Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS ở Đắk Lắk: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch (Bài 4)

Lê Hường - 06:16, 03/11/2022

Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, mở ra hướng đi mới, cơ hội thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống đồng bào DTTS.

Nhà dài truyền thống của người Ê Đê ở buôn Ako Dhong là điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan
Nhà dài truyền thống của người Ê Đê ở buôn Ako Dhong là điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan

Buôn làng nhộn nhịp khách tham quan

Nằm giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông được mệnh danh là buôn giàu đẹp nhất tỉnh Đắk Lắk. Đồng bào Ê Đê nơi đây còn giữ gìn nguyên vẹn không gian của buôn làng Ê Đê cổ xưa, huyền bí với kiến trúc nhà dài, bến nước, rừng thiêng và giá trị văn hóa truyền thống lâu đời như cồng chiêng, các lễ hội, nghi lễ, nghề dệt thổ cẩm, ẩm thực… Chính sự độc đáo, đặc sắc của văn hóa truyền thống Ê Đê đã tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Ako Dhong.

Buôn Ako Dhong có gần 70 hộ đồng bào Ê Đê sinh sống. Đến nay buôn Akô Dhông vẫn còn giữ được hơn 30 ngôi nhà dài truyền thống, nhiều người dân duy trì việc ủ rượu cần, dệt thổ cẩm.

Buôn trưởng buôn Ako Dhong Y Pun Niê Ping khoe: Mỗi ngày buôn đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm không gian buôn làng, nét đẹp văn hóa, kiến trúc nhà dài cổ xưa và thưởng thức các đặc sản của đồng bào. Bà con làm du lịch cộng đồng, mỗi gia đình có một đặc trưng riêng nhưng tất cả đều hướng đến giữ gìn văn hóa và mang giá trị văn hóa đó phát triển chung cho cộng đồng. Nhờ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đã giúp Ako Dhong trở thành một trong những buôn sầm uất, giàu đẹp có tiếng trong khu vực.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo như nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, tạc tượng, cồng chiêng… và con đường bích họa độc đáo mang đậm văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đặc trưng của đại ngàn, buôn Tơng Jú, xã Ea Kao đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Bà H’Yam Buôn Krông, chủ nhân Homestay Hnoh Eakao chia sẻ: Hiện nay, Buôn Tơng Jú đã hình thành nhóm làm du lịch với tên gọi Khu du kịch cộng đồng buôn bích họa Tơng Jú gồm các hộ dân người Ê Đê. Khi có du khách đến tham quan buôn làng, các hộ trong nhóm sẽ cùng phục vụ. 

Sau đại dịch Covid-19, nhiều đoàn khách từ các tỉnh thành phố đến đây tham quan buôn làng, trải nghiệm tìm hiểu văn hóa dân tộc Ê Đê, thưởng thức cồng chiêng và các món ăn truyền thống của đồng bào. Các hộ dân trong nhóm phân công nhau mỗi nhà một việc, nhà trồng rau, nhà nuôi già, nhà nấu rượu cần…

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, đến nay, trên địa bàn tỉnh đang dần hình thành các buôn du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, homestay trên nền tảng văn hóa truyền thống.

Homestay Hnoh Eakao là nơi tổ chức các nghi lễ như Lễ chúc mừng sức khỏe của đồng bào Ê Đê xã Ea Kao
Homestay Hnoh Eakao là nơi tổ chức các nghi lễ như Lễ chúc mừng sức khỏe của đồng bào Ê Đê xã Ea Kao

Bảo tồn để phát triển

Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp, ban hành nhiều chương trình, đề án sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là DTTS tại chỗ, tôn tạo các buôn cổ gắn với phát triển du lịch.

Đầu tiên phải kể đến Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2016-2020 đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào DTTS.

Thực hiện nghị quyết, ngành văn hóa và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cấp 29 bộ chiêng, cấp 418 bộ trang phục truyền thống cho các Đội chiêng; tổ chức 236 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào DTTS, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sinh viên; phục dựng 137 nghi lễ, lễ hội và ngày hội truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn cồng chiêng định kỳ phục vụ cộng đồng và du khách tại trung tâm văn hóa tỉnh mỗi tháng 1 lần. Đồng thời, tích cực sưu tầm, ghi chép, thống kê, lưu giữ các bài chiêng truyền thống, nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp của đồng bào các dân tộc tại chỗ.

Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đã thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng ở nhiều buôn làng. Vì vậy, chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch là hướng đi đang được tỉnh quan tâm thực hiện. Nhiều câu lạc bộ, tổ dệt thổ cẩm của người Ê Đê, M’nông đã hợp tác với các công ty du lịch tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm du lịch mới góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo động lực cho hộ gia đình giữ gìn truyền thống của dân tộc.

Đến Khu du kịch cộng đồng buôn bích họa Tơng Jú tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột du khách được trải nghiệm tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ dân gian, chợ, ẩm thực truyền thống…
Đến Khu du lịch cộng đồng buôn bích họa Tơng Jú tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột du khách được trải nghiệm tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ dân gian, chợ, ẩm thực truyền thống…

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả loại hình du lịch cộng đồng, tháng 8/2021 HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết 08/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Gần đây nhất, đầu tháng 3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND về việc Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025. Đắk Lắk sẽ tập trung khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS; tổ chức lễ hội truyền thống; hoàn thiện cơ chế chính sách về dân tộc, đặc biệt là chính sách đối với nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ xây dựng đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ mô hình bảo tàng di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các DTTS hướng tới phát triển du lịch…

Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, hoạt động thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa dân gian, đặc biệt là diễn xướng dân gian đang được đề cao trong những năm qua. Tại các điểm đầu tư du lịch, các điểm đến du lịch trên địa bàn đang hình thành điểm biểu diễn, hoạt động diễn xướng văn hoá dân gian và được du khách tán thưởng, quan tâm. Các hoạt động đó tạo ra giá trị và lợi thế đặc biệt cho du lịch, phát huy tốt nhất giá trị văn hóa, phát triển cơ hội bền vững, nâng cao giá trị văn hóa dân gian.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.