Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tết Khu Cù Tê của đồng bào La Chí

Thuỳ Anh - 18:29, 10/08/2023

Hằng năm vào dịp tháng 7 âm lịch, khi việc đồng áng bớt bận rộn, đồng bào La Chí lại tổ chức Tết Khu Cù Tê để bày tỏ lòng biết ơn tới ông bà, tổ tiên, người đã có công khai sơn phá thạch, cầu cho làng bản gia đình ấm no hạnh phúc, cho cây ngô ra bắp, cho cây lúa trĩu bông. Tế Cù Tê là Tết truyền thống lớn nhất trong năm của đồng bào La Chí được tổ chức theo dòng tộc và bản làng

Tết lớn nhất trong năm của người La Chí

Người La Chí sinh sống chủ yếu ở các huyện Sí Mần và Hoàng Su Phù, tỉnh Hà Giang, và huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai. Trong một năm, người La Chí có  4 cái Tết  gồm: Tết cấy lúa tổ chức vào tháng 3 hoặc tháng 5, Tết cơm mới tổ chức vào tháng 9, Tết nhập kho tổ chức vào tháng 11 và Tết Khu Cù Tê  - Tết lớn nhất trong năm tổ chức vào tháng 7 âm lịch.

Tết Khu Cù Tê của đồng bào La Chí ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai
Lễ cúng trong Tết Khu Cù Tê của đồng bào La Chí ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bao giờ cũng phải có những chiếc sừng trâu

Vào đầu tháng 7 âm lịch vừa qua, chúng tôi đến xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đúng vào dịp đồng bào La Chí đón Tết Khu Cù Tê. Ông Vương Đức Thanh, Người có uy tín bản Nậm Khánh, xã Nậm Khánh chia sẻ: Khu Cù Tê có nghĩa là Tết tháng 7 (“Khu” có nghĩa là thờ cúng, “Cù” có nghĩa là rượu; “Tê” có nghĩa là ta, cũng có nghĩa là bảy) Tết Khu Cù Tê còn có tên gọi khác là Tết Cu Cù tê.

Thời gian tổ chức Tết Khu Cù Tê do hội đồng già làng, trưởng bản quyết định, nhưng không quá 15 ngày, nếu năm nào có nhuận vào tháng 4, thì đồng bào sẽ ăn tết Khu Cù Tê vào tháng 6 âm lịch. Người được đề cử làm chủ trì cho lễ cúng phải là người đã lập gia đình và đã có con, gia đình hạnh phúc, không vi phạm pháp luật và luật lệ của cộng đồng, có uy tín trong cộng đồng, trong nhà không có người ốm yếu, gia đình làm ăn khấm khá.

Vật phẩm trong lễ cúng 

Người La Chí quan niệm “trần sao thì âm vậy”. Khi con người chết đi, sang thế giới bên kia vẫn phải lao động, sinh hoạt như trên cõi trần vậy, nên người sống cúng xôi để tổ tiên có lúa trồng trọt, cúng gà, cá, lợn để ông bà tổ tiên có thêm gia súc gia cầm chăn nuôi. 

Những vật phẩm không thể thiếu trong mâm cúng của người La Chí bao gồm: Rượu hoẵng, sừng trâu và củ gừng. Rượu là do các gia đình tự làm bằng cơm xôi ủ cùng men lá tự nhiên nên rượu có vị ngọt mát, không cay “ các cụ được mời về thích uống rượu ngọt, nếu cho uống rượu cay là các cụ giận bỏ đi”, ông Thanh vừa cười vừa nói.

Trước đó 2 đến 3 ngày, đồng bào sẽ ủ men làm rượu hoẵng để dâng lên tổ tiên trong ngày Tết Khu Cù Tê
Trước đó 2 đến 3 ngày, đồng bào sẽ ủ men làm rượu hoẵng để dâng lên tổ tiên trong ngày Tết Khu Cù Tê

Sừng trâu dùng như một cái cốc dâng rượu cho linh hồn người đã mất. Sừng chỉ được lấy từ những con trâu khoẻ mạnh, không bị bệnh hoặc ngã xuống hố, không lấy từ những con trâu dùng trong đám ma. Sừng trâu được rửa sạch rồi đem đi phơi nắng, cưa ngắn bớt phần cuối sừng và khoan một lỗ tại phần nhọn của sừng, sỏ một sợi dây để treo. Sừng trâu được treo cùng chiếc giỏ và một củ gừng ở gian thờ của ngôi nhà.

Thầy cúng nhìn hướng di chuyển của củ gừng để nhận biết ông bà tổ tiên đã về đến nhà hay chưa
Thầy cúng nhìn hướng di chuyển của củ gừng để nhận biết ông bà tổ tiên đã về đến nhà hay chưa

Củ gừng được xem là vật kết nối giữa người và thế giới siêu nhiên trong các lễ cúng. Khi làm lễ, thầy cúng sẽ buộc củ gừng vào một sợi chỉ, rồi nhìn theo hướng chuyển động của củ gừng để đoán biết xem linh hồn của những người đã mất đã về đến nhà hay chưa. 

“Khi ông bà tổ tiên về thì sẽ đung đưa theo hướng tiến lùi, khi họ về mình mở cửa to thì củ gừng sẽ lắc nhanh, rồi về đến mâm. Còn khi nó quay vòng tròn là các cụ không về”, ông Lý Hiếu Xuân, bản Mà Phố, xã Nậm Khánh chia sẻ thêm.

Khi các linh hồn đã về đông đủ sẽ hiện thân vào thầy cúng và những người giúp việc cho thầy cúng để cùng ăn xôi, uống rượu hoẵng. Lúc này thầy cúng sẽ nói với các linh hồn rằng: “Hãy ở lại ăn Tết cùng con cháu, phù hộ cho con cháu sức khoẻ, làm ăn may mắn, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu”.

Theo phong tục của người La Chí: Những linh hồn của người đã khuất là nam giới, được mời về ăn Tết sẽ uống rượu hoẵng bằng sừng trâu, còn phụ nữ sẽ uống rượu bằng bát
Theo phong tục của người La Chí: Những linh hồn của người đã khuất là nam giới, được mời về ăn Tết sẽ uống rượu hoẵng bằng sừng trâu, còn phụ nữ sẽ uống rượu bằng bát

Đặc biệt, trong mâm cúng của người La Chí phải có 1 con chuột. “Con chuột ăn thóc lúa và hoa màu của mình, nên phải bắt nó về trình lên cho ông tổ xét tội nó, để nó không còn hại đến hoa màu của bà con nữa", ông Vương Đức Thanh nói

Trong tín ngưỡng của người La Chí, họ cúng 3 đời với người nam giới và cúng 2 đời đối với nữ giới. “Linh hồn của những người đã khuất là nam giới sẽ được mời rượu bằng sừng trâu, còn linh hồn phụ nữ được mời rượu bằng bát”, ông Thanh cho hay.

Đưa Tết Khu Cù Tê thành sản phẩm du lịch,

Tết Khu Cu Tê của người La Chí là dịp để bà con trong dòng tộc, cộng đồng ở khắp nơi về sum họp, đoàn tụ với nhau, tưởng nhớ ông bà tổ tiên đã có công khai sơn phá thạch và cầu mong cho một năm mới mùa màng bội thu, gia đình ấm no, làng bản hạnh phúc. Tết Khu Cù Tê đã phản ánh chân thực và đầy đủ những yếu tố văn hoá về thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp.

Khi nghi thức cúng kết thúc, mọi người sẽ cùng nhau vui vẻ bên mâm cơm đoàn tụ, họ chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Rồi họ cùng nhau ra sân, hoà vào nhau trong lời ca tiếng hát để ôn lại những truyền thuyết về dân tộc mình, cùng nhau chơi trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh đu, đi cà kheo, ném còn, hát ní ca...

Với những ý nghĩa đó, năm 2014, Tết Khu Cù Tê của đồng bào La Chí đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia .

Sau lễ cúng, đồng bào sẽ cùng ăn cỗ, uống rượu rồi cùng chơi những trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh đu, đi cà kheo, ném còn, hát ní ca.
Sau lễ cúng, đồng bào sẽ cùng ăn cỗ, uống rượu rồi cùng chơi những trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh đu, đi cà kheo, ném còn, hát ní ca.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc giá phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Giai đoạn I: 2021-2025, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã  phục dựng và bảo tồn Tết Khu Cù Tê của đồng bào La Chí. Qua đó, góp phần gia tăng tính gắn kết cộng đồng, giúp thế hệ trẻ người La Chí hiểu hơn về ngày Tết của dân tộc mình; đồng thời hướng tới phải triển Tết Khu Cù Tê thành sản phẩm du lịch, giới thiệu tới du khách trong và ngoài tỉnh, những người yêu thích văn hoá và trải nghiệm.

Tết Khu Cù Tê được huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bảo tồn, phục dựng theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
Tết Khu Cù Tê được huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bảo tồn, phục dựng từ nguồn đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Để duy trì và bảo tồn Tết Khu Cù Tê của người La Chí, chúng tôi tổ chức phục dựng tại xã Nậm Khánh để làm điểm, sau đó sẽ duy trì tổ chức hằng năm. Phòng Văn hoá Thông tin sẽ xây dựng kịch bản để đưa Tết Khu Cù Tê lên sân khấu hoá tại chợ đêm Bắc Hà.

Việc bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, một mặt giúp cho đồng bào thêm tự hào, trân trọng những bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình; mặt khác tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Từ đó, đồng bào thêm gắn bó với mảnh đất mà họ đang sinh sống để xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.