Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Tì lầu Lẩu

Phạm Việt Thắng - 19:57, 06/08/2021

Xồng Bá Lẩu còn rất trẻ. Thế mà cậu được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản Buộc Mú (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn – Nghệ An). Không chỉ làm ăn giỏi, Lẩu còn giúp bà con cùng nhau thoát nghèo. Vì thế mà mọi người trân quý gọi cậu là "Tì lầu Lẩu" – tiếng Mông có nghĩa là anh Lẩu.

Trưởng bản Buộc Mú Xồng Bá Lẩu: “Phải làm tốt thì bà con mới tin”
Trưởng bản Buộc Mú Xồng Bá Lẩu: “Phải làm tốt thì bà con mới tin”

Cử nhân… trồng gừng

Bản Buộc Mú nằm ở lưng chừng đỉnh Phu xai lai leng, cao 2.700 mét so với mực nước biển. Từ đây ra đến trung tâm huyện phải mất đến dăm chục cây số, đường đã dốc lại còn ngoằn ngoèo, khó đi. 

Lẩu kể, nhà nghèo lắm, quanh năm thiếu thốn. Được cái bố mẹ cố gắng cho ăn học tử tế. Bố cứ luôn miệng nhắc, muốn thoát nghèo thì phải có con chữ, phải học hành.  Nghe lời bố, Lẩu cố gắng học hành, và năm 2008, Lẩu đã thi đậu vào trường Đại học Kinh tế Huế, Khoa Kinh tế nông nghiệp. 

“Em là người thứ hai ở xã Na Ngoi này đi học đại học chính quy đấy” – Lẩu khoe về thành tích học tập.

Tốt nghiệp đại học, tấm bằng chính quy của Lẩu cũng không “biến” cậu trở thành cán bộ nhà nước. Không hề nản lòng. “Mình có kiến thức, có sức khoẻ làm gì mà chả được. Quê mình quanh năm mát mẻ, khí hậu rất tốt, đất đai phì nhiêu, tại sao lại phải nghèo” – Lẩu từng ra lệnh cho mình như thế. 

Cũng là cơ hội với Lẩu khi cây gừng ở Na Ngoi đang bắt đầu manh nha trở thành hàng hoá. Trước, bà con cũng trồng gừng nhưng nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là tự cung tự cấp. Không bạ đâu trồng đó, Lẩu đã biết quy hoạch cho mình những vùng đất trồng gừng, những chỗ nuôi trâu và sẽ trồng cây khác khi đủ vốn. 

Sáng sáng, Lẩu thức dậy khi gà vừa gáy, vừa lùa trâu vào rừng vừa đào hố trồng gừng. Gừng của Lẩu được trồng ngay hàng thẳng lối, gốc cách gốc chừng 30cm. Cậu giải thích: Khi thu hoạch thì cây gừng đã rục xuống hết, không phát hiện được đâu là gốc, rất dễ sót củ. Nếu trồng có hàng có lối thì chỉ cần chọc cuốc xuống là đúng gốc gừng, không để sót củ nào. Đúng một năm, Lẩu đã có tiền tỷ trong tay, một ha gừng và hơn chục con trâu.

“Gừng Na Ngoi ta thì nức tiếng về hàm lượng tinh dầu, củ vàng, vỏ trơn rất ưa nhìn. Có điều đường sá xa xôi, với lại ngoằn ngoèo nên thương lái thường ép giá. Ta xuôi về Vinh, làm việc với các doanh nghiệp, bàn với họ để ta làm đại lí, thu mua cho họ với giá mà bà con chấp nhận được. Ta nói có lí có tình, họ ưng liền. Ta cũng có thêm ít tiền mà bà con cũng bán thêm được mấy giá. Chỉ đơn giản rứa thôi” – Lẩu say sưa nói về cách thức tiêu thụ gừng cho bà con.

Kể từ đó, diện tích trồng gừng ở Buộc Mú và cả xã Na Ngoi không ngừng tăng. Ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch xã Na Ngoi hồ hởi: “Năm nay cả xã ta trồng được gần 400 ha gừng, riêng Buộc Mú có hơn 60 ha. Gừng được mùa, được giá, vui lắm”.

Cùng bà con làm giàu

Chị Lầu A Sủ cười rõ tươi khi nói về vị trưởng bản của mình: “Tì lầu Lẩu tốt cái bụng lắm. Anh ấy bày đến nơi đến chốn cách trồng gừng, trồng đào và chăm sóc trâu bò nữa. Ngày trước, bản ta nghèo lắm, cứ cắm cổ làm thôi, không biết kỹ thuật gì cả, từ ngày anh Lẩu làm trưởng bản, ai cũng biết làm ăn. Nay thì dân ta, nhà nào cũng khá khá rồi”.

Xồng Bá Lầu giới thiệu cây tam thất ở long chừng Phu xai lai leng (ảnh Hữu Vi)
Xồng Bá Lầu giới thiệu cây tam thất ở lưng chừng Phu xai lai leng (ảnh Hữu Vi)

Lẩu kể, sau những “mùa ngọt gừng”, cậu đã trồng thêm đào, tăng thêm đàn trâu. Thấy hiệu quả, Lẩu vận động bà con làm theo. “Mình cứ làm cho tốt là bà con tin theo ngay mà. Ngày xưa đói đến mức một số gia đình bỏ bản mà đi tận bên Lào. Sau khi cây gừng có giá, bản ta phát triển, họ nghe tin liền quay về. Bây giờ thì cuộc sống đã ổn cả rồi” – Trưởng bản Xồng Bá Lẩu cho biết. Lẩu nói tiếp: Mà muốn làm tốt thì phải học, phải nghiên cứu nhiều từ sách vở, tài liệu, từ kinh nghiệm của bà con. Những gì đã được học là chưa đủ đâu. “Năm vừa rồi, nhà ta thu hơn 200 triệu tiền gừng sau khi đã trừ chi phí và 200 triệu tiền bán đào hồi Tết cổ truyền. Ở bản ta, có nhiều nhà thu hơn thế nhiều. Tết vui lắm” – Tì lầu Lẩu hớn hở khoe.

Chưa hài lòng với những gừng, đào và nuôi trâu, Lẩu còn lặng lẽ với hai giống cây dược liệu quý ở Phu xai lai leng. Cậu kể, năm trước mình đi thăm một người bạn học ở Tây Bắc, thấy cây tam thất phát triển rất tốt, Lẩu mê mẩn với loại cây này. Sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao ở Phu xai lai leng, Lẩu quyết định bỏ ra 100 triệu đồng “rước” cây tam thất về Buộc Mú. Cây tam thất được trồng dưới tán cây rừng quanh năm ẩm ướt nên đã phát triển tốt. “Nghiến răng” nhổ một cây tam thất mới 3 năm tuổi, Lẩu mừng rỡ: Đã có củ rồi đấy. Chỉ cần 3 năm nữa thôi là có thể thu hoạch được.

Ngược hướng đỉnh núi, Lẩu vạch những lùm cây um tùm, nói: Sâm quý đấy, sâm Phu xai lai leng đấy. Lẩu nói nhỏ: Mình mới trồng được chừng 500 gốc thôi. Số sâm này phải mua của những người đi rừng rồi chia nhỏ ra để trồng. Trước khi quyết định trồng sâm Phu xai lai leng, mình phải vào tận Quảng Nam để học hỏi kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh. “Mình tìm hiểu kỹ rồi, sâm Phu xai lai leng chẳng thua kém gì sâm Ngọc Linh đâu” – Lẩu nói chắc nịch.

Xuống núi, tôi hỏi Lẩu, có chia sẻ kỹ thuật trồng dược liệu cho bà con như đã từng hướng dẫn bà con trồng gừng, trồng đào? Trưởng bản Lẩu rạng ngời nét mặt: “Có mà! Nhưng như mình đã nói, phải làm tốt thì bà con mới tin. Chờ đến khi thành công, mình sẽ hướng dẫn bà con cả bản cùng làm. Phải có sản lượng nhiều thì mới có thị trường chứ, nhỏ lẻ không ai quan tâm đâu, anh báo ạ".

Tin cùng chuyên mục
Màu hoa lửa chênh chao

Màu hoa lửa chênh chao

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, nghề rèn xứ Cố Đô thủa xưa được giữ lại cho đến tận bây giờ, bất chấp những đổi thay của thời cuộc. Dẫu nhiều khốn khó và nặng nhọc, nhưng nhờ nghề này nhiều người dân tại các làng nghề đã phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vừa có thu nhập lại vừa giữ được nghề của cha ông truyền lại.