Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

Nữ giảng viên Nguyễn Thị My Sa- Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên DTTS

Ngọc Thu - 16:28, 08/03/2022

Từ cây cỏ thiên nhiên, chị Nguyễn Thị My Sa, sinh năm 1989, là giảng viên Trung tâm Chính trị huyện Chư Păh đã tạo ra tinh dầu đặc trưng của vùng đất cao nguyên Gia Lai, cho thu nhập khá. Khởi nghiệp thành công từ nghề "tay trái" của cô đang tác động tích cực đến ý thức tự lực, sáng tạo cho nhiều thanh niên DTTS trên con đường khởi nghiệp tại huyện miền núi Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Chị My Sa đã tạo ra được các sản phẩm tinh dầu thiên nhiên đạt đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh
Chị My Sa đã tạo ra được các sản phẩm tinh dầu thiên nhiên đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh

Thành quả từ nghề “tay trái”

Sinh ra trong gia đình thuần nông tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cô gái My Sa mồ côi mẹ từ nhỏ, đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh và rồi trở thành giảng viên của Trung tâm Chính trị huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Cô bắt đầu với nghề 'tay trái" cũng xuất phát từ yêu thích các mùi hương tự nhiên, vì vậy, ngoài giờ giảng dậy, My Sa giành phần lớn thời gian rảnh của mình để nghiên cứu cách chiết xuất tinh dầu, cho ra những loại hương đặc trưng của từng loại cây. Từng bước trải nghiệm, thử nghiệm, cuối cùng My Sa cũng đã chưng cất thành công tinh dầu sả với chất lượng tốt như mình mong muốn.

Ban đầu để dùng, tặng bạn bè, người thân, nhưng dần nhận thấy nhu cầu thị trường về tinh dầu sả rất rộng mở, nên năm 2019, cô quyết định thành lập được cơ sở sản xuất tinh dầu thiên nhiên My Sa. Chỉ trong thời gian ngắn hoạt động, cô đã có  thu nhập thêm mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Để có nguyên liệu sản xuất, My Sa đã xây dựng vườn nguyên liệu trồng cây xả, hương nhu… trên diện tích gần 1ha.

Chị My Sa đạt giải ba trong Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ IV-2020 do Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai tổ chức
Chị My Sa đạt giải ba trong Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ IV-2020 do Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai tổ chức

Năm 2020, tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo-Kết nối thành công” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức, Dự án “Sản xuất tinh dầu thiên nhiên My Sa”, vinh dự được lựa chọn và đánh giá cao, bởi tính thực tiễn, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Đặc biệt, 4 sản phẩm tinh dầu thiên nhiên do chị My Sa sản xuất đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh; giải Ba Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ IV-2020 với dự án Chế biến “rác thải” thành “vàng”.

Sau khi thành công, chị My Sa nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm tinh dầu cho các bạn trẻ có nhu cầu học hỏi. Nhiều bạn trẻ người DTTS cũng đã tham gia trồng cây nguyên liệu và tìm kiếm nguyên liệu từ trên rẫy, rừng để cung cấp cho cơ sở sản xuất tinh dầu thiên nhiên My Sa.

Chị Rơ Châm Thoang (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) cho biết: “Nhờ chị My Sa hướng dẫn, mình biết cách làm ra tinh dầu thiên nhiên. Hiện nay, mình và 3 bạn trong làng, được chị My Sa hỗ trợ kinh phí để đi tìm nguyên liệu và chăm sóc vườn nguyên liệu cho cơ sở. Từ đó, mình có thêm thu nhập ổn định. Khi đã đủ vốn, mình sẽ làm một cơ sở nhỏ như chị My Sa để phát triển kinh tế hơn cho gia đình”.

Hệ thống chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu đã giúp chị My Sa chiết xuất tinh dầu có chất lượng hơn
Hệ thống chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu đã giúp chị My Sa chiết xuất tinh dầu có chất lượng hơn

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Không chỉ là một điển hình về tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, chị My Sa còn là một giảng viên xuất sắc của Trung tâm Chính trị huyện Chư Păh. Trong suốt 10 năm giảng dạy, chị My Sa không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.

Với phương châm “học đi đôi với hành”, chị My Sa tranh thủ các giờ nghỉ giải lao, ngoài giờ lên lớp để trao đổi, tìm hiểu tâm tư các học viên. Từ đó, tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ mọi người, đặc biệt là DTTS thay đổi nhận thức, định hướng tư duy, lồng ghép bài học vào trong thực tiễn, đi đầu trong phát triển kinh tế bền vững cho thôn, làng.

Chị My Sa bộc bạch: “Huyện Chư Păh có hơn 51% dân số là đồng bào DTTS. Vì vậy, nghề giảng dậy đã giúp tôi có cơ hội gần gũi mọi người, biết hoàn cảnh khó khăn của từng học viên, đặc biệt là các bạn DTTS. Qua đó, có thể hỗ trợ và định hướng, chia sẻ kinh nghiệm để giúp họ thay đổi nhận thức và vươn lên phát triển kinh tế cho vơi bớt khó khăn”.

Trong công tác giảng dạy tại Trung tâm chính trị huyện Chư Păh, chị My Sa luôn nhiệt tình, quan tâm, chia sẻ với các học viên, đặc biệt là người DTTS
Trong công tác giảng dạy tại Trung tâm Chính trị huyện Chư Păh, cô giáo My Sa luôn nhiệt tình, quan tâm, chia sẻ với các học viên, đặc biệt là người DTTS

Ông Rơ Châm Myớ, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, chia sẻ: “Mình rất hào hứng trong từng buổi học của cô My Sa. Tôi được trang bị nắm bắt nhiều hơn kiến thức về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Từ đó, thấy mình phải có trách nhiệm hơn, gương mẫu, đi đầu trong việc phát triển kinh tế-xã hội của làng. Đặc biệt, những kinh nghiệm mà cô My Sa chia sẻ, tôi sẽ có hướng ứng dụng vào thực tiễn tại địa phương. Hy vọng sẽ mang lại nhiều bước đi mới trong cuộc sống gia đình mình”.

Chị My Sa trong trang phục truyền thống của đồng bào DTTS Gia Rai
Chị My Sa trong trang phục truyền thống của đồng bào DTTS Gia Rai

Nhận xét về chị My Sa, ông Rơ Châm Mruych, Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh chia sẻ: “Các học viên trong thị trấn Ia Ly đi học tại Trung tâm Chính trị huyện về đều đánh giá khen ngợi là được giảng viên My Sa chỉ dạy tận tình. Sau khi học xong, nhiều người đã thay đổi nhận thức, gương mẫu, nhiệt tình hơn trong các công việc của thôn, làng. Nhiều đồng chí đã đưa ra nhiều ý tưởng mới để góp phần tăng thu nhập, xây dựng địa phương”.

Ông Lâm Văn Đỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Chư Păh, tự hào cho biết: Ngoài tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy, giúp đỡ các học viên trong quá trình học tập, cô My Sa là thanh niên hoạt bát, năng nổ, luôn chịu khó học hỏi, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Đây cũng là giảng viên giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, nhiệt tình tham gia các phong trào của Trung tâm chính trị huyện được học viên, đồng nghiệp yêu mến, tôn trọng.

Tin cùng chuyên mục
Đồng bào Mông ở Cốc Phương làm giàu từ cây dứa

Đồng bào Mông ở Cốc Phương làm giàu từ cây dứa

Đầu những năm 1990, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ các xã cùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con dân tộc thiểu số định canh, định cư, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương huyện Mường Khương (Lào Cai) đã động viên các hộ ở xã vùng cao Dìn Chin chuyển về sinh sống tại thôn biên giới Cốc Phương, thuộc xã Bản Lầu huyện Mường Khương. Hôm nay, sau chặng đường định cư ở vùng đất mới, đồng bào Mông không chỉ ổn định về đời sống, kinh tế, mà còn học được cách làm giàu từ trồng cây dứa.