Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Nửa nhiệm kỳ phát triển kinh tế -xã hội: Điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu

Thanh Nguyễn - 20:19, 01/11/2023

Đại dịch Covid-19 cùng với xung đột thế giới đã tác động đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế cả nước vẫn có nhiều khởi sắc khi mà kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh sau dịch bệnh… Trong bức tranh chung ấy, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN cũng đã khởi sắc hơn bởi những gam màu sáng.

Nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2025, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu
Nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2025, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu

Những con số ấn tượng

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến, thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột thế giới và khu vực căng thẳng dẫn đến hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu chậm lại trong khi lạm phát, và rủi ro tài chính phức tạp hơn… Trong nước, chúng ta phải thực hiện đa mục tiêu, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và tự chủ, tự cường gắn với hội nhập quốc tế.

Rõ ràng, các tác động rất tiêu cực từ bên ngoài và các khó khăn nội tại của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng theo các Nghị quyết của Quốc hội đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển KTXH, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.

Thu hút FDI nửa đầu nhiệm kỳ đạt kết quả tốt
Thu hút FDI nửa đầu nhiệm kỳ đạt kết quả tốt

Dẫn chứng rõ nhất là ở chỉ số tăng trưởng GDP. Nếu như năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; thì sang năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 8,02%. Riêng năm 2023, dự kiến tăng trưởng này sẽ là khoảng trên 5% - thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát. Các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Dự kiến đến hết năm 2023, dư nợ công là 39-40%GDP, dư nợ Chính phủ là 36-37%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37-38%GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Mức thặng dư xuất, nhập khẩu hàng hoá năm 2021 là 3,2 tỷ USD, năm 2022 là 12,4 tỷ USD; ước cả năm 2023 xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.

Điều đáng chú ý, việc giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy cùng với các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp linh hoạt đã góp phần làm thay đổi môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả tốt. Năm 2021, tổng vốn đăng ký đạt mức tăng trưởng 25,2%; năm 2022 thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, tăng khoảng 13,5% so với năm 2021, khẳng định xu hướng phục hồi và khả năng thu hút, sử dụng vốn đầu tư của nền kinh tế.

Nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ như cao tốc Bắc - Nam
Nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ như cao tốc Bắc - Nam

Nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ. Công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật được đẩy mạnh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.

Trong bức tranh chung ấy, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN cũng đã khởi sắc hơn bởi những gam màu sáng. Một trong những thành tích nửa nhiệm kỳ qua là giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền ngược.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể cũng như phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719); Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-202 …, nhiều  dự án, tiểu dự án về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giao đất, giao rừng; khuyến nông, khuyến lâm... được triển khai đã giúp cho lĩnh vực kinh tế-xã hội ở vùng DTTS&MN có những chuyển biến tích cực.

Tăng trưởng GDP năm 2023, dự kiến sẽ là khoảng trên 5% - thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Tăng trưởng GDP năm 2023, dự kiến sẽ là khoảng trên 5% - thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Nhờ Chương trình xây dựng NTM tại vùng đặc biệt khó khăn, từ năm 2016-2020 đã có 100% số xã được xây dựng đường ô tô đến trung tâm, 80% số thôn có điện, trên 50% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào DTTS và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí. 

Tại hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo năm 2022, cho thấy, trong năm 2022 ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí hơn 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Kết quả là đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, an sinh xã hội luôn được đảm bảo; hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp. Theo kết quả rà soát mới đây của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, trong năm 2022 số hộ nghèo đa chiều trên toàn quốc giảm khoảng 1,5%, số hộ nghèo thuộc đồng bào DTTS giảm trên 3%, số hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5%.

“Gỡ khó” để bứt phá

Những thành tựu đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, không thể coi đó là “cái cớ” để chúng ta có thể lạc quan nếu như không kịp thời “gỡ khó”, giải tỏa những “điểm nghẽn”… Bởi rất nhiều hạn chế, tồn tại của nền kinh tế vẫn hiện hữu hàng ngày, hàng giờ như những nguy cơ, thách thức lớn.

Hạ tầng KCN nhiều nơi vẫn chưa đồng bộ
Hạ tầng KCN nhiều nơi vẫn chưa đồng bộ

Thực tế hiện nay, cơ cấu kinh tế nước ta chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 4,36-4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016-2018, năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Chất lượng thu ngân sách nhà nước còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững. Thu hút FDI mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. Giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Thể chế cho những vấn đề mới, mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh cần được báo cáo rõ hơn. Các doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch, các bon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường… từ thị trường nhập khẩu; cộng thêm ngày càng nhiều yêu cầu ngặt nghèo với hàng nhập khẩu từ các thị trường truyền thống.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại còn chậm, nhất là giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng tại các đô thị lớn. Triển khai các dự án quan trọng quốc gia còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, khó hoàn thành kế hoạch.

Số hộ nghèo vùng DTTS đã giảm nhưng vẫn ở mức cao
Số hộ nghèo vùng DTTS đã giảm nhưng vẫn ở mức cao

Điều đáng chú ý, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG còn chậm. Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững, còn nợ đọng xây dựng cơ bản; cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình còn rất hạn chế, huy động nguồn vốn xã hội còn khó khăn. Đặc biệt, tiến độ của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 chưa được như mong muốn. 

Theo kết quả rà soát của Đoàn giám sát của Quốc hội, kết quả giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình MTQG 1719 từ 2021-2023, thì cả nước có 4 địa phương đạt dưới 5%; có 6 địa phương đạt 5-10%; chỉ có 3 địa phương đạt trên 50% . Trong tổng số 420 lượt dự án của Chương trình đang triển khai ở các địa phương có 25,24% giải ngân đạt dưới 5% (trong đó không giải ngân được 7,14%); 4,29% đạt từ 50% trở lên; một số địa phương có trên 5 dự án giải ngân đạt dưới 5%; nhất là các dự án giải quyết các đề cấp bách của đồng bào DTTS.

Đây là chương trình đầu tư toàn diện, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn miền núi nhưng sau 3 năm triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, khó khăn do hệ thống văn bản chưa đầy đủ, thể chế và chính sách chưa sát đúng với tình hình thực tiễn, chưa kể nhiều địa phương, đơn vị chưa quyết liệt thực hiện…

Nhìn nhận rõ đúng khó khăn, thách thức… chính là đã thành công một nửa. Vấn đề còn lại là chúng ta sẽ khắc phục nhưng khó khăn, hạn chế ấy như thế nào và phát huy đà tăng trưởng của nửa đầu nhiệm kỳ ra sao mà thôi.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.