Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Quảng Ngãi: Nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống

Thành Nhân - 10:04, 05/05/2020

Quảng Ngãi có 3 DTTS gồm người Ca Dong (nhóm địa phương của dân tộc Xơ-đăng), Cor, Hrê sống rải rác tại 6 huyện miền núi. Mỗi dân tộc có vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Để bản sắc văn hóa của các dân tộc không bị mai một, các cấp, ngành địa phương cùng bà con ở các thôn, làng miền núi đã dành nhiều tâm huyết cho việc sưu tầm và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành và những người có tâm huyết, nhiều di sản văn hóa của các DTTS được bảo tồn và phát huy. (Trong ảnh: Tiết mục đấu chiêng của người Cor)
Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành và những người có tâm huyết, nhiều di sản văn hóa của các DTTS được bảo tồn và phát huy. (Trong ảnh: Tiết mục đấu chiêng của người Cor)

Từ những người tâm huyết

Theo thống kê của ngành Văn hóa, hiện Quảng Ngãi có trên 300 cá nhân thuộc các dân tộc miền núi của tỉnh có công gìn giữ, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể địa phương.

Đơn cử như anh Đinh Văn Siêng, ở xã Sơn Long (Sơn Tây), nhiều năm qua đã bỏ công sức sưu tầm hàng trăm loại nhạc cụ và đồ dùng sinh hoạt của người Ca Dong. “Tâm nguyện của mình là để gìn giữ, bảo vệ cho thế hệ trẻ sau này, chứ không phải vì mục đích mua bán, trao đổi. Nhờ đó mà nhiều người đã đồng ý để lại cho mình”, anh Siêng chia sẻ.

Ông Đinh Công Bôn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung (Sơn Hà) cho biết, ông rất lo ngại bản sắc văn hóa dân tộc dần bị mai một, nên đã dày công sưu tầm và bảo tồn những hiện vật, nhạc cụ quý hiếm của dân tộc Hrê. Ngôi nhà ông Bôn hiện được xem như “bảo tàng” văn hóa Hrê thu nhỏ, với đa dạng các loại nhạc cụ quý hiếm. Ngoài ra, ông Bôn còn viết sách về các hoạt động văn hóa, lễ hội dân tộc mình. Ông Bôn tâm sự: Văn hóa truyền thống của cha ông để lại có nhiều cái hay và đáng quý. Tuy nhiên, thế hệ trẻ bây giờ ít người quan tâm. Mục đích của mình làm là để cho con cháu mai sau học hỏi, ghi nhớ và cốt là không để bị thất truyền.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Sây, dân tộc Hrê ở xã Ba Thành (Ba Tơ), dành tình yêu rất lớn cho làn điệu dân ca, anh xem như là kho báu, là món ăn tinh thần không thể thiếu của dân tộc mình. Thế nên, những năm qua, anh Sây đã tích cực truyền dạy cho lớp trẻ để lưu giữ và bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Hrê.

Thổ cẩm Làng Teng được khôi phục và trở thành sản phẩm phục vụ du lịch
Thổ cẩm Làng Teng được khôi phục và trở thành sản phẩm phục vụ du lịch

Đến sự quan tâm của các địa phương

Những năm qua, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020, các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức biên soạn và dạy tiếng DTTS cho cán bộ, giáo viên công tác ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, bảo tồn, khôi phục các nhà sàn truyền thống và sử dụng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các địa phương. 

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã triển khai dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ), với kinh phí hơn 10 tỷ đồng, giúp người dân địa phương bảo tồn, duy trì các ngành nghề truyền thống, phát triển kinh tế, gắn kết phát triển du lịch. 

Các địa phương cũng đã nỗ lực khôi phục và phát triển một số nghề truyền thống tiêu biểu bị mai một như: Dệt thổ cẩm, mây tre đan, làm rượu cần và các lễ hội truyền thống của từng dân tộc. Xây dựng Trung tâm Bảo tồn văn hóa Hrê tại huyện Sơn Hà; Khu bảo tồn văn hóa Cor tại huyện Trà Bồng... 

 Theo ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, với sự nỗ lực của các cấp ngành và những người có tâm huyết, công tác bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc đã đạt được những kết quả khích lệ. Tuy nhiên, đời sống văn hóa, thể thao ở các huyện miền núi còn đơn điệu. Sự lai căng văn hóa xuất hiện trong lớp thanh niên trẻ ngày càng phổ biến, các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu và chưa đầu tư đồng bộ…

“Thời gian tới, ngành Văn hóa phối hợp với các địa phương triển khai tốt các dự án bảo tồn khẩn cấp, hỗ trợ, tăng cường năng lực, phát triển văn hóa các DTTS, tiếp tục khôi phục các làng nghề, duy trì các hoạt động truyền dạy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc”, ông Trí cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Dù ra mắt vào cuối năm 2023, song tính đến thời điểm hiện tại, sức hút của tour du lịch "Làng cá gỗ - sau ánh hào quang" vẫn chưa hề suy giảm. Về làng Quỳnh Đôi, du khách không chỉ có dịp ghé thăm vùng đất khoa bảng nức tiếng của xứ Nghệ mà còn được lắng nghe giai thoại về con cá gỗ, thấm thía câu chuyện của những người khai ấp lập làng, gian nan đưa thầy về dạy học để duy trì nghiệp đèn sách nơi đây.