Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và XK lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025” được tổ chức ngày 1/12/2020 cho thấy, từ năm 1990, sau khi Việt Nam giải quyết căn bản vấn đề lương thực đã dồn sức cho công tác phát triển rừng nói riêng, hệ sinh thái kinh tế lâm nghiệp nói chung. Từ đó đến nay, chúng ta đã phát triển, hình thành một hệ sinh thái kinh tế rừng khá căn bản.
Từ chỗ 28% độ che phủ rừng vào năm 1990, thì đến nay, cả nước đã có 14,6 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ chung là 42%. Pháp luật, chính sách cho công tác rừng và kinh tế rừng ngày càng được hoàn thiện đầy đủ.
Từ ngày 19/11/2018, Việt Nam chính thức hội nhập quốc tế trong việc phát triển bền vững ngành kinh tế lâm nghiệp. Việc hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế đã và sẽ đem lại cho ngành chế biến gỗ, lâm sản XK những điều kiện, cơ hội thuận lợi nhất định nhưng cũng chịu ảnh hưởng, tác động nhiều mặt của thị trường thế giới với nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và XK lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025”, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, do đại dịch Covid-19, ngành sản xuất lâm nghiệp đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhưng bằng nỗ lực vượt bậc của cộng đồng, doanh nghiệp, năm nay kim ngạch XK lâm sản khả năng vẫn cán đích 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm XK chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị XK của ngành Nông nghiệp. Giá trị XK lâm sản nước ta tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới…
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong giai đoạn 2021 - 2025 định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch XK của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, XK lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và gia tăng XK.
"Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Tuấn, thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tiếp tục phát triển rừng trồng nguyên liệu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đảm bảo cung cấp tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản… Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phải tăng dần tỷ trọng XK sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch XK, giảm dần tỷ trọng XK sản phẩm thô, sản phẩm trung gian.
Ngành Công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam bắt đầu từ con số 0, đến nay có 5.600 doanh nghiệp tập trung công tác chế biến. Năm 2000, Việt Nam bắt đầu bước chân vào thương trường thế giới, XK 200 triệu USD. Năm 2010, Việt Nam XK 3,7 tỷ USD gỗ và đồ gỗ. Gần 10 năm sau, Việt Nam XK 11,3 tỷ USD gỗ và đồ gỗ cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của các doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động, mỗi gia đình, mỗi hợp tác xã không chỉ chăm lo rừng, mà còn chế biến gỗ”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Nguyễn Xuân Cường