Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Tây Giang (Quảng Nam): Nhiều khó khăn trong giải ngân vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG

T.Nhân-H.Trường - 06:33, 07/12/2023

Từ triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đang góp phần làm thay đổi diện mạo huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam). Tuy nhiên hiện nay, địa phương này còn nhiều khó khăn trong giải ngân vốn sự nghiệp cho một số dự án. Đặc biệt, có một số dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có khả năng không giải ngân được.

Nguồn vốn từ các Chương trình MTQG giúp huyện miền miền núi Tây Giang phát triển kinh tế-xã hội
Nguồn vốn từ các Chương trình MTQG giúp huyện miền miền núi Tây Giang phát triển kinh tế-xã hội

Theo báo cáo của UBND huyện Tây Giang, từ năm 2022 - 2023, tổng nguồn vốn thực hiện được phân bổ thuộc các Chương trình MTQG cho địa phương là hơn 380 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư hơn 278,7 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 101,5 tỷ đồng. 

Để triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng chương trình. Tính đến nay, đối với nguồn vốn từ các chương trình, huyện đã tích cực triển khai, trong đó đã thực hiện các công trình về đường giao thông khu sản xuất; hệ thống điện; hội trường; nhà văn hoá xã, thôn; nước sinh hoạt …

 Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện đã bố trí kinh phí để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nước sinh hoạt, bố trí đất sản xuất, bố trí và sắp xếp ổn định dân cư, trường học…Ngoài ra, huyện còn bố trí kinh phí để đầu tư công trình ở nhóm xã đã đạt chuẩn và đang xây dựng NTM...

Huyện Tây Giang đang nổ lực triển khai các dự án từ Chương trình MTQG
Huyện Tây Giang đang nỗ lực triển khai các dự án từ các Chương trình MTQG

Tuy nhiên, tính đến ngày 31/10/2023, địa phương chỉ mới giải ngân hơn 146,4 tỉ đồng (hơn 52%) đối với vốn đầu tư; đối với nguồn vốn sự nghiệp, địa phương chỉ mới giải ngân được 8,7 tỉ đồng (hơn 8,6%). Trong quá trình triển khai các dự án, địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắt khiến cho quá trình giải ngân bị chậm, nhất là đối với nguồn vốn sự nghiệp.

Trong một cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG mới đây, lãnh đạo UBND huyện Tây Giang cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù địa phương đã quyết liệt trong việc thực hiện các nhiệm vụ, tuy nhiên do có một số khó khăn đặc thù nên nhiều dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG chưa thể giải ngân, hoặc quá trình giải ngân thực hiện còn chậm.

Lãnh đạo UBND huyện Tây Giang cho rằng, đối với nguồn vốn sự nghiệp về hỗ trợ cộng đồng bố trí đất xen ghép thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cách thức thực hiện nên chưa thể triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn, huyện đề xuất chuyển trả nguồn kinh phí này với hơn 6,4 tỉ đồng.

UBND huyện Tây Giang cũng đề xuất với UBND tỉnh Quảng Nam về việc chuyển trả gần 2 tỉ đồng đối với nguồn vốn sự nghiệp được phân bổ để thực hiện việc tập huấn bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù. Hiện tại, việc thực hiện giải ngân vốn đối với nguồn này rất khó, cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện.

Tính đến thời điểm cuối tháng 10/2023, ngoài Tiểu dự án 1 (thuộc Dự án 1, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, với tổng vốn bố trí hơn 135,4 tỉ đồng, kết quả giải ngân đạt 29,62%; các tiểu dự án, dự án khác giải ngân rất thấp, thậm chí là không thể giải ngân vốn.

Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (tổng vốn ngân sách bố trí hơn 7,5 tỷ đồng), mặc dù nguồn vốn bố trí phân bổ thực hiện các hạng mục đầu tư; Tiểu dự án 2 hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thuộc Dự án 4 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững); Tiểu dự án 1 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (thuộc Dự án 3 - hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) có tổng vốn bố trí gần 4 tỉ đồng và Tiểu dự án 2 cải thiện dinh dưỡng vẫn chưa thể giải ngân được.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện Tây Giang cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn và tụt giảm các tiêu chí. UBND huyện Tây Giang cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền, nâng cao vai trò cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là vai trò người đứng đầu. Tăng cường huy động, lồng ghép, bố trí các nguồn lực để đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam, phân bổ thêm kinh phí trung hạn cho các xã phấn đấu hoàn thành trên 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 theo kế hoạch.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: Huyện đang  rất nỗ lực triển khai các dự án, tiểu dự án và thực hiện giải ngân vốn từ các Chương trình MTQG để phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh việc giải ngân tương đối tốt đối với nguồn vốn đầu tư, thì một số nguồn vốn sự nghiệp lại rất khó khăn, gặp nhiều vướng mắc.

Chương trình MTQG được kỳ vọng sẽ giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống vật chất và tinh thần
Việc triển khai hiệu quả các dự án Chương trình MTQG sẽ giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống vật chất và tinh thần

 “Có một số nguồn vốn có khả năng giải ngân, như nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Khi triển khai, người dân lại không có nhu cầu, mà chỉ muốn ở gần nhà, hoặc làm việc ở một số địa phương gần nhà. Do đó, đối với nguồn vốn này địa phương rất khó phân bổ giải ngân”, ông Lượm nói.

Cũng theo ông Lượm, nguồn vốn sự nghiệp chủ yếu giao cho các xã để triển khai thực hiện, tuy nhiên quá trình thực hiện, thì cũng có nhiều vướng mắc. Tiếp đó, một số nguồn vốn thì theo quy định chỉ phân bổ đối với sản xuất theo liên kết chuỗi các HTX, không sử dụng cộng đồng. Tuy nhiên, các HTX trên địa bàn còn khá yếu, nên rất khó để triển khai, dẫn đến phân bổ vốn cùng khó. Huyện cũng đã đề xuất chuyển nguồn vốn qua cộng đồng, hiện cũng đang tích cực tiến hành triển khai.

“Các Chương trình MTQG có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Mong rằng, các cấp ngành Trung ương, UBND tỉnh Quảng Nam giúp địa phương tháo gỡ, đồng thời cho cơ chế chuyển đổi để nâng cao tỉ lệ giải ngân, hỗ trợ tốt cho người dân phát triển về kinh tế, nâng cao đời sống”, ông Lượm chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.