Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sli mang tâm tình của người Nùng xứ Lạng: Trẩy hội Háng Pỉnh nghe hát sli (Bài 1)

Thuý Hồng - 09:53, 16/10/2022

Nếu ai đã từng đặt chân đến xứ Lạng vào những dịp có lễ hội, chắc hẳn sẽ không quên những giai điệu hát sli dặt dìu làm say đắm lòng người. Hát sli là món ăn tinh thần không thể thiếu, là bản sắc văn hóa của đồng bào Nùng nơi vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Hát sli giao duyên tại ngày hội Háng Pỉnh
Hát sli giao duyên tại ngày hội Háng Pỉnh

Sli là làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của  dân tộc Nùng ở Lạng Sơn. Các làn điệu sli thường được thể hiện trong các sự kiện, lễ cưới, lễ hội truyền thống... Độc đáo nhất là những phiên chợ tình hát sli gợi thương, gợi nhớ làm nên bản sắc riêng của người Nùng xứ Lạng.

"Chợ tình" hát sli giữa lòng thành phố

Cứ đến dịp trăng tròn tháng 8 âm lịch, thì các bà, các mẹ, các chị trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn, lại xúng xính trong sắc áo chàm, áo xanh truyền thống đặc trưng của người Tày, Nùng... rộn ràng rủ nhau trẩy hội Háng Pỉnh.

Hội Háng Pỉnh (hội bánh nướng) thường được tổ chức vào ngày 12 đến 15 tháng Tám âm lịch hàng năm. Trước đây, hội thường diễn ra ở chợ phiên Kỳ Lừa, bây giờ không gian được mở rộng tới khu công viên tượng đài Hoàng Văn Thụ (phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn).

Gọi là hội Háng Pỉnh nhưng người dân đi hội, không chỉ đến hội để ăn bánh nướng, mà tới để hát sli, đối đáp, giao duyên…Đặc biệt, hội càng về chiều càng đông, từng tốp nam nữ chụm vào với nhau trò chuyện, tâm tình, cùng hát sli... 

Ngay từ sáng sớm những dòng người đổ về TP. Lạng Sơn tham dự hội Háng Pỉnh
Ngay từ sáng sớm những dòng người đổ về TP. Lạng Sơn tham dự hội Háng Pỉnh

Bà Hoàng Thị Lải, xã Hà Sơn, huyện Hữu Lũng, cách TP. Lạng Sơn khoảng 80km, nhưng năm nào cũng đi hội Háng pỉnh. Bà bảo, từ hồi bà còn nhỏ 14,15 tuổi mới biết hát sli, bà  đã được theo các anh chị đi hội để hát sli giao duyên với nhau. "Bây giờ có tuổi rồi, nhưng hàng năm đến ngày hội, tôi vẫn rủ các bà trong xóm đi hội. Có tuổi rồi nên bà chủ yếu hát những điệu sli mới theo chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đổi mới, phát triển của đất nước…". 

Chị Chu Thị Bền, người dân tộc Nùng, thôn Hợp Tân, xã Gia Cát (huyện Cao Lộc) cho biết: Hằng năm đến dịp Trung thu, là chị lại đi hội Háng Pỉnh, có năm bà con về hội đến hàng nghìn người nên không khí nhộn nhịp từ sáng cho tới tối muộn..

Nhóm hát sli của thôn Hợp Tân của chị Bền có trên chục người. Mỗi lần đi hội Háng Pỉnh nhóm của chị hẹn với tốp hát của các anh ở các xã để hát đối đáp. Thường khi chọn tốp hát, họ chọn cho số nam nữ bằng nhau. Mỗi lần giao lưu, nhóm nữ thường nghĩ ra những làn điệu khó, đối đáp không dễ dàng. Ngược lại, phía nhóm nam cũng luyện bè, luyện thanh sao cho ngọt đối sao cho hay, cho hợp.

“Điệu sli phải học, nhưng nội dung thì mình tự nghĩ ra, đối đáp từ thực tế. Đối phương có tài khéo léo, mình cần phải nhanh trí đưa ra ý kiến sắc sảo. Như vậy, cuộc hát kéo dài đến khuya mà không biết chán”, chị Bền cho biết.

Sli là lối hát dân ca đối đáp giữa các bên nam- nữ. Nội dung của những câu hát đơn giản là hỏi thăm, làm quen sau đó gửi gắm, chia sẻ tình cảm hay học tập các kỹ thuật, phương pháp làm ăn giữa các bản làng nhưng được đối đáp sắc sảo, ý nhị.

Một cặp hát sli ở Hội Háng pỉnh là người dân tộc Nùng đến từ huyện Cao Lộc
Một cặp hát sli ở Hội Háng pỉnh là người dân tộc Nùng đến từ huyện Cao Lộc

Để mở đầu cho chủ đề các bài hát sli thường có phần hô ngữ lên giọng để thay cho lời chào hỏi, tiếp đó mới vào nội dung của bài hát sli. Đây được ví như chìa khóa để người hát đúng, không bị chệch giọng và hòa thanh được chuẩn để khi hát vào bài chính các bè của hòa âm không bị lệch lạc và sai về giọng.

Theo chị Bền, thường thì con trai sẽ là bên hát trước và sẽ được bắt đầu bằng câu: Nhì à, song hau là chào nhau, gợi mở câu chuyện bắt đầu sli, hát giao duyên với nhau, trao nhau những lời hẹn ước. Chị Bền minh chứng bằng một đoạn sli:

"Nì à… soong hau: Ná mấu hăn cần, nự phức hin/Làng slương so chào, pần mí pần/So chào ti phát tèo lo mấư/Ti mì lo mấư phjải xinh dìn/Có làng mì slim các kiều mạy/Noọng dừ mì slim các kiều hin/Kiều mạy phjải lai nhằng vài khoái/Kiều hin phàn pi phjải xình dìn"

(Bạn ơi, hai ta…Nhìn thấy người da trắng xinh/ Mình muốn xin chào, có được không/Xin chào thì phát con đường mới/Sẽ được đường mới đi mãi mãi/Nếu anh có lòng bắc cầu gỗ/Em cũng sẵn lòng bắc cầu đá/Cầu gỗ đi nhiều còn bị mòn/Cầu đá muôn đời mãi mãi đi…)

Những màn hát sli ở Hội Háng Pỉnh có thể kéo dài đến khuya. Những câu sli gợi thương, gợi nhớ vang lên khắp nơi từ đầu chợ Kỳ Lừa đến bên bờ sông Kỳ Cùng, lan tỏa, lắng đọng cảm xúc khó quên. Có lẽ vậy mà nhiều đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng từ những câu hát sli

…đến đỉnh Mẫu Sơn

Mỗi năm, cứ đến lễ hội Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình hàng nghìn du khách lại đổ về đây để được hoà mình vào không gian văn hoá vùng cao, với những nét đặc trưng từ các sản vật của địa phương, đến những món ẩm thực truyền thống nổi tiếng như lợn quay, rượu Mẫu Sơn…Du khách đến với Lễ hội Mẫu Sơn còn được thưởng thức các chương trình văn nghệ thuật đặc sắc như múa sư tử, hát then, thổi kèn Pí lẹ. Nhưng một nét văn hoá không thể thiếu, luôn có sức hấp dẫn và lôi cuốn là những màn hát sli của bà con dân tộc Nùng.

Những chàng trai, cô gái Nùng mang theo khăn áo mới trong sắc áo chàm, áo xanh ngồi ven những sườn đồi trên đỉnh Mẫu Sơn cùng nhau đối đáp, giao duyên. Lời sli lúc trầm lúc bổng ngân vang giữa đất trời. Những đôi trai gái cứ mải mê hát, từ sáng sớm đến chiều muộn, khi hội đã tan mà vẫn còn dùng dằng chưa muốn về.

Chờ bạn hát sli trên đỉnh Mẫu Sơn
Chờ bạn hát sli trên đỉnh Mẫu Sơn

Bà Chu Thị Phâng, bản Tam Thanh, xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn cho biết: Năm nào đến hội Mẫu Sơn bà cũng những người bạn trong xóm đều đi hội để tìm bạn hát sli. “Hát sli của Nùng Phàn Slình phải có đôi, có cặp, hát đối đáp với nhau cả ngày không biết chán, càng hát lại càng mê”, bà Phâng chia sẻ.

Mỗi khi đến lễ hội như lời hẹn ước của các cặp đôi từ năm trước, dù gần hay xa họ lại rủ nhau tìm về để gặp lại bạn cũ. Ông Mạc Văn Đậu, 63 tuổi ở tận xã Biên Sơn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang hàng năm, vẫn vượt hơn cả trăm cây số đến Mẫu Sơn lên để gặp bạn sli cùng nhau nhắc lại chuyện xưa, trò chuyện, tâm tình.

Không riêng gì chợ hát sli Háng Pỉnh, hội chợ Mẫu Sơn, mà ở Lạng Sơn có rất nhiều chợ hát sli khác nhau, như chợ tình Pác Khuông ở Bình Gia, chợ Tân Thành Hữu Lũng, Hội Háng Đắp ở Lộc Bình…

Từng tốp nam nữ hát sli trên đỉnh Mẫu Sơn
Từng tốp nam nữ hát sli trên đỉnh Mẫu Sơn

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hát sli có từ lâu đời và được các thế hệ nghệ nhân lưu giữ, truyền khẩu cho thế hệ kế tiếp. Sli thể hiện tài hoa đối đáp bằng ngôn ngữ dân ca, được sử dụng để giao duyên tình cảm tại các lễ hội, chợ hội, ngày cưới và ngày vào nhà mới.

Hát sli không đơn giản chỉ là một loại hình âm nhạc độc đáo của người Nùng đã tồn tại suốt bao đời nay, gắn bó máu thịt và trở thành tài sản tinh thần quý giá, không thể thiếu trong đời sống của người Nùng. Từ những câu sli mà nhiều người nên duyên vợ chồng. Những đôi trai gái không nên duyên được, khi gặp nhau họ trở thành bạn.  Vào những ngày lễ, hội nếu có dịp về họ sẽ tìm gặp thăm hỏi, chia sẻ với nhau về cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
"Chữa bệnh" cho chiêng

"Chữa bệnh" cho chiêng

Với sứ mệnh lưu giữ “hồn cốt” của cồng chiêng Tây Nguyên, những nghệ nhân tại các buôn làng Gia Lai đang miệt mài chỉnh sửa những tiếng chiêng lạc nhịp, để tiếng chiêng, tiếng cồng cổ mãi ngân vang “chín suối, mười đồi”. Họ như những bác sỹ không quản ngại ngày đêm lặn lội trên khắp các buôn làng để "chữa bệnh" cho chiêng.