến mùa mưa bão, người dân đều phải sơ tán để bảo đảm an toàn.

Do đặc thù địa lý nên hầu hết đường trong thôn nhỏ, hẹp dẫn tới khó vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng và gia cố thân đê. Mặt khác, kinh phí địa phương hạn hẹp nên “lực bất tòng tâm”.

Ông Hoàng Hải Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) chia sẻ: Năm nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở đê sông Cày tại vị trí thôn Nam Hà. Người dân và chính quyền địa phương cũng đã tổ chức khắc phục nhưng chỉ mang tính chất tạm thời do thiếu kinh phí. Hằng tháng, thủy triều dâng gây ngập úng dẫn tới khó khăn trong sinh hoạt, canh tác của bà con.

Theo lãnh đạo xã Hộ Độ, Chi cục Đê điều, Ban Phòng chống lụt bão của huyện Lộc Hà đã về khảo sát tìm phương án xử lý nhưng chưa giải quyết được, do kinh phí quá lớn. Không biết đến bao giờ, người dân thôn Nam Hà, xã Hộ Độ mới an yên khi mùa mưa bão về. Có lẽ sẽ còn rất lâu bởi suốt cả cuộc nói chuyện, lãnh đạo xã Hộ Độ đã nhắc đi nhắc lại thực tế thiếu kinh phí như là một lời thanh minh cho cái khó của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Giải quyết việc làm cho người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Giải quyết việc làm cho người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Đồng hành, hỗ trợ người lầm lỗi sau khi chấp hành án phạt tù làm lại cuộc đời, Công an huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã sẻ chia, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời tạo sinh kế giúp họ ổn định cuộc sống.