Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Phát huy giá trị những công trình tôn giáo ở Nghệ An: Có một thánh đường đã đi vào thành ngữ (Bài cuối)

Nguyễn Thanh-CTV - 15:39, 21/09/2022

Nơi xứ Nghệ, không ai lại không biết “thượng Cầu Rầm, hạ Bến Thủy”. “Cầu Rầm” ở đây chính là nhà thờ Cầu Rầm. Tự bao giờ, Cầu Rầm đã trở thành một cái tên, một địa danh có tính biểu tượng của Vinh đến mức đi vào thành ngữ.

Quang cảnh bên trong thánh đường cầu Rầm
Quang cảnh bên trong thánh đường Cầu Rầm

Sở dĩ nhà thờ và giáo xứ mang tên Cầu Rầm, là vì cách nhà thờ không xa có một chiếc cầu có tên là “Rầm”. Đây là chiếc cầu bắc qua con kênh thoát nước từ thành Nghệ An ra sông Vinh, nay thuộc khu vực cầu vượt phường Cửa Nam. Còn tại sao chiếc cầu này có tên là "Rầm”, thì chưa ai giải thích được.

Mặt ngoài thánh đường Giáo xứ cầu Rầm
Mặt ngoài thánh đường Giáo xứ cầu Rầm. Ảnh: TL

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thờ Cầu Rầm trở thành một cái tên, một địa danh có tính biểu tượng của Vinh đến mức đi vào thành ngữ. Từ khi đô thị Vinh bắt đầu hình thành, nhà thờ Cầu Rầm đã từng nổi tiếng là một ngôi thánh đường to đẹp nhất vùng. Giáo xứ Cầu Rầm thành lập năm 1888, nhưng trước đó ở đây đã có nhà thờ họ.

10 năm sau (1898), nhà thờ xứ đã được xây dựng. Đó là tòa nhà lớn bằng gỗ lim gồm có 7 gian, hai bên có 14 đàng thánh giá tường thuật cuộc chịu nạn chịu chết của Chúa Giêsu. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà xứ còn có 8 ngôi nhà khác.

20 năm sau, năm 1918, Hội đồng Mục vụ giáo xứ quyết định thay ngôi nhà thờ bằng gỗ. Năm 1926, khởi công xây dựng nhà thờ Cầu Rầm nguy nga, đồ sộ, kiến trúc theo kiểu Gothic như sau này. Thánh đường với những mái vòm và những ô cửa sổ mái vòm đối xứng nhau. Nhà thờ Cầu Rầm khánh thành ngày 20/7/1928, được đánh giá đẹp nhất xứ Trung Kỳ thời đó.

Nhà thờ Cầu Rầm được xây dựng năm 1926. Ảnh TL
Nhà thờ Cầu Rầm được xây dựng năm 1926 (Ảnh tư liệu)

“Thượng Cầu Rầm” là vậy, còn “Hạ Bến Thủy”? Bến Thủy nguyên chỉ là một bến đò qua sông Lam, nối Vinh với Hà Tĩnh. Bến Thủy thực sự thay đổi từ khi Pháp chiếm thành Nghệ An, năm 1885. Ngay sau đó, hàng loạt các nhà đầu tư Pháp và các nơi khác ồ ạt đầu tư vào Bến Thủy. Các nhà máy gỗ, diêm, đồ hộp, điện, bến cảng được xây dựng. Đò, phà hoạt động nhộn nhịp. Năm 1899 đã có phà chèo tay. Bản đồ Vinh - Bến Thủy năm 1925 cũng chỉ chú thích là “phà” (bac), nhưng đến bản đồ năm 1936 thì đã chú thích là phà chạy bằng máy (bac à moteur).

Đến cuối thế kỷ XIX, Vinh vẫn chỉ nối với Bến Thủy bằng đường sông Vinh, hoặc bằng các con đường dân sinh nhỏ, được mô tả là “ngoằn ngoèo”.

Trở lại với giáo xứ Cầu Rầm. Hiện nay, giáo đường nhà thờ là nơi làm lễ, tụng kinh cho gần 6.000 giáo dân, chia thành 10 giáo họ Cầu Rầm, Vĩnh Mỹ, Mỹ Hậu, Xuân Am, Yên Pháp, Vĩnh Giang, Trung Mỹ, Yên Duệ, Tân Yên và Yên Xá.

Nói về tầm quan trọng của nhà thờ, Giáo lý Hội thánh Công giáo định rằng: Thánh đường là những ngôi nhà của Thiên Chúa, là biểu tượng của Hội Thánh đang sống tại đó, cũng như biểu trưng nơi cư ngụ thiên quốc. Đó là những nơi cầu nguyện trong đó Hội Thánh cử hành, đặc biệt là thánh lễ và tôn thờ Đức Kitô thực sự hiện diện trong nhà tạm.

Giáo xứ Cầu Rầm nằm ở nơi giao nhau của các trục đường giao thông lớn của thành phố Vinh, nên nơi đây đã trở thành điểm hẹn của nhiều người trong các dịp lễ tết. Đặc biệt, dịp Noel hàng năm, thánh đường giáo xứ Cầu Rầm được trang hoàng lộng lẫy đã rất thu hút đông đảo các bạn trẻ thưởng ngoạn, vui chơi.

Hoạt động tặng quà cho hộ nghèo của tuổi trẻ giáo xứ cầu Rầm
Tuổi trẻ giáo xứ Cầu Rầm tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện (Trong ảnh: Tuổi trẻ giáo xứ tặng quà cho hộ nghèo)

Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà giáo xứ Cầu Rầm được liệt vào danh sách những tòa thánh đường đẹp và nổi tiếng ở xứ Nghệ. Không phải ngẫu nhiên mà địa chỉ nhà thờ Cầu Rầm đã nổi tiếng từ xưa, đi vào thành ngữ, trở thành biểu tượng của một vùng đất. Hay khi nhắc đến những địa danh xưa và nay ở thành phố Vinh, không thể không nhắc đến nhà thờ Cầu Rầm… 

Hôm nay, cộng đoàn giáo dân giáo xứ cầu Rầm đã không chỉ là những con chiên “kính chúa mà còn là những người công dân yêu nước. Sống có trách nhiệm, đoàn kết và vượt khó, người dân giáo xứ Cầu Rầm đang ngày càng có cuộc sống khấm khá, sung túc. 

Cùng với việc thi đua phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no; cộng đoàn giáo dân cùng các chức sắc, chức việc, hội đồng mục vụ giáo xứ và cha quản xứ đã phối hợp tốt với các cấp chính quyền trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước. Trong niềm tin của những người con Thiên chúa ở giáo xứ cầu Rầm, đó cũng là cách để lan tỏa, làm đẹp hơn thánh đường Cầu Rầm - một thánh đường có lịch sử lâu đời ở Vinh đã và đang là điểm tham quan của khách du lịch khi về với thành Vinh.