Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc ở Cao Bằng

Bế Văn Hùng - 09:36, 23/12/2022

Năm 2022, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được triển khai thực hiện theo kế hoạch và bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng. Các chính sách dân tộc đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS ở các khu vực khó khăn có điều kiện phấn đấu vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Bế Văn Hùng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và Đoàn công tác kiểm tra công trình đường nông thôn Lũng Vài - Khau Trù - Nà Mấu, xã Mông Ân (huyện Bảo Lâm)
Ông Bế Văn Hùng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và Đoàn công tác kiểm tra công trình đường nông thôn Lũng Vài - Khau Trù - Nà Mấu, xã Mông Ân (huyện Bảo Lâm)

Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chủ động và tích cực tham mưu triển khai sớm, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG).

Để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình MTQG trong năm 2022, Ban Dân tộc chủ động phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cấp huyện, xã kiện toàn bộ máy quản lý theo quy định. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG.

Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào DTTS và vùng đồng bào DTTS đã được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, không bị thất thoát... Các dự án, chương trình khác được lồng ghép hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội như: Nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống hộ nghèo.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, các chương trình, chính sách về công tác dân tộc được ban hành khá đầy đủ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ phát triển kinh tế, đầu tư đồng bộ hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bình đẳng giới…

Các chế độ, chính sách đối với Người có uy tín được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ban Dân tộc cấp 437.138 tờ báo các loại cho Người có uy tín; tổ chức thăm ốm 73 trường hợp, thăm viếng 17 trường hợp, tổ chức cung cấp thông tin thời sự 7 cuộc cho 996 đại biểu Người có uy tín. 

Ban Dân tộc chủ trì tổ chức 4 cuộc kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG tại các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Bảo Lạc, Bảo Lâm; tổ chức 19 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho các đối tượng 3, 4 và 12 hội nghị tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với hơn 2.000 lượt người tham dự. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán của từng địa phương (như lắp đặt Pano, hội nghị tuyên truyền…) nhằm tạo chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào DTTS...

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh, năm 2022, Ban Dân tộc tổ chức 6 hội nghị tập huấn công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Trùng Khánh. Phối hợp với Trường PTDT nội trú tỉnh, Trường PTDT nội trú THCS huyện Hà Quảng, Trường PTDT nội trú huyện Hòa An tổ chức hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa. 

Qua các buổi tuyên truyền, cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS được nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS; nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.

Dự án “Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình các cấp” cũng được Ban Dân tộc quan tâm, tích cực triển khai và đạt kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tổ chức 15 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với trên 1.000 đại biểu tham gia.

Từ những kết quả đạt được, vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực, người dân tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương luôn đảm bảo.

Nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình MTQG, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Ban Dân tộc đề ra một số giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện như: chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, cơ chế thực hiện liên quan đến việc triển khai Chương trình; thường xuyên bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND các cấp và các quyết định của UBND các cấp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 để công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành gắn với xây dựng các kế hoạch chi tiết, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình, chính sách dân tộc. 

Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành nắm tình hình trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sát thực tiễn, hiệu quả cao nhất việc triển khai các chương trình, dự án, cũng như việc tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện các dự án, chương trình, chính sách để kịp thời phát hiện và khắc phục những sai sót trong quá trình thực hiện…