Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Qua sông dự hội Thổ Hà

Phạm Thị Ngoan - 17:02, 27/02/2023

Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) có ba mặt giáp sông Cầu. Đây là vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, không chỉ nổi tiếng với nghề gốm có lịch sử mấy trăm năm, mà còn hấp dẫn du khách bởi những nét trầm mặc trên các công trình kiến trúc cổ và đặc biệt là sự độc đáo trong lễ hội mùa Xuân.

Rước bò tế thánh
Lễ rước bò tế thánh

Thổ Hà như một "kỳ quan" đầy bí ẩn, càng khám phá càng thấy nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn. Trong khí thế mùa Xuân của những miền lễ hội trải dài khắp trong Nam, ngoài Bắc, thì Lễ hội Thổ Hà được các nhà văn hóa đánh giá là một trong những lễ hội chuẩn mực, cổ xưa nhất còn được lưu truyền. 

Theo các tài liệu, đình Thổ Hà được khởi dựng cách đây hơn 300 năm là nơi thờ Lão Tử và tổ sư nghề gốm Đào Trí Tiến.

Đội múa sinh tiền làm lễ tại từ chỉ trước khi nhập vào đoàn rước
Đội múa sinh tiền làm lễ tại từ chỉ trước khi nhập vào đoàn rước

“Đến hẹn lại lên”, vào cuối tháng Giêng, làng Thổ Hà, tổ chức Lễ hội Xuân thu hút hàng nghìn Nhân dân, du khách tham dự. Trong đó, điểm nhấn của lễ hội là lễ rước truyền thống khá quy củ, tôn nghiêm. Mỗi năm, lễ hội diễn ra 1 lần, nhưng 2 năm mới tổ chức lễ rước và được luân phiên giữa 4 xóm trong thôn. 

Các diễn viên được ăn trầu trước khi rước
Các "diễn viên" được ăn trầu trước khi rước

Để hoàn thành nhiệm vụ, dân làng chuẩn bị từ nhiều tháng trước, tuyển chọn những người đủ tiêu chuẩn, phải là người vừa có đức, có tài tham gia đóng các vai chính trong đám rước và tổ chức tập luyện như: Tổng cờ, tổng kiếm, người mang gươm trường, tam đa, tiên đồng, ngọc nữ; bầu chọn chủ tế, ban tế, kế đó là cắt cử người vào các chân phù giá, vác cờ, khiêng kiệu, hương án, chấp kích, bát biểu, đội múa kỳ lân, đánh chiêng, trống tiên, trống rồng, múa sinh tiền, nhạc bát âm…

Đặc biệt, lễ vật dâng lên Thành Hoàng ngoài xôi oản, bánh kẹo, hoa quả, hương đăng thì không thể thiếu 1 con bò.

Chuẩn bị trang phục
Chuẩn bị trang phục cho Tam đa

Lễ rước Thành Hoàng làng trong lễ hội Thổ Hà, được tổ chức nghiêm trang với sự tham gia của hàng trăm người ăn vận rực rỡ và cầu kỳ. Tâm điểm của hội rước Tam Đa (là 3 ông Phúc, Lộc, Thọ) do dân làng hóa trang, dẫn đầu là đoàn múa kỳ lân, sau là đội bát nhã đủ cả kèn, trống, nhị, thanh la, kế tiếp là hương án, kiệu bành, kiệu mẫu và kiệu thánh đi kèm với đội múa sinh tiền; 

Đi sau 3 ông Phúc, Lộc, Thọ, có 4 ông Tổng Cờ, Tổng Kiếm, Tổng Tiết, Tổng Chiêng. Mỗi ông đại diện cho một đoàn quân, qua đó đã tái hiện một không gian văn hóa đậm màu truyền thống và tiêu biểu vào bậc nhất vùng Kinh Bắc. Đặc biệt, khi đoàn rước kiệu thánh đi qua, không ai được đứng trên trần nhà và các vị trí cao hơn kiệu thánh. 

Tam đa làm lễ tại từ chỉ
Tam đa làm lễ tại từ chỉ

Chị Mai Anh, làng Thổ Hà  chia sẻ, chị là người nơi khác về làm dâu tại làng, nhưng nhận thấy ở Thổ Hà còn lưu giữ được nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp, đặc biệt trước ngày diễn ra lễ hội, những người đàn ông trong đoàn rước ai cũng phải kiêng cữ, tắm nước gừng ngâm với rượu và tuyệt đối phải “chay tịnh” (không được ngủ cùng vợ”). Ngoài ra, tại lễ hội còn có những hoạt động như: Hát quan họ trên sông Cầu, diễn tuồng, tổ tôm điếm, chọi gà, các môn thể thao và nhiều trò chơi dân gian, viết thư pháp… nên bà con rất hào hứng tham gia..

Phần múa của đội kèn, trống, nhị, thanh la
Phần múa của đội kèn, trống, nhị, thanh la

Buổi tối, làng tổ chức hát quan họ thâu đêm trong chùa với những canh hát đối đáp, giao duyên cùng các liền anh, liền chị đến từ các làng quan họ cổ trong vùng. Cùng thời gian đội tuồng của thôn biểu diễn các vở tuồng cổ như, “Ngự đệ Kim Hùng”; “Bá đao Diệm Thiên Hùng”, qua đó đem lại không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân. “Phi tuồng bất thành hội”, là câu nói cửa miệng xưa nay của người dân trong ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên sông Cầu này. 

Có lẽ vì vậy mà, năm nào làng mở hội đều tổ chức diễn kịch tuồng kín hai đêm. Ông Hoàng Thanh Kim, ở Từ Sơn (Bắc Ninh) chia sẻ: “Tôi đã từng tham dự nhiều lễ hội của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nhưng thấy ở Thổ Hà còn giữ được nhiều nét truyền thống hơn cả, ngày này năm nào gia đình tôi cũng không quên về đây dự hội”.

Hát quan họ trên sông
Hát quan họ trên sông

Lễ hội làng Thổ Hà, là dịp để Nhân dân tôn vinh và tỏ lòng biết ơn Thành Hoàng làng và vị sư tổ của nghề gốm Đào Trí Tiến. Có lẽ còn nhiều nét độc đáo, hấp dẫn mà du khách ở nhiều tỉnh, thành phố khác như Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên… cũng rủ nhau đi đò qua sông Cầu về đây xem hội. Nhiều nhiếp ảnh gia khắp mọi miền đất nước, thậm chí từ TP. Hồ Chí Minh cũng đến Thổ Hà để ghi lại những bức hình độc đáo trong ngày hội.

Làng Thổ Hà ba mặt giáp sông Cầu
Làng Thổ Hà ba mặt giáp sông Cầu

Theo các nhà quản lý, nghiên cứu lịch sử văn hóa, lễ hội Thổ Hà là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu của miền Bắc, tại đây còn lưu giữ gần đầy đủ những hoạt động, nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt. Năm 2012, Lễ hội Thổ Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”.

Tin cùng chuyên mục
Khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam năm 2024

Khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam năm 2024

Tối 13/10, tại Nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum), Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức Tuần Lễ múa Việt Nam năm 2024. Với chủ đề “Dòng sông ánh sáng”.