Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Soọng cô - một thứ “men” của đồng bào Sán Dìu: Giải pháp gìn giữ lâu dài (Bài cuối)

Văn Hoa - 08:52, 23/08/2022

Soọng cô là một thứ "men" khiến bao thế hệ người Sán Dìu say đắm, coi đó là một báu vật để luôn nỗ lực gìn giữ. Tuy nhiên, việc bảo tồn Soọng cô trong điều kiện thực tại và xu thế phát triển cần sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có người Sán Dìu sinh sống.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ ý thức hơn trong việc bảo tồn làn điệu Soọng cô
Ngày càng có nhiều bạn trẻ ý thức hơn trong việc bảo tồn làn điệu Soọng cô

Từ những mô hình hiệu quả

Như đã đề cập ở trong những bài trước, Soọng cô là niềm tự hào của người Sán Dìu. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đã có những lúc, Soọng cô bị xao nhãng, bị lấn át bởi những loại hình âm nhạc sôi động, vui nhộn hơn. Dẫu vậy, Soọng cô vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống của đồng bào. 

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII, năm 1998) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là dấu mốc quan trọng, mở đường cho thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Tiếng hát Soọng cô cũng từ đó tiếp tục được nuôi dưỡng và hồi sinh, cộng đồng người Sán Dìu đã thay đổi nhận thức, họ trân quý hơn những giá trị văn hóa của dân tộc. 

Đồng bào bắt đầu hát lại Soọng cô, họ tập hợp những người đam mê và yêu thích hát Soọng cô để thành lập Câu lạc bộ (CLB). Đồng thời, truyền dạy lại tiếng nói và các bài hát Soọng cô cho thế hệ trẻ. Nhiều người còn sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc để tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu giữa các CLB trên đia bàn toàn tỉnh và với tỉnh bạn.

Tuy nhiên, dù nhiều người cao niên đã cố gắng nỗ lực nhằm “cứu nguy” cho làn điệu Soọng cô, nhưng với nhiều lý do khách quan, chủ quan, việc bảo tồn làn điệu này còn vô vàn khó khăn, thách thức.

Đầu tháng 8 vừa qua, chúng tôi có dịp dự buổi sinh hoạt thường niên tại CLB Soọng cô Trung Mầu (Vĩnh Phúc). CLB có mời thêm CLB Soọng cô Lưu Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đến để hát giao lưu. 

Tại buổi sinh hoạt, CLB đã tái hiện các bước để đón đoàn hát Soọng cô từ làng khác tới, mỗi một bước sẽ có những bài hát Soọng cô tương ứng. Điều đặc biệt, phấn khởi trong buổi sinh hoạt  là những nhân vật chính để đón, hát mời khách vào nhà, mời nước, hát ca ngợi quê hương, xóm làng…có rất nhiều hội viên nhỏ tuổi.

Trong buổi sinh hoạt, các hội viên lớn tuổi đã nhiệt tình ôn lại những kiến thức đã dạy cho các bạn nhỏ, từ những câu giao tiếp đơn giản đến các bài hát Soọng cô, dạy thêm những bài Soọng cô mới và tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Các học viên rất hào hứng, say mê học.

Qua quan sát, các bạn nhỏ trong CLB đã giao tiếp tiếng Sán Dìu khá thuần thục, cho dù đôi lúc có pha lẫn mấy từ phổ thông. Đặc biệt, có những em còn rất nhỏ, như em Lưu Thúy An, khoảng 6 tuổi đã hát được khá nhiều bài hát Soọng cô.

Đa dạng các nội dung sinh hoạt CLB để thu hút giới trẻ tham gia
Đa dạng các nội dung sinh hoạt CLB để thu hút giới trẻ tham gia

Bà Trần Thị Nam, Chủ nhiệm CLB Soọng cô Trung Mầu cho biết: CLB hiện có hơn 40 hội viên nhỏ tuổi, tất cả đều đã nói được tiếng Sán Dìu và có thể hát được Soọng cô. CLB đã phân công mỗi hội viên sẽ dạy cho 3-5 hội viên nhỏ tuổi, cũng chính là con, cháu của mình. Hàng tháng, CLB sinh hoạt và kiểm tra các cháu, đây cũng là một phần để đánh giá chất lượng hội viên. Ngoài ra, CLB thường xuyên tổ chức đưa các hội viên nhỏ tuổi đi giao lưu, học hỏi với các CLB khác, tham gia biểu diễn trên sân khấu tại các ngày lễ lớn của địa phương…

Ngoài CLB Soọng cô Trung Mầu, hiện nay có rất nhiều CLB đã thành công trong việc dạy tiếng Sán Dìu và Soọng cô cho thế hệ trẻ như: CLB Soọng cô Mỹ Khê, CLB Chợ tình Đạo Trù… (Vĩnh Phúc), CLB Soọng cô Sơn Nam, Ninh Lai (Tuyên Quang)…

Nghĩ đến giải pháp lâu dài

Có thể thấy, sự thành công trong việc truyền dạy Soọng cô cho thế hệ trẻ tại các CLB, rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong bảo tồn làn điệu dân ca đặc biệt này. Trong đó, đối tượng cần đặc biệt quan tâm, là những người lớn tuổi, những nghệ nhân Soọng cô.

Bởi như lời của ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Bình Liêu (Quảng Ninh): "trồng cây quan trọng phải chú ý đến gốc, gốc khỏe thì cây mới khỏe. Trong bảo tồn các làn điệu dân ca cũng vậy, nếu chỉ chú tâm vào thế hệ trẻ thì giống như chỉ cầm lấy ngọn cây, không bền vững mà cần quan tâm đến những người lớn tuổi, các bậc cao niên (gốc cây)".

Thật vậy, nếu như mỗi người lớn tuổi, các ông, các bà, bố mẹ đều thường xuyên dạy tiếng nói, dạy hát Soọng cô cho chính các con, các cháu của mình trong gia đình, qua thời gian, tiếng hát Soọng cô sẽ trở thành một phần gia vị không thể thiếu được trong cuộc sống của mỗi người. Đây là cách bảo tồn tự nhiên, bền vững nhất.

Để bảo vệ tiếng hát Soọng cô, không có cách nào tốt hơn là chúng ta phải bảo tồn được ngôn ngữ Sán Dìu
Để bảo vệ tiếng hát Soọng cô, không có cách nào tốt hơn là chúng ta phải bảo tồn được ngôn ngữ Sán Dìu

Giáo sư Hoàng Chương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cũng cho rằng: Cần phát huy việc dạy hát trong gia đình, trong nhà trường cần phải có giờ dạy hát dân ca. Cứ như thế, nghệ thuật âm nhạc truyền thống mới thấm dần vào đời sống của đồng bào.

Cái khó nhất trong việc học Soọng cô, là rào cản ngôn ngữ, do đó, cần nâng cao khả năng nói tiếng mẹ đẻ cho giới trẻ. Theo GS.TS Đặng Hoàng Loan, Nhà Nghiên cứu Âm nhạc dân gian Việt Nam, mỗi một cộng đồng có một ngôn ngữ, mỗi một ngôn ngữ sinh ra một hệ nghệ thuật của ngôn ngữ ấy. Do đó, cộng đồng ấy, ngôn ngữ ấy nó quyết định vận mệnh của nghệ thuật ấy. Bảo tồn ngôn ngữ bằng truyền khẩu, tức là phải tổ chức cho người ta truyền lại cho nhau. Thế nên, để bảo vệ tiếng hát Soọng cô, không có cách nào tốt hơn là chúng ta phải bảo tồn được ngôn ngữ Sán Dìu, như là bảo tồn báu vật. Bảo tồn tốt ngôn ngữ Sán Dìu thì người Sán Dìu không đánh mất dân ca Sán Dìu.

Việc bảo tồn Soọng cô không phải việc của riêng ai, mà cần sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có người Sán Dìu sinh sống như: đưa Soọng cô biểu diễn tại sân khấu với thời lượng phù hợp, có những hỗ trợ về phương tiện để các CLB hoạt động hiệu quả hơn…

Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2475/QĐ-BVHTTDL tuyên truyền công tác bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ truyền thống của các DTTS trên các kênh phát thanh, truyền hình…

Giới trẻ người Sán Dìu cần nêu cao vai trò tự thân, lòng tự tôn dân tộc, nỗ lực gìn giữ để tiếng hát Soọng cô vang mãi.(Ảnh Thái Sinh Trần)
Giới trẻ người Sán Dìu cần nêu cao vai trò tự thân, lòng tự tôn dân tộc, nỗ lực gìn giữ để tiếng hát Soọng cô vang mãi.(Ảnh Thái Sinh Trần)

Đặc biệt, trong Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, có nhiều nội dung quan trọng trong bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS. Đây hứa hẹn sẽ là một cú hích cho việc bảo tồn làn điệu Soọng cô.

Có thể nói, việc bảo tồn Soọng cô là một yêu cầu bức thiết được đặt ra. Cộng đồng người Sán Dìu, đặc biệt là giới trẻ cần nêu cao vai trò tự thân, lòng tự tôn dân tộc, nỗ lực gìn giữ để tiếng hát Soọng cô vang mãi.