Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát huy vẻ đẹp tường rào đá của người Mông

Quỳnh Lưu - Ngọc Ánh - 00:29, 23/06/2024

Đến Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, du khách đều ngỡ ngàng, thích thú khi được ngắm nhìn những bức tường rào bằng đá bao quanh những ngôi nhà của người Mông. Nét đẹp văn hóa này không chỉ trở thành điểm check in ấn tượng của khách du lịch mà còn đi vào thơ ca, phim ảnh, tạo nên “thương hiệu” du lịch cho vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với kiến trúc nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương và bao quanh tường rào đá. Ảnh: Quỳnh Lưu
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với kiến trúc nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương và bao quanh tường rào đá. Ảnh: Quỳnh Lưu

Vẻ đẹp không lẫn lộn

Vùng Cao nguyên đá Đồng Văn có 4 huyện gồm: Quản Bạ, Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn. Đây là nơi tập trung khá đông đồng bào Mông sinh sống, nơi “mở mắt là thấy đá, bốn bề đều là đá”, để sinh tồn, đồng bào các dân tộc nơi đây đã tìm mọi cách để chinh phục đá. Họ phá đá để tạo lối đi; trồng ngô trong những hốc đá… Đặc biệt hơn, người Mông ở vùng Cao nguyên đá còn biết dựng lên những hàng rào đá để bảo vệ ngôi nhà của mình.

Là đàn ông người Mông thì nhất thiết phải biết 3 việc quan trọng, đó là cày nương, thổi khèn và xếp hàng rào đá. Hàng rào càng to, càng đẹp, càng vững chắc thì chứng tỏ người đàn ông trong gia đình đó càng chu đáo, là trụ cột giỏi của gia đình”.

Ông Sùng Mí Dờ, Bí thư Chi bộ Khuổi Roài, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc.

Điểm nổi bật là kỹ năng xếp đá khéo léo chỉ người Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn mới làm được. Từ người già đến thiếu niên, ai cũng biết xếp tường rào đá mà không cần dùng xi măng hoặc vật liệu gì khác để tạo sự kết dính, thế nhưng những bờ rào đá vẫn luôn vững chắc trước mưa gió và trường tồn cùng thời gian. Những viên đá tưởng chừng như vô hồn, thô ráp, gồ ghề, đầy góc cạnh đã được bàn tay tài hoa của đồng bào Mông lựa chọn, sắp xếp lại một cách khéo léo để tạo thành những hàng rào đá liền nhau, vững chắc và độc đáo. Ngắm nhìn những dãy hàng rào đá, ít người biết nó được tạo nên từ hàng trăm, hàng ngàn viên đá to, nhỏ khác nhau. Điều khác biệt nhất ở đây là những viên đá này được giữ gần như nguyên vẹn như những gì tạo hóa sẵn có. Và “tác giả” của những dãy hàng rào đá đã phải tốn không ít thời gian để chọn lựa, sắp xếp sao cho những viên đá thực sự ăn khớp với nhau để tạo ra độ vững chắc cho hàng rào đá.

Các nghệ nhân người Mông tham gia hội thi xếp bờ rào đá tại huyện Đồng Văn. Ảnh TL
Các nghệ nhân người Mông tham gia hội thi xếp bờ rào đá tại huyện Đồng Văn. Ảnh TL

Theo ông Sùng Mí Dờ, Bí thư Chi bộ Khuổi Roài, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, việc lựa chọn, sắp xếp hàng rào đá còn trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá sự trưởng thành của người con trai dân tộc Mông. Là đàn ông người Mông thì nhất thiết phải biết 3 việc quan trọng, đó là cày nương, thổi khèn và xếp hàng rào đá. Hàng rào càng to, càng đẹp, càng vững chắc thì chứng tỏ người đàn ông trong gia đình đó càng chu đáo, là trụ cột giỏi của gia đình.

Anh Vừ Mí Chá, dân tộc Mông ở xã Khâu Vai (mặc áo xanh) giới thiệu về tường rào đá và ngôi nhà lợp ngói âm dương của gia đình được làm hơn 20 năm. Ảnh: Quỳnh Lưu
Anh Vừ Mí Chá, dân tộc Mông ở xã Khâu Vai (mặc áo xanh) giới thiệu về tường rào đá và ngôi nhà lợp ngói âm dương của gia đình được làm hơn 20 năm. Ảnh: Quỳnh Lưu

Sản phẩm du lịch độc đáo

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai công tác bảo tồn các kiến trúc nhà ở truyền thống và những tường rào đá của đồng bào Mông tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, các xã và các thôn, bản thuộc 4 huyện Cao nguyên đá Đồng Văn.

Tại huyện Mèo Vạc, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện ban hành 3 mẫu nhà theo kiến trúc nhà truyền thống của dân tộc Mông để áp dụng rộng rãi trên địa bàn huyện. Đồng thời, thành lập Tổ chỉ đạo khôi phục, cải tạo, giữ gìn và bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông thuộc các xã Pả Vi, Pải Lủng, Sủng Trà.

Khách du lịch nước ngoài thích chụp ảnh với tường rào đá tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. Ảnh: Quỳnh Lưu
Khách du lịch nước ngoài thích chụp ảnh với tường rào đá tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. Ảnh: Quỳnh Lưu

Kết quả, từ năm 2019 đến nay, huyện đã chỉ đạo Nhân dân xếp tường rào đá cho 90 ngôi nhà. Riêng năm 2023, huyện đã đôn đốc Nhân dân xã Pải Lủng xếp tường rào đá được 14 ngôi nhà. Hiện nay, mỗi khi du khách đến tham quan đều rất thích thú chụp ảnh tường rào đá với ngôi nhà trình tường tại thôn Pả Vi Thượng và Làng Văn hoá du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; hay tường rào đá và cổng gỗ theo kiến trúc truyền thống dân tộc Mông tại trụ sở xã và các đơn vị trường học trên địa bàn xã Pả Vi.

Còn tại huyện Đồng Văn, trong dịp diễn ra Lễ hội Khèn Mông lần thứ 9 năm 2024, huyện đã tổ chức hội thi xếp bờ rào đá của dân tộc Mông. Hội thi quy tụ các nghệ nhân tiêu biểu có kinh nghiệm của 19 đội thi, đại diện cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Văn tham gia. Hội thi nhằm giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống độc đáo của người Mông tại vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng thời cũng là cách giáo dục, hun đúc tình yêu văn hoá dân tộc cho thế hệ sau biết trân trọng và gìn giữ cội nguồn dân tộc mình, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào Mông trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.