Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tết Khẩu Hó của người Lào

Hoàng Quý - 22:13, 31/10/2023

Pa Xa Lào là bản vùng biên giới thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Đây là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Lào với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Trong đó Tết Khẩu Hó là một trong những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện rõ nét phong tục, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc Lào.

Gia chủ thắp nến, khấn vái mời bố mẹ, ông bà tổ tiên, các vị thần linh về chứng giám, chung vui, ăn tết với gia đình, bản làng
Gia chủ thắp nến, khấn vái mời bố mẹ, ông bà tổ tiên, các vị thần linh về chứng giám, chung vui, ăn tết với gia đình, bản làng

Tết Khẩu Hó được hiểu là tết cơm mới, tết lúa mới của cộng đồng dân tộc Lào. Giống như nhiều dân tộc khác, dân tộc Lào quan niệm vạn vật hữu linh, mỗi dòng suối, mảnh nương đều có thần linh ngự trị. Chính vì vậy Tết Khẩu Hó là nghi lễ nông nghiệp quan trọng, thể hiện rõ nét nhất phong tục, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc Lào trong đời sống cộng đồng.

Thông thường tết lúa mới sẽ được tổ chức vào 15/8 âm lịch hàng năm trong kỳ thu hoạch mùa màng
Thông thường Tết Khẩu Hó được tổ chức vào 15/8 âm lịch hàng năm trong kỳ thu hoạch mùa màng

Tết Khẩu Hó thường được người Lào tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Để chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng này, mỗi thành viên trong gia đình sẽ được phân công tìm kiếm, chuẩn bị các lễ vật cho mâm cúng. Có ba loại mâm cúng, cúng trong nhà để mời bố mẹ, tổ tiên về ăn tết. Cúng ngoài hiên để mời thần núi, thần nước về dự cùng và mâm còn lại sẽ được đặt trong bếp, nơi bày biện các vật dụng quen thuộc, thiết yếu, không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày.

Mỗi thành viên trong gia đình sẽ được phân công chuẩn bị các đồ lễ
Mỗi thành viên trong gia đình sẽ được phân công chuẩn bị các đồ lễ

Lễ vật trong mâm cúng rất đa dạng như xôi cốm, cá suối, nhộng, bọ đất, rau củ… Đa số đều là các nguyên liệu được thu hái, tìm bắt ở nương rẫy của gia đình. Khi đã sắp lễ xong, gia chủ thắp nến, khấn vái mời bố mẹ, ông bà tổ tiên, các vị thần linh về chứng giám, chung vui, ăn tết với gia đình, bản làng.

Các lễ vật đều chủ yếu là nông sản của địa phương
Các lễ vật đều chủ yếu là nông sản của địa phương

Tết Khẩu Hó không chỉ là dịp thể hiện sự biết ơn tổ tiên, các vị thần đã phù hộ, che chở cho gia đình, bản làng, mà còn là dịp cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, con người, vạn vật ít bệnh tật, khỏe mạnh. Không chỉ có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng, Tết Khẩu Hó còn là dịp để người thân, bạn bè gặp mặt, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn bên mâm cơm lúa mới.

Đây là dịp anh em, bạn bè, người thân tụ họp, trao đổi, chia sẻ những câu chuyện, những kinh nghiệm phát triển kinh tế
Đây là dịp anh em, bạn bè, người thân tụ họp, trao đổi, chia sẻ những câu chuyện, những kinh nghiệm phát triển kinh tế

Mặc dù chỉ tổ chức trong gia đình, nhưng gia chủ luôn chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống mời khách, mọi người sẽ thay nhau đến chơi, chúc tết từng nhà trong bản. Trong nhà, ngoài ngõ tiếng cười nói rôm rả, từng lời chúc tụng sau chén rượu vui… Tất cả đều phấn khởi, chờ mong một vụ mùa bội thu, một năm tới thuận lợi.


Tin cùng chuyên mục
Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế trên sông Hương

Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế trên sông Hương

Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế được hình thành từ sự kết tinh giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc cung đình Huế đến nay đã hơn 300 năm. Ca Huế đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015 và đang được tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, thời gian qua, do thiếu sự giám sát dẫn đến tình trạng Ca Huế trên sông Hương khá lộn xộn, cần phải chấn chỉnh lại.