Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Pêtapot, thẳm sâu phía đại ngàn… Làng trong rừng già (Bài 1)

Khánh Nguyên - 19:55, 14/09/2022

Không có gì khác, ngoài sự biệt lập. Cụm dân cư Pêtapot (thôn 48, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, Quảng Nam) vẫn thẳm sâu với hủ tục và thiếu thốn. Nơi này, chỉ duy nhất có thể tạm gọi mới, là hành trình của những đứa trẻ đang ngày đêm miệt mài tìm kiếm con chữ, mong thoát khỏi số phận chung nghèo khó của làng.

Một góc bình yên làng Pêtapot giữa rừng
Một góc làng Pêtapot ở giữa rừng

Vẫn con đường đất độc đạo xuyên núi. Pêtapot vào tháng mưa dông, cỏ lau rậm rịt che cả lối đi và… vực thẳm, càng khiến đường về dài thêm hun hút. Khi chiếc xe máy đầu tiên vừa khiêng ra khỏi sông Ring, mưa núi bất ngờ đổ xuống. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành dầm mưa, tiếp tục hành trình.

Như cuộc thám hiểm

Từ xã Đắc Pre lân cận, chúng tôi mượn tạm 2 chiếc xe máy của người quen để chinh phục đường về Pêtapot. Trời đang nắng chang chang, nhưng người dẫn đường liên tục hối đi. Từ kinh nghiệm thực tiễn, họ nói, sẽ có trận mưa dông xuất hiện trong vài giờ tới nên không thể chậm trễ. Vậy là tức tốc lên đường.

Trước chuyến đi, chúng tôi được khuyến cáo, ngoài giữ thăng bằng cần phải linh hoạt dùng chân để trợ lực. Đó là cách “hãm phanh” hiệu quả nhất. Bởi đường gồ ghề đất đá, việc dùng phanh xe trở nên vô hiệu hóa, có khi là không an toàn. Mà thật. Chuyến đi của chúng tôi được ví như một cuộc thám hiểm, nếu không tập trung, rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. “Nhanh lên, trời sắp mưa rồi. Phải đi qua khỏi đoạn sông trước mặt trước khi mưa tới. Nếu không, lũ từ đầu nguồn chảy về, là đứng chân luôn, không đi đâu được” - người đi đường thúc giục, khi phía đầu nguồn đã thấy mây đen xám xịt kéo về.

Mọi dự đoán, quả không sai. Vừa khiêng xe máy qua khỏi đoạn sông, mưa đã ầm ào kéo đến và theo chân chúng tôi đến suốt hành trình về làng. Mưa nên đường càng trơn trượt. Có thời điểm, tưởng chừng chúng tôi không thể vượt qua khỏi đoạn dốc. Bánh xe liên tục tua vòng tròn, vừa đi vừa dùng lực đẩy và… lót thêm vài viên đá cuội để tạo độ bám cho bánh xe. Đường rất khó đi. Thảo nào hôm ghé Đồn Biên phòng Đắc Pring, anh em chiến sĩ căn dặn, nếu có ý định lên Pêtapot thì phải báo trước để đơn vị cắt cử lực lượng đi cùng, đề phòng hiểm nguy dọc đường. Nhưng, Pêtapot chỉ đi được mùa nắng, còn mùa mưa, ngôi làng phía bên kia rừng già này đều trong tình trạng cô lập. Có ít nhất 5 con suối, cùng dòng sông Ring cắt ngang, chỉ cần một đợt mưa lớn phía đầu nguồn là có thể cuốn trôi mọi thứ cản đường đi của nó.

Hiên Cuôn, một người dân ở thôn 48 (xã Đắc Pring) kể, năm ngoái, ở khúc sông Ring này, trong lúc đi làm cỏ rẫy, một cặp vợ chồng người Ve (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tại địa phương đã may mắn thoát chết. Hôm đó, như mọi khi, trời nắng trong. Trước lúc ngược lên cánh rẫy, hai vợ chồng cẩn thận dựng xe máy bên vệ đường. Địa điểm này cách sông Ring khá xa, nhưng điều không ngờ tới, do mưa lớn phía đầu nguồn nên lúc hai vợ chồng trở ra, đã thấy nước lũ cuồn cuộn dâng. “Phải cắt rừng tìm đường về nhà. Hai vợ chồng vừa đi, vừa nơm nớp lo sợ. May mắn là người không sao, nhưng chiếc xe máy đã bị lũ cuốn trôi, mất tích” - Hiên Cuôn nhớ lại.

Hành trình đến Pêtapot, chúng tôi vượt qua nhiều đoạn sống suối
Hành trình đến Pêtapot, chúng tôi khiêng xe máy qua nhiều đoạn sông, suối

Mưa càng lúc càng nặng hạt. Đi dưới những vòm cây, có lúc trời bỗng tối sầm. Ngoài rắn rết, có thêm thứ khác khiến chúng tôi lo ngại, đó là nạn lở đất. Không dám dừng lại, chúng tôi đi với hơn một trăm phần trăm sức lực. Phía hốc núi, những dòng nước ầm ào chảy, tôi nghĩ thầm, điều mong nhất lúc này, là sớm đặt chân về tới làng…

Từ Pêtapot nghĩ về làng Aur

Cách trở và biệt lập. Với hàng chục năm quẩn quanh một nơi hoang vu, hẻo lánh càng khiến Pêtapot “cô đơn” giữa rừng. Nhiều người nói, để tìm được danh phận đúng nghĩa cho cụm dân cư này là điều khá… viển vông. Mà thật. Chính người dân địa phương cũng xác nhận điều đó. Họ nói, bởi cô lập và xa khu vực trung tâm, mặc dù năm 2019 Pêtapot đã được sáp nhập về thôn 48 nhưng nơi này vẫn hiện hữu sự gian khó gần như không lối thoát.

Đằm sâu trong câu chuyện về làng, là những trăn trở đã được kể từ hàng chục năm trước. Bà Y Kiêng, người phụ nữ trạc 50 tuổi nói với tôi, thứ người dân cần nhất lúc này là đường và điện thắp sáng. Chỉ cần hai thứ đó, là đã mừng và yên tâm ở lại sinh sống. “Nhưng, phải đến bao giờ?” - bà Y Kiêng nhìn tôi, nhắc lại điều mà bấy lâu dân làng Pêtapot thầm mong ước.

Tôi không thể trả lời câu hỏi của bà, bởi ngay cả đại diện chính quyền địa phương, khi nghe tôi nhắc về Pêtapot cũng đều lắc đầu than khó. Nhưng khó là điều dễ hiểu. Cả cụm dân cư này chỉ vỏn vẹn 9 hộ dân với 37 nhân khẩu. Vài năm trước, từ nguồn lực của tỉnh về phát triển miền núi, địa phương chỉ mới đầu tư được khoảng 2 cây số đường bê tông theo diện vào khu đất sản xuất. Còn lại, vẫn vòng vèo như cũ, đúng nghĩa của con đường độc đạo xuyên núi. Ai từng đến Pêtapot sẽ thấy điều tôi nói, là thật.

“Vậy sao bà con mình không về dưới trung tâm mà ở, vừa thuận lợi lại không mất kinh phí đầu tư đường, điện?”. “Đi đâu được em. Bà con ở trên này quen rồi. Hơn nữa, ở dưới đó, lấy đất đâu mà làm nhà, mà sản xuất. Ngay cả bà con thôn 48, có người cũng lên đây canh tác thì mình xuống đó lấy gì mà ăn, mà sống. Nên thôi, cứ chờ như lâu nay vậy”. Bà Y Kiêng trầm ngâm một lúc, rồi sực nhớ điều gì đó khiến nét mặt vui hơn. “Nghe nói đường này sẽ mở thành đường quốc phòng. Dân cũng mong, vì có đường cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn” - bà Y Kiêng nói.

Đường lên Pêtapot trơn trượt, hiểm trở
Đường lên Pêtapot trơn trượt, hiểm trở

Nhưng, chính bà Y Kiêng cũng không biết đến khi nào con đường mới được mở về. Chỉ thoáng hiện trong đôi mắt, là niềm mong sâu thẳm, đã quá nửa đời người bà cùng người dân ở cụm dân cư Pêtapot này chờ đợi. Cũng vì đường sá cách trở nên nhiều người ốm đau đành phải ở nhà. Thậm chí, có người trong làng mất, phải đến nửa tháng sau, chính quyền và người dân ở làng khác mới hay tin.

Đàn ông trong làng, ngoài thời gian đi rẫy, mọi khi ở nhà cũng đều tìm vui bằng chén rượu như một thói quen cố hữu. “Hồi đó, làng không phải ở chỗ này, mà tút ngoài rừng kia. Lúc đầu là ở huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), sau chiến tranh mới chuyển về làng cũ. Sống ở đó gần 30 năm trời” - bà Kring Ngớ, một phụ nữ góa chồng ở làng Pêtapot, nay đã hơn 60 tuổi, kể lại.

Câu chuyện của bà Ngớ bất giác làm tôi nhớ đến Aur, một ngôi làng nhỏ của xã A Vương (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), cũng sống biệt lập giữa rừng. Aur cũng từng là ngôi làng nghèo khổ không khác gì Pêtapot. Sau nhiều năm miệt mài tìm cách tháo gỡ, với sự giúp sức từ chính quyền địa phương, Aur bây giờ đã dần đổi khác, được ví như “làng Singapore xứ Quảng”.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.