Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thiếu giáo viên- Bài toán nhiều năm chưa có lời giải

Thúy Hồng - 07:51, 20/08/2024

“Đến hẹn lại lên” khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu, tình trạng thừa, thiếu giáo viên dạy các môn học mới vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Theo thống kê, tính đến tháng 4/2024, cả nước vẫn thiếu hơn 113.000 giáo viên ở các cấp học. Đây là vấn đề nan giải trước thềm năm học mới của nhiều địa phương, đòi hỏi ngành Giáo dục phải có giải pháp thật phù hợp và khoa học để khắc phục cơ bản tình trạng này.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên trước thềm năm học mới là vấn đề nan giải của nhiều địa phương
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên trước thềm năm học mới là vấn đề nan giải của nhiều địa phương

Thiếu giáo viên cục bộ

Trong năm học 2024-2025, theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng (mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp), khiến tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên phổ biến ở nhiều địa phương.

Tại tỉnh Điện Biên, trong năm học mới này thiếu khoảng 2.000 cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Cô giáo Phạm Thị Luyến, giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông chia sẻ, hiện nay giáo viên tiếng Anh trong toàn huyện đang thiếu trầm trọng, nên mỗi giáo viên tiếng Anh ít nhất sẽ phải dạy tăng cường thêm một trường khác bằng phương pháp dạy học trực tuyến. Việc dạy nhiều trường, nhiều cấp khiến giáo viên bộ môn rất áp lực. Các giáo viên vừa phải bố trí thời gian, sức khỏe để có thể bắt kịp được chương trình nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng của tiết dạy.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên: Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tỉnh vẫn tiếp tục phải bố trí một giáo viên dạy hai trường, huy động giáo viên trung học cơ sở xuống dạy ở bậc tiểu học.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 45 chỉ tiêu đào tạo Đại học Sư phạm tiếng Anh; đề nghị Bộ tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt cho các cơ sở đào tạo giáo viên để các địa phương có thêm nguồn tuyển, tháo gỡ những khó khăn này...

Còn đối với Gia Lai, theo như kế hoạch, trong năm học 2024 - 2025, nhu cầu ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai còn thiếu 4.259 người (gồm giáo viên và nhân viên). Việc thiếu giáo viên cần phải được bổ sung để bảo đảm công tác giảng dạy.

Vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn gửi Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, giao bổ sung cho tỉnh Gia Lai số giáo viên, nhân viên đang còn thiếu. Địa phương này cũng đã đề nghị, xem xét không thực hiện tinh giản 10% số biên chế viên chức đã được bổ sung trong các năm học trước.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai thông tin, số lượng thí sinh dự tuyển không đủ so với nhu cầu cần tuyển, vì không đáp ứng trình độ chuyên môn. Một phần do các huyện thường xuyên biến động số nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác khác.

Qua thống kê, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đang gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển ở các bậc học, môn học như: Mầm non, Văn hoá Tiểu học, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật, Công nghệ… Nguyên nhân là do giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định. Một số ngành học như Tin học, Ngoại ngữ, Công nghệ, người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm khác bên ngoài với mức thu nhập cao hơn, nên không tham gia thi tuyển.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4/2024, cả nước vẫn thiếu hơn 113.000 giáo viên ở các cấp học.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4/2024, cả nước vẫn thiếu hơn 113.000 giáo viên ở các cấp học

Loay hoay lấp đầy "khoảng trống" 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4/2024, cả nước vẫn thiếu hơn 113.000 giáo viên ở các cấp học.

Dự báo đến năm học 2024 - 2025, cấp Tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ. Ở cấp THCS, môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, kể cả trước mắt đến các giải pháp mang tính dài hơi như: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế giáo viên đã được cấp; tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả... 

Tuy nhiên, có một nghịch lý hiện nay là, thiếu giáo viên nhưng các địa phương không tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế do phải dành chỉ tiêu để cắt giảm biên chế. Như tại Quảng Trị, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay, số biên chế chưa sử dụng là 280 người. Trong đó, có 162 chỉ tiêu dành để cắt giảm do tinh giản biên chế của năm 2024 theo lộ trình được UBND tỉnh phê duyệt (giảm trước ngày 01/01/2025).

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, nhưng vẫn thừa hơn 64.000 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng. Trong đó, có việc ở một số môn học như ngoại ngữ, tin học, công nghệ, nghệ thuật... hoặc một số địa phương vùng sâu, vùng xa do thiếu nguồn tuyển; một số địa phương thực hiện cắt giảm cơ học 10% chỉ tiêu biên chế hoặc không thực hiện tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện một số giải pháp như xây dựng và ban hành các văn bản quy định về vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các trường mầm non, phổ thông, là cơ sở cho các đơn vị, địa phương xác định số người làm việc ở mỗi cơ sở giáo dục. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho giai đoạn 2021 - 2026. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị, yêu cầu các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ số lượng biên chế đã được giao...

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ninh: Xem xét hỗ trợ 100% học phí năm học 2024 - 2025

Quảng Ninh: Xem xét hỗ trợ 100% học phí năm học 2024 - 2025

Năm học 2024 - 2025, tỉnh Quảng Ninh dự kiến chi 167 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ 100% mức thu học phí công lập cho 631 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ.