Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phục dựng Lễ Pơ Jrao - bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc Gia Rai

Ngọc Thu - 13:34, 12/10/2022

Huyện Chư Păh (Gia Lai) có tỷ lệ DTTS chiếm 52% dân số. Trong đó, chủ yếu là đồng bào Gia Rai với những di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ Pơ Thi (bỏ mả), Pơ Jrao, cúng nhà rông, mừng chiến thắng, cúng giọt nước (bến nước)… Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Gia Rai, mới đây, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện phục dựng lễ Pơ Jrao tại làng Mrông Yố 1 (xã Ia Ka).


Đội cồng chiêng của làng Mrông Yố 1 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đánh chiêng, múa xoang rộn ràng đón khách đến dự lễ
Đội cồng chiêng của làng Mrông Yố 1 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đánh chiêng, múa xoang rộn ràng đón khách đến dự lễ

Đây là lễ cúng sau khi chủ nhà làm cỏ tại các cánh đồng và chờ lúa trổ bông, nhằm cầu mong thần linh phù hộ cho mùa màng được bội thu. Lễ Pơ Jrao còn là dịp để những thành viên trong cộng đồng sum họp, gắn kết. Nét văn hóa truyền thống này hiện vẫn được bà con Gia Rai nơi đây gìn giữ, bảo tồn.

Ngay từ sáng sớm, trong bộ trang phục truyền thống, dân làng Mrông Yố 1 đã nhanh chóng tập trung ở khoảnh sân rộng, dưới ngôi nhà sàn của gia đình ông Rơ Châm Phăn - chủ nhà tổ chức lễ cúng. Đám thanh niên trai tráng chuẩn bị cồng chiêng để biểu diễn, đám con gái chuẩn bị ghè rượu ngon… Mỗi người một việc, dân làng tự phân công nhau để cùng giúp gia chủ hoàn thành lễ cúng.

Trên thửa ruộng của gia đình, ông và vợ là bà H’Sur, đã mang lễ vật ra để cúng Yàng. Lễ vật gồm: 1 cây nêu nhỏ, 1 con heo, 1 con gà trống, 1 rượu ghè nhỏ và lá cây Hla Ngal (một loại lá rừng).

Tại đây, ông Phăn cắm cây nêu xuống bìa ruộng. Đây chính là biểu tượng của sự thông linh, qua đó gửi đến Yàng những lời khấn cầu. Sau đó, vợ chồng ông bà gùi lễ vật đi một vòng quanh thửa ruộng rộng 9 sào để mời Yàng chứng giám lòng thành.

Vợ chồng ông Rơ Châm Phăn mang lễ vật ra ruộng cúng Yàng
Vợ chồng ông Rơ Châm Phăn mang lễ vật ra ruộng cúng Yàng

Khi về lại vị trí của cây nêu, ông Phăn làm thịt 2 con vật được hiến tế rồi lấy đầu gà, gan gà và gan heo cúng Yàng. Chuẩn bị xong lễ vật, ông lầm rầm khấn vái bằng tiếng Gia Rai. Giữa không gian đồng lúa mênh mông bên núi rừng bát ngát, ông Phăn đọc vang lời khấn: “Ơ…Yàng! Hỡi Thần lúa, Thần sông, Thần núi, hôm nay gia đình chúng tôi tổ chức lễ Pơ Jrao báo cho các Yàng về đây cùng ăn, cùng chung vui với gia đình chúng tôi, về ăn gan gà, gan heo, uống rượu ghè phù hộ cho gia đình chúng tôi năm nay được mùa màng tươi tốt. Chim, sóc không phá hoại mùa màng, lúa năm nay nhiều hơn năm trước. Mọi người trong gia đình được khỏe mạnh không đau ốm, gia đình luôn bình an…Ơ Yàng…”.

Ông Phăn đọc vang lời khấn cầu đến Yàng phù hộ cho mùa màng tươi tốt
Ông Phăn đọc vang lời khấn cầu đến Yàng phù hộ cho mùa màng tươi tốt

Hoàn thành lễ cúng tại ruộng, vợ chồng ông Phăn, bà H’Sur về lại ngôi nhà sàn để tiếp tục làm lễ cúng tại nhà. Tại đây, gia chủ tiếp tục bày lễ vật và khấn lại bài khấn cũ.

Nghi lễ kết thúc sau khi chủ nhà mời già làng Rơ Châm Nha uống một cang rượu để chứng kiến. Dàn cồng chiêng của làng cùng tấu lên những bài chiêng rộn rã để mừng ngày lễ trọng của gia đình. Tiếp đó, cả làng cùng cán bộ xã tham gia một bữa tiệc nhỏ chia vui cùng gia chủ. 

Già làng Rơ Châm Nha cho biết: “Xung quanh cuộc sống của con người, có rất nhiều vị thần như thần sông, thần núi, thần lửa…, luôn dõi theo, bảo vệ, phù trợ cho con người. Vì vậy, Lễ Pơ Jrao là dịp để dân làng báo với thần linh về quá trình lao động, sản xuất lúa nước của bà con đã làm cỏ sạch, mong các thần phù hộ lúa trổ bông tươi tốt. Không có con chim, con chuột đến ăn phá hoại cây lúa, bảo vệ mùa màng. Đồng thời, phù hộ cho cả làng có một vụ mùa tươi tốt, bội thu lúa thóc đầy nhà, ấm no, sung túc hơn”.

Già làng, dân làng cùng đến chứng kiến, chung vui trong ngày lễ trọng đại của gia đình
Già làng, dân làng cùng đến chứng kiến, chung vui trong ngày lễ trọng đại của gia đình

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 2.000 làng đồng bào Gia Rai và Ba Na, nhưng số làng giữ gìn, tổ chức các nghi lễ cúng đều đặn hàng năm không còn nhiều. Nguyên nhân do sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân không còn gắn bó với cây lúa, mà chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp, sự tác động của cuộc sống hiện đại… nên việc thực hiện nghi lễ truyền thống dần bị lãng quên.

Vì vậy, việc gìn giữ và phục dựng nghi lễ Pơ Jrao ở làng Mrông Yố 1 không chỉ là một sinh hoạt văn hóa dân gian quan trọng của người Gia Rai, mà còn có ý nghĩa thực tiễn, đem lại cho đồng bào một không khí lễ hội tưng bừng, vui chơi, múa hát sau chuỗi ngày lao động vất vả. Đặc biệt, giúp cho lớp trẻ có ý thức hơn về việc bảo tồn lễ hội truyền thống của cộng đồng, của dân tộc.

Dân làng cùng đội cồng chiêng tập trung tại nhà sàn cùng tấu lên những bài chiêng rộn rã mừng Lễ Pơ Jrao
Dân làng cùng đội cồng chiêng tập trung tại nhà sàn cùng tấu lên những bài chiêng rộn rã mừng Lễ Pơ Jrao

Ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết: Buổi lễ được diễn ra trang nghiêm, nguyên bản theo nghi thức nghi lễ truyền thống của đồng bào Gia Rai tại xã Ia Ka. Thông qua việc phục dựng các nghi lễ của đồng bào DTTS tại địa phương, chúng tôi mong muốn chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống. Qua đó, nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên cùng những văn hóa đặc sắc của đồng bào Gia Rai nói riêng, đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai nói chung với du khách trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục
Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế trên sông Hương

Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế trên sông Hương

Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế được hình thành từ sự kết tinh giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc cung đình Huế đến nay đã hơn 300 năm. Ca Huế đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015 và đang được tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, thời gian qua, do thiếu sự giám sát dẫn đến tình trạng Ca Huế trên sông Hương khá lộn xộn, cần phải chấn chỉnh lại.