Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quả ngọt ở Son, Bá, Mười

Thu Thảo - 09:45, 06/02/2021

Vùng đất Cao Sơn gồm 3 thôn Son, Bá, Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Trái với hình dung về một Cao Sơn xa tít ảm đạm, u ám, những ngày cuối năm nơi đây đang tràn ngập một không khí rộn ràng với sắc màu no ấm. Thì ra, khi giá lạnh bao trùm Son, Bá, Mười cao ngất, cũng là lúc các hộ dân vào mùa thu hoạch cam. Những đồi cam chín vàng, quyến rũ, hương thơm ngát như xóa tan không gian giá lạnh, khiến cho lòng người ấm lại.

Ông Hà Văn Thưng (61 tuổi), cùng với một hộ dân khác trong bản Son làm chủ một vườn cam, với khoảng hơn 1ha cam vàng và cam canh, trong đó có khoảng 800 gốc đang vào vụ thu hoạch.
Ông Hà Văn Thưng (61 tuổi), cùng với một hộ dân khác trong bản Son làm chủ một vườn cam, với khoảng hơn 1ha cam vàng và cam canh, trong đó có khoảng 800 gốc đang vào vụ thu hoạch.

Trước đây, vùng đất này như thế giới riêng, cách biệt với bên ngoài. Bởi nơi đây gần như không có đường giao thông. Nếu có, chỉ là những lối mòn, nhỏ và quanh co, nhiều đoạn dốc thăm thẳm đến kinh người. Chỉ cần nói như vậy thôi, có thể hình dung được cuộc sống của đồng bào ở Son, Bá, Mười luôn quanh quẩn trong đói nghèo. Nghèo đến mức, đồng bào bằng lòng với cuộc sống đói khổ, không có sự so sánh để vươn lên, bởi sự biệt lập với thế giới bên ngoài .

Sự thay đổi cuộc sống chỉ bắt đầu từ khi những con đường được Nhà nước đầu tư đến vùng đất Cao Sơn. Có đường, việc nhà này cũng là của nhà kia, ai nấy đều chung tay gánh vác. Có đường, thôn Son, thôn Bá, thôn Mười đã vang lên tiếng xe máy của cánh thanh niên rủ nhau xuống phố...; Có đường, cán bộ, chính quyền địa phương tích cực tìm đến bà con, bàn bạc, vận động bà con ngoài cây lương thực truyền thống như ngô, lúa nương, thì mạnh dạn đưa các giống rau củ, cây ăn trái về trồng. Đặc biệt là cây cam, sau thời gian thử nghiệm đã trở thành cây mũi nhọn, được kỳ vọng mở ra cơ hội không chỉ là thoát nghèo mà có thể làm giàu. Bà con phấn khởi. Mọi nghi ngờ về khả năng thích nghi của một giống cây lạ như cam trên đất Lũng Cao bị đánh tan. Diện tích trồng cam tăng dần...

 Bằng sự cần cù, chịu khó, người dân Son, Bá, Mười đã biến những vạt nương, triền dốc sỏi đá thành những vườn cam xum xuê trái ngọt.
Bằng sự cần cù, chịu khó, người dân Son, Bá, Mười đã biến những vạt nương, triền dốc sỏi đá thành những vườn cam xum xuê trái ngọt.

Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao hân hoan cho biết: Hiện ở Cao Sơn đã có hơn 60 hộ trồng cam, với tổng diện tích hơn 20ha. Trong đó, có 20 hộ trồng quy mô lớn. Đã có khoảng 15ha cam cho thu hoạch... Mùa thu hoạch cam ở đây bắt đầu từ tháng 9, kéo dài đến tháng 12. Giống cam được lấy từ Cao Phong nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Giá cam năm nay mua tại vườn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, còn cam canh giá cao hơn, từ 24.000 -26.000 đồng/kg, tùy loại. Nhiều hộ dân đang có dự định mở rộng diện tích trồng. Nếu điều đó thành hiện thực, sắc vàng của mùa cam ở Son, Bá, Mười sẽ khiến cho mùa Xuân mãi với nơi này./.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.