Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc cho giới trẻ - Nhìn từ hoạt động của CLB Nắng

Thuỳ Giang - 16:11, 28/05/2023

Sau gần 2 năm triển khai, toàn tỉnh Lai Châu đã thành lập được 45 Câu lạc bộ (CLB) bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong các trường phổ thông. CLB Nắng của Trường THCS Sùng Phài, Tp. Lai Châu, là một trong những mô hình tiêu biểu trên hành trình nuôi dưỡng tình yêu văn hóa cho các em học sinh.

Du khách tham quan, trải nghiệm các sản phẩm của CLB thêu tay tại Trường THCS Sùng Phài
Du khách tham quan, trải nghiệm các sản phẩm của CLB thêu tay tại Trường THCS Sùng Phài

Điểm hẹn văn hóa

Cô giáo Trần Lệ Quyên - Hiệu trưởng Trường THCS Sùng Phài chia sẻ: Từ ý tưởng xây dựng, triển khai mô hình bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc cho học sinh, nhà trường lựa chọn hình thức CLB, với sản phẩm chính là thêu tay trên sản phẩm thổ cẩm. Đây là nơi tập hợp những học sinh có chung niềm yêu thích với nghề thêu để tham gia giao lưu, chia sẻ kỹ năng, nâng cao tay nghề, tạo ra các sản phẩm thêu sáng tạo, độc đáo.

Theo cô giáo Trần Lệ Quyên, thời gian đầu thành lập, CLB thêu tay còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường vẫn quan tâm chỉ đạo để phát triển và duy trì tốt hoạt động của CLB. Dần dần, CLB đi vào nề nếp, thu hút nhiều học sinh tham gia, sản xuất được nhiều sản phẩm thổ cẩm đẹp, được nhiều người chọn lựa.

Cô trò cùng khách tham quan tìm hiểu nét văn hóa trong các sản phẩm của CLB thêu tay
Cô trò cùng khách tham quan tìm hiểu nét văn hóa trong các sản phẩm của CLB thêu tay

Đến nay, CLB Nắng đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trong các trường phổ thông tại Lai Châu, với hoạt động thêu tay trên các sản phẩm thổ cẩm. Các thầy cô giáo Nhà trường khá bất ngờ khi được chiêm ngưỡng những sản phẩm do chính các em học sinh tham gia CLB thực hiện. Các sản phẩm váy, áo, ví, túi xách, khăn, phù điêu… đa dạng về hình thức, màu sắc, mẫu mã, được thêu thủ công với nhiều chi tiết, giàu tính thẩm mĩ.

"Phấn khởi nhất là CLB đã góp phần vào giáo dục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc có nguy cơ bị mai một trước tác động của thời đại công nghệ”, cô giáo Trần Lệ Quyên chia sẻ.

Cô Bùi Hà Vân - Chủ nhiệm CLB Nắng, Trường THCS Sùng Phài  chia sẻ, các bạn học sinh nữ người Mông, người Dao trong CLB đều khéo tay, chăm chỉ, chịu khó học hỏi nên sản phẩm ngày càng tinh tế, bền, đẹp. Sản phẩm thêu tay của các em đã được đưa đi tham gia các cuộc thi và đã đạt được nhiều giải thưởng như: Giải Ba Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2021 do Tỉnh đoàn Lai Châu tổ chức; Giải Khuyến khích Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức, Giải Tư Cuộc thi sáng tạo khoa học - kĩ thuật cấp tỉnh năm học 2022 - 2023… Kết quả từ các cuộc thi đã khẳng định chất lượng sản phẩm và lan tỏa hoạt động của CLB đến với cộng đồng.

Tự hào về giá trị truyền thống

Sản phẩm của CLB Thêu tay trường THCS Sùng Phài tại Gian hàng trưng bày sản phẩm thanh niên của Đại hội đại biểu TNCS HCM tỉnh Lai Châu
Sản phẩm của CLB Thêu tay trường THCS Sùng Phài tại Gian hàng trưng bày sản phẩm thanh niên của Đại hội đại biểu TNCS HCM tỉnh Lai Châu

Năm học 2022 - 2023, Trường THCS Sùng Phài có tổng số 7 lớp, gồm 192 học sinh, nhưng đã có 40 em tham gia CLB thêu tay, tăng gấp đôi so với năm học 2021 - 2022. CLB đã giúp các em học sinh hiểu biết và nuôi dưỡng, phát triển lòng tự hào về các di sản truyền thống và tình yêu quê hương đất nước. Các em thường tham gia CLB vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hoặc ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, có thể thêu tại nhà, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của các bà, các mẹ, các chị. Bằng cách đó, cả ở gia đình và ở trường, vẻ đẹp của nghề thêu, nghề thổ cẩm được lan tỏa rộng khắp.

Để nâng cao chất lượng CLB và tạo sự gắn bó với Nhân dân, Trường THCS Sùng Phài cũng đã mời một số nghệ nhân, cha mẹ học sinh có kinh nghiệm thêu tay tới giao lưu, truyền dạy về kĩ thuật thêu tay, dẫn thêu những họa tiết truyền thống và những họa tiết mới sáng tạo cho các thành viên trong CLB.

Từ việc học hỏi chăm chỉ, giữ gìn nền nếp, được sự quan tâm ủng hộ của nhà trường, địa phương, CLB đã ngày càng phát triển. Trong khuôn viên CLB trưng bày các mẫu sản phẩm được sắp xếp gọn gàng, thẩm mĩ. Tại CLB, các em học sinh được thỏa sức sáng tạo với niềm đam mê, yêu thích thêu tay. Từ đó, CLB Nắng tại Trường THCS Sùng Phài đã trở thành chiếc nôi ươm mầm năng khiếu, nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp trong tương lai, cho các em học sinh trên nền bản sắc văn hóa dân tộc.

Em Chang Thị Gập Nung (bên phải) lớp 6A2, thành viên CLB thêu tay
Em Chang Thị Gập Nung (bên phải) lớp 6A2, thành viên CLB thêu tay

Em Chang Thị Gập Nung, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Sùng Phài chia sẻ: “Em rất thích tham gia CLB thêu. Mỗi khi hoàn thành một sản phẩm, em rất vui, nhất là khi sản phẩm được du khách mua về, mang theo văn hoá của chúng em đến nhiều vùng của Tổ quốc. Càng thêu, chúng em càng cảm thấy yêu nghề truyền thống của dân tộc mình, càng nhận ra vẻ đẹp riêng có của thổ cẩm thêu tay Sùng Phài”

Để sản phẩm làm ra được khai thác có hiệu quả, phục vụ phát triển du lịch địa phương, sản phẩm của CLB Nắng đã thường xuyên được trưng bày và tiêu thụ tại Nhà điều hành khu du lịch cộng đồng bản Gia Khâu I xã Sùng Phài, của Sở Văn hóa, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu…

Bên cạnh đó, CLB cũng được tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm tại các gian trưng bày trong các ngày tổ chức sự kiện của ngành, của tỉnh như: Trưng bày sản phẩm tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc; Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam của UBND Tp. Lai Châu, tham gia Tuần lễ Văn hóa, Du lịch Lai Châu tại TP. Hồ Chí Minh...

Du khách tham quan, trải nghiệm các sản phẩm của CLB thêu tay tại Trường THCS Sùng Phài
Du khách tham quan, trải nghiệm các sản phẩm của CLB thêu tay tại Trường THCS Sùng Phài

Trò chuyện với chúng tôi, cô Trần Lệ Quyên, Hiệu trưởng Trường THCS Sùng Phài trao đổi về ý tưởng, mở rộng mô hình và liên kết với các trường trên địa bàn TP. Lai Châu; xa hơn là các trường THCS tại các huyện trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 

Hiện tại, ngoài 40 thành viên CLB Nắng của nhà trường còn có thêm 11 học sinh của Trường THCS Đoàn Kết và Trường TH&THCS Nậm Loỏng (Tp. Lai Châu) làm cộng tác viên. Nhà trường cũng nỗ lực hỗ trợ để trong thời gian tới, liên kết được với nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm có doanh số cao hơn trên thị trường.

Có thể nói, CLB Nắng với các sản phẩm thêu tay trên thổ cẩm không chỉ tạo nên sân chơi lành mạnh, hữu ích cho các em học sinh, mà còn giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong nhà trường.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.