Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Phước Sơn (Quảng Nam): Bớt nỗi lo cho đồng bào vùng sạt lở

Hạ Nguyên- CĐ - 23:35, 22/08/2021

Rời những túp lều tạm nơi làng cũ, nhiều bà con ở vùng sạt lở ở huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) bắt đầu dọn đến vùng đất mới. Trên mặt bằng rộng, khang trang, đã sáng màu tôn mới. Nỗi ám ảnh sạt lở hẳn sẽ vơi đi nhiều, đau thương cũng đã lùi dần vào dĩ vãng, một tương lai khác đón chờ họ ở nơi mới. Không hẳn đã hết những lo toan, nhưng ít nhất, các hộ không còn phải chực chạy khi mưa bão đổ bộ xuống làng như đã từng xảy ra những năm trước.

Các mặt bằng mới đã cơ bản hoàn thành hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng sạt lở.
Các mặt bằng mới đã cơ bản hoàn thành hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng sạt lở.

Về làng mới để an cư

Nụ cười ánh lên trên gương mặt ông Hồ Văn Hóa. Gần một tháng nay, ông cùng những người bà con tất bật nơi làng mới, gấp rút dựng căn nhà gỗ cho cả gia đình. Suốt 8 tháng ròng ở trong một căn bếp của người bà con, ông đã ngóng đợi từng ngày, từng giờ để được về nơi ở mới.

Vợ chồng ông Hóa cùng 3 người con được được bố trí một lô đất ở mặt bằng mới của thôn 2, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam). Từ ngày nhận đất, ông và người thân bắt đầu cặm cụi di dời gỗ nhặt nhạnh lại từ căn nhà cũ, mua tôn dựng nhà. Nhờ khoản tiền hỗ trợ làm nhà, bố trí tái định cư, căn nhà mới đã song phần khung, đang vào giai đoạn hoàn thiện.

“Hồi trước thiếu thốn, chật chội lắm. Thêm nỗi lo là lũ đã cuốn sạch tài sản, không biết lấy tiền đâu để mua tôn, mua xi măng làm lại nhà. Nhờ Nhà nước hỗ trợ, bây giờ được lên chỗ ở mới, mặt bằng rộng rãi hơn, nằm trên đỉnh đồi, đỡ lo lắm. Đỡ vì vừa sắp có nhà mới ở, vừa không phải lo sợ, chạy đi trốn khi mưa lũ đến như năm ngoái nữa”, ông Hóa nói.

Nơi ở của ông Hóa được bố trí mặt bằng làm nhà, là một trong 3 khu tái định cư được xây dựng ở xã Phước Thành, với tổng số 175 hộ được hỗ trợ tái định cư. Tính chung trên toàn huyện Phước Sơn, có 5 khu tái định cư được gấp rút thi công để bố trí chỗ ở cho 235 hộ, trong đó có 166 gia đình bị thiệt hại về nhà ở trong đợt mưa bão cuối năm 2020. Các lực lượng quân sự, công an, đoàn viên, các tổ chức hội, đoàn thể đã hỗ trợ tích cực cùng người dân dựng nhà. Bếp lửa bắt đầu ấm lại, nụ cười cũng trở lại trên gương mặt nhiều người dân vốn đã quá khắc khổ sau cơn bão số 9 đổ bộ xuống vùng cao này vào cuối năm ngoái.

Người dân gấp rút dựng nhà mới trên nền đất tái định cư
Người dân gấp rút dựng nhà mới trên nền đất tái định cư

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, tới thời điểm hiện nay, 5 khu tái định cư này đã xong phần mặt bằng, chính quyền địa phương cấp xã đã mời các hộ gia đình đến nhận đất và làm nhà. Trong số 97 hộ gia đình bị trôi sập nhà hoàn toàn, có 44 hộ gia đình đã làm xong nhà và đã dọn vào ở, 10 hộ gia đình cơ bản hoàn thành, còn lại trên 40 chục hộ gia đình đang triển khai thi công, dự kiến đến khoảng 15/9 sẽ làm xong nhà và dọn vào ở trước ngày 30/9.

Nhà nước bàn giao mặt bằng, kinh phí làm nhà cho các hộ dân bị mất nhà ở do bão lũ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 165 của Chính phủ, với số tiền 40 triệu đồng. Ngoài ra, người dân còn có sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị từ 60 triệu đến 100 triệu đồng. Bình quân những hộ dân bị trôi sạt nhà hoàn toàn sẽ được hỗ trợ từ các nguồn với số tiền từ 140 triệu đến 180 triệu đồng, bảo đảm cho người dân xây nhà vững chắc trên nền nhà của khu tái định cư. 

"Chính quyền địa phương đã rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ thi công mặt bằng. Đơn vị thi công được yêu cầu làm ngày làm đêm, nhanh nhất có thể để hoàn thiện mặt bằng, kéo điện, nước sạch về cho người dân. Có thể sẽ còn nhiều việc nữa phải làm, nhưng ít nhất người dân đã được tạo điều kiện để làm nhà mới kiên cố, vững chãi hơn, phấn đấu hoàn thành xong trước mùa mưa bão năm nay ”, ông Lê Quang Trung chia sẻ thêm .

Giúp bà con ổn định cuộc sống

Tuyến đường về với các xã vùng cao của huyện Phước Sơn còn nhiều đoạn lởm chởm đất đá, dấu vết của trận sạt lở kinh hoàng sau bão số 9 năm ngoái. Nhưng đường sá đã thông thoáng hơn nhiều, nhờ nỗ lực tái thiết của các cấp, các ngành. Sẽ là một hành trình dài để có thể trở lại ban đầu, khi thiệt hại do thiên tai gây ra là quá lớn, song, bằng nguồn lực hiện có cũng như các nguồn hỗ trợ từ tỉnh, từ Trung ương, địa phương này đang tập trung khắc phục cơ sở hạ tầng.

Hầu hết các công trình trong tổng số 35 công trình được triển khai mới đã thi công. Tỷ lệ giải ngân theo thống kê đã đạt khoảng 47% kế hoạch, các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ, đặt mục tiêu hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam và huyện Phước Sơn đang gấp rút đẩy nhanh việc hỗ trợ tái thiết, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp dân ổn định cuộc sống trước mùa mưa bão
Chính quyền tỉnh Quảng Nam và huyện Phước Sơn đang gấp rút đẩy nhanh việc hỗ trợ tái thiết, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp dân ổn định cuộc sống trước mùa mưa bão

“Huyện cũng đang cùng với các cơ quan đầu tư của tỉnh tích cực thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. Vừa qua, các tuyến ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án và huyện đang tiến hành các bước thủ tục tiếp theo. Mục tiêu cuối quý IV năm nay, sẽ thực hiện xong thủ tục đấu thầu để đầu năm 2022 triển khai thi công các tuyến đường này. 

Ngoài ra, huyện đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai năm 2021, trong đó đã giao cho các ngành chuẩn bị khoảng 60 tấn gạo cùng một số nhu yếu phẩm khác bố trí dự trữ ở 3 xã vùng cao: Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc. Số gạo này được đưa về các thôn để ứng phó khi có sự cố cô lập, tắc đường, bảo đảm người dân không bị đói khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Theo thống kê, huyện Phước Sơn đã phê duyệt danh sách, cấp kinh phí hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại của 12 xã, thị trấn với số tiền trên 8,2 tỷ đồng cho hơn 2.800 hộ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khôi phục ruộng nước,với tổng diện tích 36,922 ha, kinh phí dự kiến hơn 900 triệu đồng. Theo đó, vụ hè thu vừa qua, địa phương đã khắc phục được hơn 15 ha ruộng nước để tái sản xuất.

Mới đây, trung tuần tháng 8, trong chuyến công tác kiểm tra thực tế tình hình triển khai tái định cư cho người dân vùng sạt lở, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương, các cấp ngành huyện Phước Sơn đã đồng hành, chăm lo cho người dân, bảo đảm các điều kiện về chỗ ở, hạ tầng thiết yếu tại các khu tái định cư.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh phí, nhân lực, nhưng chính quyền Phước Sơn đã khẩn trương triển khai tốt khu tái định cư cho các hộ dân vùng sạt lở. Các khu tái định cư đều có vị trí thuận lợi, khả năng bị sạt lở thấp; đủ điều kiện để bố trí dân cư và hoàn thành trước ngày 30/9 sắp tới. Đây là những nỗ lực quyết tâm lớn của chính quyền và Nhân dân huyện để giúp bà con an cư, ổn định cuộc sống trước mùa mưa bão…” Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ 15/5;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.