Sự lựa chọn đầu đời…
Nếu như những cô cậu học trò khác đỗ đại học là niềm vui của gia đình, thì với Hoàng Văn Núi (tên thường gọi là Sơn) niềm vui nhanh chóng trở thành những trăn trở và lo lắng. Gia cảnh nhà Núi khó khăn, bố mẹ sức khỏe yếu, mất sức lao động, quanh năm quẩn quanh vài ba sào ruộng, nhà lại đông anh chị em.
Sau khi bước vào kỳ 2 năm thứ nhất khoa Lâm Nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Núi được bố mẹ gọi về với mong muốn anh nghỉ học để chăm lo kinh tế gia đình. Chàng sinh viên người Tày 19 tuổi bơ vơ, hoang mang trước sự lựa chọn đầy khắc nghiệt ấy.
Đi tiếp hay quay về? Những trăn trở, đắn đo nhanh chóng tan biến bởi ý chí mạnh mẽ và sự tiến thủ của cậu sinh viên không cho phép mình chùn bước. Núi quyết định sẽ vừa học, vừa làm thêm, tự nuôi bản thân và dành dụm tiền gửi về cho bố mẹ.
Một thời gian dài, Núi chỉ được ngủ 3 - 4 tiếng/ngày. Một buổi lên giảng đường, thời gian còn lại là dành hết để đi làm thêm. Núi lăn lộn đủ thứ nghề như làm nhân viên phục vụ tại quán phở, quán cà phê, bán quần áo, giày dép, phát tờ rơi… Có hôm đi làm thêm từ trưa đến tận tối muộn, 4h sáng hôm sau có mặt ở quán phở để bưng bê, dọn dẹp rồi 7h sáng lại tất tả đến lớp. Vất vả như thế nhưng giờ lên lớp, Núi vẫn tập trung toàn bộ trí tuệ và sức lực để lĩnh hội kiến thức của giảng viên; tranh thủ mọi lúc để xem lại bài vở với quyết tâm không được bỏ bê việc học. Nhờ sự chịu thương, chịu khó, Núi có tiền trang trải ăn học và gửi mỗi tháng từ 1 - 2 triệu đồng về nhà cho bố mẹ chi tiêu.
Ra trường, tốt nghiệp loại khá, cộng thêm kinh nghiệm dày dặn trong quá trình làm thêm, Núi được nhận vào làm tại Trung tâm Giống cây trồng Thái Nguyên do Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên liên kết mở rộng. Chính nơi đây, Núi và cô bé Thuy - người cùng quê đã được làm việc cùng nhau, gắn bó rồi nên duyên vợ chồng. Để rồi sau khi tích lũy thành thạo kiến thức thực tế, vợ chồng trẻ đã động viên nhau trở về quê nhà lập nghiệp mang theo khát vọng, hoài bão tuổi trẻ.
“Một người lo, bằng kho người làm”
Thấy rõ được sự chân thành và lòng quyết tâm lập nghiệp, cống hiến cho quê hương của Núi nên bà con dân bản ủng hộ lắm. Đặc biệt là bố mẹ Núi, mừng ra mặt khi thấy được sự trưởng thành của con mình.
Chính sự trải đời, va chạm sớm cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền” nên tôi luyện cho chàng trai trẻ đầu óc làm kinh tế nhanh nhạy. Năm 2017, sau khi được cấp phép làm vườn ươm, vợ chồng Núi thuê mảnh đất rộng 1ha, thu mua, xử lý hạt giống, xử lý đất, gieo trồng, chăm sóc… Tất cả đều theo quy trình khoa học nên cây sinh trưởng và phát triển khá tốt. Triệu Thị Thuy chia sẻ, vườn ươm gieo trồng, nhân giống các loại cây như mỡ, keo, quế, dổi…
Thời gian trung bình để hạt nảy mầm, sinh trưởng và phát triển từ 4 - 5 tháng. Mỗi vụ gia đình Núi xuất bán được 200 vạn cây mỡ, với giá 700 đồng/cây; trên 60 vạn cây keo, quế với giá 600 - 1.000 đồng/cây… Hiện nay, gia đình Núi tiếp tục mở rộng thêm 3 vườn ươm tại xã Thượng Nông, tạo việc làm cho 10 người. Trong đó, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh phát triển cung cấp cây giống, Núi còn liên kết với các vườn ươm khác để chọn lọc, thu mua cây giống tốt, xuất bán cho người dân địa phương và các tỉnh bạn. Nhận thấy ở Thượng Nông có nhiều đặc sản như: Gạo nếp Khau Láng của làng Tày cổ Thượng Nông, chè Pắc Củng, bún khô người Tày… nhưng suốt bao năm qua, bà con đều sản xuất tự cung, tự cấp, buôn bán manh mún, nhỏ lẻ mà chưa xuất bán nhiều ra thị trường. Vậy là ý định thành lập HTX Nông nghiệp Thượng Nông được thực hiện với 8 thành viên. Trong đó Hoàng Văn Núi là Giám đốc, có 4 thành viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đều hăng hái trở về quê hương lập nghiệp, làm giàu.
Anh Vương Văn Long, tốt nghiệp khoa Kế toán, Trường Đại học kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn được học tập và trở về đóng góp công sức cho quê nhà. May mắn có chung ý tưởng với nhiều bạn khác cùng quê, đặc biệt là bạn Núi. Vì vậy, chúng tôi đã thành lập, vạch rõ chiến lược kinh doanh từ khâu thu mua đến tìm đầu ra cho sản phẩm”.
“Một người lo bằng kho người làm”, nhờ HTX đứng ra thu mua, quảng bá sản phẩm mà người nông dân Tày, Dao ở Thượng Nông đã không còn phải lo lắng với cảnh “được mùa mất giá”. Bà Lê Thị Vương, Trưởng thôn Đống Đa 1 cho biết, đặc sản gạo Khau Láng thuộc giống gạo nếp cổ truyền của làng Tày cổ Thượng Nông do bà con trong thôn trồng và chăm sóc. Giống gạo này có hạt to, tròn, xôi nếp ăn thơm, dẻo, béo ngậy rất đặc trưng. Trước đây, bà con chỉ bán ở chợ. Nay, được HTX Nông nghiệp Thượng Nông thu mua với mức giá ổn định là 30 nghìn đồng/kg. Gạo được đăng ký thương hiệu, có nhãn mác, được đưa trưng bày, giới thiệu khắp các nơi trong ngoài tỉnh. Đây là niềm vui, niềm tự hào khi sản phẩm của mình được thị trường ưa chuộng.
Cùng với đó, sản phẩm chè Shan Tuyết ở Pắc Củng, bún khô người Tày Thượng Nông, rau rừng… đều được HTX thu mua với mức giá ổn định giúp người nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh là một “thủ lĩnh” của HTX Nông nghiệp thì Núi làm vườn, kinh doanh vận chuyển xe tải, buôn bán cây giống lâm nghiệp, cây hoa, cây cảnh… Với mức thu nhập từ trên 300 - 400 triệu đồng/năm - một kết quả đáng mơ ước của nhiều thanh niên về quê làm giàu. Núi bảo, dường như cái máu ham việc của em được tích góp, rèn luyện từ hồi sinh viên nên thấy việc gì kiếm ra tiền là em đều không ngại ngần xông pha. Thế nhưng mong muốn và tâm nguyện lớn nhất của Núi vẫn là tiếp tục chú trọng đầu tư quảng bá nông sản của địa phương, để đồng hành cùng bà con trên con đường phát triển nông nghiệp.
Một người lo bằng kho người làm”, nhờ HTX đứng ra thu mua, quảng bá sản phẩm mà người nông dân Tày, Dao ở Thượng Nông đã không còn phải lo lắng với cảnh “được mùa mất giá”.
Bà Lê Thị Vương, Trưởng thôn Đống Đa 1