Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Nữ trưởng thôn "giữ lửa" cho văn hóa Mường ở Thanh Hóa

Quỳnh Trâm - 13:18, 19/05/2022

Không chỉ là nữ Trưởng thôn uy tín và trách nhiệm với công việc của thôn bản, chị Lê Thị Hương, ở xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) còn là một người đam mê và tâm huyết với việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, nhất là những bộ trang phục, những làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo.

Chị Hương không chỉ ở vai trò nữ trưởng thôn, mà còn là một nghệ nhân văn hóa
Trưởng thôn Lê Thị Hương còn là một nghệ nhân văn hóa

Người phụ nữ Mường được dân tin yêu

Cuối năm 2021, chị Lê Thị Hương (47 tuổi) được bà con trong thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn, tin yêu bầu làm Trưởng thôn. Từ đó, chị là nữ trưởng thôn kiêm công an viên hiếm hoi của Thanh Hoá.

Lần đầu gặp chị Hương, chúng tôi ấn tượng với vẻ chân chất, rắn rỏi và hào sảng của chị. Nở nụ cười tươi, chị Hương chia sẻ: “Làm công việc này, nói dễ không dễ, bảo khó cũng chẳng ai tin, chỉ người đang làm mới hiểu hết. Trong thực hiện các phong trào, muốn người dân nghe theo thì mình phải gương mẫu làm trước".

Thôn Minh Nguyên có 99% là người dân tộc Mường, bởi thế chị là người thấu hiểu hơn ai hết tâm lý, hoàn cảnh, nguyện vọng của người dân. Trước những chủ trương lớn của cấp trên đưa về, chị trở thành cánh tay nối dài, làm cầu nối giữa chính quyền với người dân, đi đầu thực hiện các chủ trương chính sách để bà con tin theo, từ đó các chính sách được triển khai sâu rộng và có hiệu quả.

“Công việc ban ngày như con thoi, nhiều khi đêm khuya trong thôn có sự vụ đột xuất, người dân báo tin, mình cũng không thể trốn tránh trách nhiệm. Trong thôn có việc xảy ra thì người đầu tiên mà người dân gọi chính là trưởng thôn”, chị Hương nói.

Từ ngày làm trưởng thôn, chị bận rộn hơn do phải gánh vác cả việc thôn và việc gia đình. Với chị đó vừa là thách thức, nhưng cũng là vinh dự, chứng tỏ lòng tin và sự tín nhiệm của bà con dành cho chị. “Mình phải cố gắng làm tốt công việc, có mặt bất cứ khi nào người dân trong thôn cần đến, để không phụ lòng tin của người dân”, chị Hương nói.

Ở thôn vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình xảy ra. Nhiều chị em thường mang tâm lý “xấu chàng hổ ai” khi chồng rượu chè, say xỉn, nên chỉ khi xảy ra cãi vã dẫn đến bạo lực thì mới báo chính quyền...

Những lúc như vậy, vừa là trách nhiệm của trưởng thôn, nhưng đồng thời là phụ nữ đồng cảm và chia sẻ, chị lập tổ hoà giải luôn đến động viên chị em, khuyên giải người chồng bỏ tật xấu. Nhờ đó các cặp vợ chồng cũng bớt mâu thuẫn, gia đình trở nên êm ấm hạnh phúc hơn.

Lễ hội Pồn Pôông hay tiếng chiêng, điệu hát Xường đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác và phản ánh đặc trưng văn hóa của người Mường ở Ngọc Lặc
Lễ hội Pồn Pôông hay tiếng chiêng, điệu hát Xường đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác và phản ánh đặc trưng văn hóa của người Mường ở Ngọc Lặc

Giữ lửa văn hoá Mường

Không chỉ mẫn cán, trách nhiệm với công việc, chị Lê Thị Hương còn đam mê, quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của người Mường.

 Là người con dân tộc Mường, nên chị tiếp nhận văn hóa truyền thống của cha ông tự nhiên như “cơm ăn, nước uống”. Người ta biết đến chị qua các hoạt động giao lưu, liên hoan văn hóa các dân tộc trong và ngoài tỉnh, từ khi còn là cô gái tuổi chưa tròn đôi mươi đến nay. Chị cũng nhiều lần đạt giải tại các liên hoan văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 Chị kể, ông bà nội đều là những “thợ” hát xường đang có tiếng trong vùng. Chị lớn lên với những điệu hát, điệu múa Mường từ thuở nào.

Theo chị Hương, học hát xường đang không khó, nhưng để hát hay thì cần phải say mê. Nếu như hát “đang” là kể lại những câu chuyện bằng lời hát; thì hát “xường” chính là biến lời ăn, tiếng nói thành câu hát. Người Mường có thể hát xường ở nhiều sự kiện, như: mừng nhà mới; mừng đám cưới; ngày hội đại đoàn kết... với nhiều loại xường, trong đó xường giao duyên là phổ biến nhất.

Không chỉ thành thạo các làn điệu xường với 12 bậc, trên 650 bài hát, chị Hương còn tự tin biểu diễn trống, chiêng trong những sự kiện của cộng đồng. Đặc biệt, nhiều năm qua chị là một trong những người nhiệt tâm “tiếp lửa” trò diễn Pồn Pôông do Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng truyền dạy.

Nói về di sản văn hóa phi vật thể trò diễn Pồn Pôông, chị Lê Thị Hương tự hào: “Nhắc đến văn hóa truyền thống của người Mường, không thể không nhắc đến hát ru Mường, hát xường, đặc biệt là trò diễn Pồn Pôông. Được theo học với những nghệ nhân của đất Ngọc Lặc như nghệ nhân Phạm Thị Tắng, mới cảm nhận được tâm huyết, nhiệt tình của các cụ với văn hóa truyền thống. Hiểu được điều đó, mình là thế hệ con cháu càng phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa Mường”.

Nghĩ là làm, ngoài việc thường xuyên tham gia các sự kiện, liên hoan văn hóa nhằm tôn vinh văn hóa Mường trong cộng đồng, chị Lê Thị Hương nhiệt tình truyền dạy cho các bạn nhỏ. Chị cùng với các ông bà và người yêu văn hóa Mường, thường xuyên tổ chức các buổi truyền dạy hát xường đang, đánh trống, chiêng, dạy nhảy Pồn Pôông cho các cháu nhỏ trong thôn.

Với chị, việc của người lớn chính là định hướng, truyền dạy để con cháu mình không xa lạ với văn hóa truyền thống. Tình yêu và sự say mê không tự nhiên mà có, cũng không bỗng nhiên mất đi. “Tôi tin, văn hóa truyền thống như mạch nguồn âm thầm chảy trong đời sống cộng đồng, chỉ cần thực tâm kiên trì khơi dậy sẽ đạt kết quả”, chị chiêm nghiệm.

Bà Bùi Thị Quyên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc chia sẻ, chị Hương là gương mặt tiêu biểu có nhiều đóng góp cho bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc. 

"Nhằm động viên, khích lệ những đóng góp của chị Hương, phòng cũng đã đấu mối với cơ quan chuyên môn làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đề nghị xét tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho chị”, bà Quyên thông tin.

Tin cùng chuyên mục