Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Thầy thuốc Ưu tú Cứ A Hồng: “Bác sĩ tốt của người Mông”

Hoài Dương - 09:46, 11/08/2020

“Bác sĩ tốt của người Mông ta đấy…”, đó là cách mà đồng bào xã vùng cao Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nói về bác sĩ Cứ A Hồng, dân tộc Mông, người đang dành hết thời gian, tâm huyết của mình cho việc chăm sóc sức khỏe cho bà con.

Phó Chủ tịch huyện Mù Cang Chải -Lương Thị Xuyến đến thăm và chúc mừng bác sĩ Cứ A Hồng nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Phó Chủ tịch huyện Mù Cang Chải -Lương Thị Xuyến đến thăm và chúc mừng bác sĩ Cứ A Hồng nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.


Bác sĩ Hồng năm nay bước sang tuổi 58. Ông sinh ra và lớn lên tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải. Gắn bó với vùng đất khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn, phong tục, tập quán lạc hậu, ông thường xuyên chứng kiến cảnh người dân khi ốm đau chỉ mời thầy mo về cúng ma, không những không khỏi bệnh, nhiều người đã tử vong. Khi ấy, ông đã quyết tâm theo học ngành Y để trở về quê hương, đẩy lùi hủ tục, chữa bệnh cho đồng bào.

Sau nhiều năm miệt mài trên giảng đường, năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên, ông Hồng về nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải. Thời gian đầu, ông Hồng một mình lặn lội từ bản này đến bản khác tìm bệnh nhân để khám, chữa bệnh cho bà con, đồng thời tranh thủ tuyên truyền, giải thích để bà con bỏ hủ tục, thay đổi nhận thức. Vốn có mẹ là người Mông, nên ông Hồng rất am hiểu tâm lý, phong tục tập quán của đồng bào, vì vậy việc tiếp cận để vận động, tuyên truyền khá thuận lợi.

Chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, ông Hồng kể, đó là lần ở xã Chế Tạo, ông nhận được tin một sản phụ đang gặp nguy hiểm vì khó đẻ, nên đã cấp tốc lên đường. Tuy nhiên, còn chừng 10km mới đến nơi thì không có đường để xe cứu thương vào được. Đêm ấy, người nhà sản phụ phải thay nhau khiêng sản phụ đến chỗ xe cứu thương. Gặp được sản phụ thì tình hình rất căng, không thể đưa về viện, ông buộc phải xử lý đỡ đẻ ngay ở giữa đường, dưới ánh sáng của xe cứu thương...

“Ca đỡ đẻ thành công. Lúc đó, trong tôi tràn ngập hạnh phúc xen lẫn tự hào. Vì điều mong mỏi nhất của người thầy thuốc là chữa bệnh, cứu người thì tôi đã làm được. Sự kiện đó đã được bà con truyền tai nhau. Và từ đó, bà con thể hiện rõ hơn sự tin tưởng, làm theo lời khuyên của bác sĩ là, khi có bệnh đều tìm đến với các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh”, bác sĩ Hồng chia sẻ thêm.

Là một trong những người dân được bác sĩ Hồng khám, chữa bệnh nhiều lần, bà Giàng Thị Cở ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, cho biết: “Trước đây, người dân vùng cao chúng tôi chỉ sinh đẻ tại nhà, người ốm thì mời thầy mo, thầy cúng. Nhưng bây giờ có bệnh, bà con đều đến Trạm Y tế, bệnh viện. Ở đấy, tôi được bác sĩ Hồng và các cô y tá chăm sóc, hướng dẫn tận tình, chu đáo. Sức khỏe của chúng tôi tốt hơn rất nhiều”.

Không chỉ góp công lớn trong việc giúp bà con thay đổi nhận thức trong khám, chữa bệnh, bác sĩ Hồng còn tận tâm giúp đỡ đồng nghiệp và cấp dưới của mình trong chuyên môn, nghiệp vụ. Ông dành nhiều thời gian hướng dẫn, định hướng cho các bác sĩ trẻ; trao đổi với các đồng nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ, những kỹ thuật mới trong khám và điều trị bệnh...

Nhờ đóng góp của bác sĩ Hồng cùng với tập thể y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện, mà những năm gần đây, tỷ lệ người dân khi ốm đau đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh đã tăng dần, đến nay đạt 70 - 80%; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại văc xin đạt 98,5%, tỷ lệ tiêm văc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh tại Trung tâm Y tế huyện đạt trên 90%.

Với những kết quả trên, cá nhân bác sĩ Cứ A Hồng đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Yên Bái... Đặc biệt, đầu năm 2020, bác sĩ Hồng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Bác sĩ Cứ A Hồng còn là 1 trong 41 đại biểu tiêu biểu của tỉnh Yên Bái sẽ tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 tại Hà Nội sắp tới. 

Tin cùng chuyên mục