Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Văn hóa dân tộc

Ơớng - Ngôi nhà chung của người Ve ở Nam Giang

Hồng Phúc - Văn Sơn - 09:04, 19/12/2022

Trên rẻo cao mù sương, với cái lạnh vùng biên cương Đắc Pring, huyện Nam Giang (Quảng Nam) xa xôi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, chúng tôi ngồi trong không gian thiêng liêng của Ơớng (nhà làng) và đắm chìm trong sử thi, trường ca bất tận của người Ve (nhóm địa phương thuộc dân tộc Gié Triêng). Ơớng là nơi để sự đoàn kết, nét đẹp văn hóa tinh thần của người Ve tiếp tục được bảo tồn và phát huy.

Trái tim của người Ve ở Nam Giang
Ơớng thôn Công Răng xã Đắc Pring, huyện Nam Giang

Thôn Công Răng nằm lưng chừng trời. Cho đến nay, người Ve nơi đây vẫn còn giữ nguyên các họ như họ Hiên, họ Jơ Râm, họ Brôi, họ Tờ Ngôn, Kring; Phông… Già làng Phông Nhấp năm nay đã 81 tuổi, lớn lên cùng Ơớng, chứng kiến những thăng trầm thời cuộc, ông nói, nằm ở vị trí trung tâm của làng, đây là nơi linh thiêng nhất đối với đồng bào  Ve. Bởi Ơớng gắn với cồng chiêng, những điệu múa xoang trong những mùa lễ hội truyền thống. Những ngày thường, con cháu quây quần bên bếp lửa trong Ơớng nghe già làng kể khan (sử thi).

Xưa kia, người Ve không lợp mái bằng lá, mà lợp bằng nứa cho Ơớng. Đây là nét độc đáo rất riêng của tộc người Ve. Những cánh rừng ở đây, nứa mọc rất nhiều nên được chẻ ra làm đôi sau đó lợp 2 lớp theo kiểu âm dương. Người Ve còn tận dụng nứa để làm phên và sàn cho Ơớng.

Già làng Zơ Râm Ngăm (73 tuổi) say sưa nói, Ơớng của người Ve có nhiều điểm khác so với nhà đồng bào Cơ Tu và Tà Riềng trong vùng. Ơớng dài 12 m, rộng 7 m, cao 10 m, có 8 cột chính và 6 cột phụ. Ơớng thôn Công Răng được dựng theo hướng Đông - Tây, có 2 cầu thang. Cầu thang chính phía Đông dành cho đàn ông và thanh niên Ve; còn cầu thang phụ phía Tây dành cho phụ nữ, con gái người Ve. Ngoài ra, phía trước Ơớng còn có cầu thang chung dành cho khách mỗi khi lên nhà làng.

Quy trình xây dựng Ơớng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cộng đồng buôn làng và mang yếu tố tâm linh. Trước khi dựng Ơớng, cả làng cùng nhau chuẩn bị nguyên vật liệu vài tháng. Già làng đích thân dẫn nhóm trai làng vào rừng tìm nguyên liệu. 

Theo phong tục truyền thống, dòng họ sẽ quy tập, già làng phân công nhau mỗi tổ, mỗi người một công việc: từ việc tìm gỗ là trụ cột, lồ ô làm vách và sàn, lá mây hoặc cỏ tranh lợp trên mái, dây mây để buộc mối, buộc lá mây hoặc cỏ tranh thành tấm để lợp mái. Khi vật liệu tập kết đủ đầy, già làng làm lễ cúng. Sau đó, tất cả mọi người trong làng cùng nhau dựng Ơớng.

Già làng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để bảo đảm hiệu quả thẩm mỹ theo kiến trúc truyền thống. Làm Ơớng không thể tính toán được giá trị vật chất vì để dựng Ơớng, toàn thể dân làng Ve đều góp công, góp sức cả. Từ người già đến trẻ em, ai cũng tự thấy phần trách nhiệm của mình trong đó và tự giác thực hiện với lòng tự hào, tự tôn của mình.

Trái tim của người Ve ở Nam Giang 1
Ông Zơ Râm Ngăm đang kể về ý nghĩa của ơớng trong đời sống đồng bào Ve

Nhìn từ xa, mái Ơớng có hình dáng như trái xoài. Trên mái Ơớng, phía hai đầu hồi có biểu tượng hai con gà trống, biểu tượng báo thức của dân làng. Nét độc đáo của Ơớng, là tấm ván thương dài hai đầu có điêu khắc hai sừng trâu, nối vào mộng chắc chắn. Đây được xem là biểu tượng cái trục của làng gắn liền với những tấm lan can, làm bậc cấp bước lên vào bên trong Ơớng. Ơớng không chỉ là sản phẩm văn hóa sáng tạo từ lâu đời, mà nó còn mang sắc thái đặc thù về địa giới hành chính, là trung tâm chỉ huy của cộng đồng người Ve trong việc họp bàn và quyết định những vấn đề mang tính hệ trọng của làng. Nhìn vào hình ảnh ơớng to hay nhỏ, chúng ta có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó.

Theo chị Kring Thị Phao - Trưởng thôn Công Răng, làng Công Răng của người Ve có những chuẩn mực nhất định. Hiện Công Răng có 135 hộ, gồm 1.085 nhân khẩu, với 99% là người Ve. Đến nay, đồng bào vẫn gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt là Ơớng. Đây còn trở thành nhà sinh hoạt văn hóa của thôn để bà con tập trung họp hành, nghe những chủ trương lớn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đón tiếp khách quý, nơi bàn bạt chuyện làm ăn trên cái nương cái rẫy, đoàn kết xây dựng quê hương, đời sống của người Ve ngày càng phát triển.

Đứng xa rồi lại gần, chiêm ngưỡng Ơớng sừng sững giữa làng của đồng bào Ve, mới thấy được tinh thần và trách nhiệm của họ thế nào trong gìn giữ hồn cốt văn hóa của cộng đồng mình. Giữa mọi biến động của thời cuộc, những người con của Công Răng vẫn nghiêm cẩn bảo vệ, phát huy nét đẹp truyền thống ông cha mình. Họ sẽ tiếp tục truyền ngọn lửa tình yêu rực rỡ ấy cho những thế hệ người Ve sau này. 

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Trong 2 ngày (19 và 20/11), tại huyện Ia Grai (Gia Lai), Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Lớp “Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hoá phi vật thể” và “Mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng”.