Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sản phẩm - Thị trường

Quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh

Cát Tường (T/h) - 11:21, 24/11/2021

Hà Tĩnh là một trong những địa phương có diện tích trồng cam lớn của cả nước, với tổng diện tích trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh trên 7.900 ha, tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.

Tổng sản lượng cam năm 2021 của Hà Tĩnh ước đạt trên 65.000 tấn.
Tổng sản lượng cam năm 2021 của Hà Tĩnh ước đạt trên 65.000 tấn.

Cam là một trong 15 cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, mùa thu hoạch cam kéo dài từ tháng 10 năm này đến tháng 2 dương lịch năm sau. Sản phẩm cam Hà Tĩnh được sản xuất theo quy trình đảm bảo kỹ thuật và được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hiện nay, tổng diện tích trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7.900 ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc; diện tích cho sản phẩm đạt gần 5.600 ha; trong đó, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657 ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha, tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.

Trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, chú trọng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ nhằm mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng cây trồng; đồng thời, xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những bước đi quan trọng nhằm gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Đến nay, hệ thống đã kết nối với 1.611 hộ dân và 278 hợp tác xã/tổ hợp tác trồng cam trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp kết nối tiêu thụ cam Hà Tĩnh tại hệ thống phân phối, bán lẻ lớn như chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+, siêu thị Co.opmart, siêu thị Big C; xây dựng gian hàng cam Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam như Voso, Postmart, Sendo, Shopee và sàn thương mại điện tử của tỉnh. Đồng thời, tổ chức nhiều hình thức xúc tiến quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp đầu mối để đưa sản phẩm cam Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng trong nước. Đến nay, sản lượng cam được tiêu thụ đã đạt 13.000-14.000 tấn, bước đầu thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại như Vinmart, Coopmart, sàn thương mại điện tử.

Tại Hội nghị trực tuyến “Quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh” diễn ra ngày 23/11 mới đây, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, tỉnh, thành trong nước, các doanh nghiệp khẳng định: Cam Hà Tĩnh không chỉ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ mà còn thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh phân phối. Các đại biểu cũng khẳng định sẽ phối hợp với tỉnh trong quá trình sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Cũng tại hội nghị, đại diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh cam trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khẳng định sẽ sản xuất đảm bảo quy trình kỹ thuật, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng nhất. 

Tại đầu cầu Hội nghị ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao tiềm năng và lợi thế phát triển của cam Hà Tĩnh cùng sự quan tâm ứng dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật trong canh tác của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh trồng cam lớn khác nói chung tập trung quan tâm đến một số vấn đề lớn khi định hướng phát triển cây cam như: Tập trung thâm canh, cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng, mở rộng áp dụng quy trình thực hành tốt sản xuất nông nghiệp (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ và truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Kịp thời tổng kết những kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quý của nông dân trồng cam để phổ biến, nhân rộng.

Đồng thời, hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng cây cam, nhất là tại các vùng không phù hợp. Tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh, gắn với phát triển chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ; tuyên truyền vận động nông dân tự nguyện tham gia các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh các liên kết địa phương, liên kết vùng, miền trong sản xuất rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với người sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục
SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai

SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai

Tiếp nối chuỗi hoạt động đồng hành cùng các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) và Tập đoàn BRG chung tay cùng Báo Nhân dân trồng 68.000 cây, trị giá 1 tỷ đồng nhằm phủ xanh gần 20ha diện tích rừng và phục hồi sinh kế cho người dân tỉnh Lào Cai.