Trên vùng núi Quảng Nam, đồng bào Tà Riềng sinh sống tập trung tại xã Đắc Tôi - giáp ranh với huyện Đắc Chưng (tỉnh Xê Kông - Lào). Theo ông Zơ Râm Hiệng (72 tuổi, nhà tại thôn Đắc Rích, xã Đắc Tôi thì, trước đây người Tà Riềng có cuộc sống du canh, du cư. Khi tìm được địa điểm để lập làng mới thì trong thời gian một năm, phải xây dựng được nhà làng. Ngày xưa, người già trong làng có tục chôn đá mài dưới đất để “tìm may” trước khi dựng su moong, nhưng sau này, việc chọn ngày đã thoáng hơn nhiều. Su moong bao giờ cũng được chọn dựng ở cuối làng để đứng từ đây có thể quan sát toàn bộ khu dân cư.
Thời điểm khởi công xây dựng su moong được già làng chọn, thường vào kỳ trăng tròn, sau thu hoạch lúa rẫy hàng năm. Lễ “khởi công” không cầu kỳ, nhưng mang nhiều yếu tố tâm linh của cộng đồng. Khi su moong mới đã hoàn thành, các gia đình lại bắt tay chung sức dựng nhà cho toàn thể dân làng, từ ngôi nhà của chủ làng (chủ đất) đến những người lớn tuổi có uy tín trong làng, sau đó đến những người phụ nữ neo đơn, con mồ côi, không có điều kiện tự làm nhà để ở.
Su moong được chọn làm trên khu đất bằng phẳng, rộng rãi, bốn bề thông thoáng, toàn bộ vật liệu được lấy trong tự nhiên. Phía trước là khoảng sân lớn để có thể dựng cây nêu, quy tụ tập trung mọi người trong làng hướng về ông bà, tổ tiên, thần linh thông qua lễ hiến sinh trâu ăn mừng trong những dịp dân làng tổ chức lễ hội truyền thống. Người Tà Riềng quan niệm, hướng Đông là hướng của thần linh, từ đây ánh nắng mặt trời tỏa đi khắp các hướng, sưởi ấm cho vạn vật để con người mạnh khỏe, muôn thú sinh sôi đông đúc, cây cối tốt tươi, đem lại hạnh phúc cho dân làng. Vì thế, hai cửa ra vào mở ở hai bên hông của ngôi nhà, cửa chính được mở ở hướng Đông, cửa phụ nằm ở hướng Tây. Cách bố trí mặt bằng sinh hoạt trong su moong thường bố trí theo hướng từ Đông sang Tây.
Su moong của người Tà Riềng có giàn cột gỗ vững chãi, thường là 10 cột xung quanh và 1 cây cột chính giữa bằng một số loại cây gỗ bền chắc, có khả năng chống chịu mối, mọt. Đáng chú ý, cây cột chính của su moong được đẽo tròn, có cạnh từ mặt đất lên đến sàn nhà, song từ sàn lên đến phần khung có dáng hình chữ nhật, mái vòm trong dáng tựa chữ A. Ở hai bên chái của ngôi nhà làng còn có 3 - 5 cột tròn được dựng thẳng từ mặt đất lên đến mái. Hai bên chái của su moong được thiết kế theo kết cấu hình rẻ quạt và được lợp tranh theo khung lượn tròn tinh tế, với cắt góc vuông vắn, gắn kết vững chãi. Cửa chính su moong thường được mở về hai bên chính diện. Trên mỗi cửa ra vào cũng có biểu tượng của sừng trâu - tượng trưng cho vật hiến tế thần linh. Cấu trúc ngôi nhà làng của người Tà có một nét độc đáo là hệ thống cột, kèo được xử lý kết nối với nhau bằng các mộng gỗ và bằng những sợi mây rừng không chỉ bền chắc mà còn mang tính thẩm mỹ cao nhờ các nút thắt.
Su moong là nơi giữ hồn làng của cộng đồng người Tà Riềng với kết cấu vững chắc cùng sàn cao khoảng hơn 0.8m, vách gỗ, mái lợp tranh. Mái su moong bao giờ cũng có dáng tựa hình mai rùa, trên đầu mái của hai nóc có biến thể biểu tượng của 2 sừng trâu. Không những thế, các cây xà ngang, xà dọc và đòn tay kết nối bên trong su moong cũng có nhiều yếu tố gắn với con trâu. Nhìn tổng thể theo hướng chính diện, su moong mang nét độc đáo riêng nhờ lối kiến trúc và tâm linh liên quan đến hình ảnh con trâu nằm ngang. Xương sống vững chãi của trâu, kéo xuống phần mái su moong tương ứng như hai bên hông của con trâu với các lớp xương sườn hòa hợp.
Có dịp lên bản làng của người Tà Riềng bên sườn núi Trường Sơn, du khách sẽ thấy thấp thoáng ngôi nhà làng su moong ở cuối làng. Su moong của người Tà Riềng là biểu tượng sức mạnh và tâm linh của dân làng. Vì vậy luôn được đồng bào gìn giữ, bảo tồn, phát huy trong đời sống hiện đại.