Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS ở Đắk Lắk: Để đại ngàn luôn vang tiếng cồng chiêng (Bài cuối)

Lê Hường - 13:54, 05/11/2022

Từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 05 và Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh về Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 và tiếp theo là giai đoạn 2022-2025, cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đang cùng nhau bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Phục dựng Lễ ăn cơm mới của đồng bào Ê Đê tại xã Cư Né, huyện Krông Búk
Phục dựng Lễ ăn cơm mới của đồng bào Ê Đê tại xã Cư Né, huyện Krông Búk

Nghị quyết về cồng chiêng 

Thực hiện Nghị quyết bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, các địa phương tại Đắk Lắk, tích cực tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng, như truyền dạy đánh chiêng, phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống…

Mới đây, UBND huyện Krông Búk vừa tổ chức phục dựng Lễ ăn cơm mới của đồng bào dân tộc Ê Đê tại buôn Drah 2, xã Cư Né. Theo truyền thống của dân tộc Ê Đê, lễ ăn cơm mới thường được tổ chức vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, tại nhà riêng của một gia đình đồng bào Ê Đê. Việc phục dựng Lễ ăn cơm mới, đã góp phần khôi phục nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Ê Đê, làm sinh động thêm bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện.

Tương tự, Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh, xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar tổ chức vào ngày 1/1 dương lịch hàng năm, là hoạt động quan trọng trong đời sống tâm linh của người Xơ Đăng. Ở đó tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã xuyên suốt lễ hội,cùng với các nghi thức linh thiêng và hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi.

Lễ hội mừng lúa ở buôn Kon H’rinh không chỉ là nét đẹp văn hóa, ngày hội chung của người dân nơi đây, mà còn là một trong 5 lễ hội của các DTTS trên địa bàn huyện được địa phương tổ chức thường niên nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Đồng bào Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh, xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar duy trì tổ chức Lễ hội mừng lúa mới
Đồng bào Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh, xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar duy trì tổ chức Lễ hội mừng lúa mới

Ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar cho biết: Những năm qua, huyện Cư M’gar đã khôi phục được rất nhiều lễ hội của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Các lễ hội sau khi được khôi phục, đã thực sự sống lại và lan tỏa sâu rộng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện như Lễ mừng lúa mới của người Xơ Đăng, Lễ ăn cơm mới của người Thái, Lễ cúng bến nước của người Ê Đê… được duy trì tổ chức hàng năm. Điều đó góp phần khôi phục môi trường văn hóa dân gian truyền thống, và phát huy các giá trị di sản phi vật thể của các dân tộc.

Ngoài ra, nhiều địa phương có những kế rất quyết liệt như Huyện ủy, UBND huyện Cư M’Gar tổ chức loạt khảo sát, đi đến tận làng đúc đồng Phước Kiều ở Quảng Nam để các nghệ nhân trên địa bàn học đúc chiêng bằng kinh phí của huyện. Hay như ở Ea Kar, Công an huyện đã chủ động liên hệ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đặt đúc chiêng tặng cho các buôn kết nghĩa trên địa bàn huyện.

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk nhấn mạnh: Từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết bào tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng với những kế hoạch cụ thể của UBND tỉnh, kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các văn bản liên quan..., các địa phương đã thực sự vào cuộc. 

Nhiều địa phương còn chủ động xây dựng nghị quyết, kế hoạch riêng của địa phương mình để triển khai thực hiện, bằng những hành động cụ thể ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đó không chỉ đơn giản cấp chiêng, cấp trang phục, phục dựng nghi thức, nghi lễ và các hoạt động văn hóa dân gian, mà hơn hết chính là những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc.

Biểu diễn Lễ hội đường phố tại Lễ hội cà phê lần thứ 7
Biểu diễn Lễ hội đường phố tại Lễ hội cà phê lần thứ 7

Phát huy hơn nữa giá trị văn hóa dân gian

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2005 và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2008. Tỉnh Đắk Lắk vẫn đang tiếp tục nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng bằng nhiều giải pháp để tiếng chiêng ngân vang trong các buôn làng.

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk chia sẻ: Cùng sở hữu di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, là không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên được UNESCO ghi danh, nhưng Đắk Lắk là tỉnh duy nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên có 5 nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó có 4 nghị quyết chính thức và 1 nghị quyết kéo dài thêm. Điều đó thể hiện sự quan tâm cụ thể của HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đối với văn hóa cồng chiêng. 

Mục tiêu cuối cùng của việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng không phải là việc cấp được bao nhiêu bộ chiêng, bao nhiêu bộ trang phục, mà là chủ thể của văn hóa cồng chiêng thật sự cảm nhận rằng, vốn quý văn hóa mà họ đang sở hữu chính bản thân họ phải yêu quý, phải giữ gìn, phải phát triển.

“Khi một cộng đồng DTTS ở một buôn, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa và sử dụng cồng chiêng để tái hiện những nghi thức, nghi lễ, thì có nghĩa rằng cồng chiêng không thể thiếu được trong đời sống của bà con buôn làng, và công tác bảo tồn phát huy văn hóa cồng chiêng đạt kết quả cao nhất”, ông Đăng Gia Duẩn nhấn mạnh.

Văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được bảo tồnvà phát huy
Văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được bảo tồn và phát huy

Kết quả thực hiện Nghị quyết 05 và tiếp theo là Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh về Bảo tồn và phát huy văn hóa công chiêng tỉnh Đắc Lắk, đã tạo động lực, cơ sở để các cấp các ngành, các địa phương, đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh, quan tâm, bảo vệ giữ gìn, để tất cả các nét đẹp, những cái hay, cái độc đáo, đặc sắc của văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều được thể hiện, tái hiện và bảo tồn, phát huy, đặc biệt là văn hóa cồng chiên.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.