Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Tiên chỉ” phường Xoan

Vũ Thanh - 11:50, 07/07/2023

85 năm tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, Nghệ nhân Nhân dân Lê Xuân Ngũ - Trùm phường Xoan Phù Đức (xã Kim Đức, Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) hiện là người cao tuổi nhất, được kính trọng, tôn vinh lên vị thế “Tiên chỉ” các phường Xoan gốc. Cả đời gắn bó, nặng lòng với câu hát của cha ông, cụ Ngũ hiện là người đứng đầu tại địa phương trong việc nắm giữ tri thức, kỹ năng thực hành Di sản Hát Xoan.

Nghệ nhân Nhân dân Lê Xuân Ngũ
Nghệ nhân Nhân dân Lê Xuân Ngũ

Vang tiếng hát Xoan bên nước bạn

Vẫn giọng nói trầm ấm thiên phú, phong thái đĩnh đạc, ánh mắt đôn hậu, chòm râu trắng như cước, trí nhớ đáng kinh ngạc cùng cách dẫn dắt chuyện hấp dẫn của ông Trùm phường Xoan Phù Đức - Lê Xuân Ngũ khiến người nghe không dứt ra được. Câu chuyện ông được đi công tác cùng lãnh đạo tỉnh bằng máy bay sang nước ngoài từ năm 2005 cả làng Kim Đức ai cũng trầm trồ. Nhớ lại năm đó, cụ Ngũ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa đi trình diễn tại hội thảo quốc tế ở Thái Lan. Ngày nhận hộ chiếu, cụ “nghi ngại” trình bày với anh cán bộ rằng, tôi đi ô tô cả tháng chẳng sao chứ ngồi máy bay… xóc lắm. Tuổi già không chịu được đâu (!).

Rồi ông thật thà kể: Cuối năm 1960, khi còn trong quân ngũ, tôi cùng anh em trong đơn vị hành quân sang giúp nước bạn Lào. Ngồi máy bay quân sự của Liên Xô xóc muốn lộn óc, xây xẩm mặt mày. Người quê chất phác, nghĩ sao nói vậy. Ai mà biết máy bay thương mại bây giờ lại êm, sướng đến thế. Cảm giác chẳng khác gì nằm trên giường đệm!

Sang đất bạn, sau bài phát biểu tham luận của lãnh đạo tỉnh trong hội thảo, các cụ lên biểu diễn hai tiết mục Xoan cổ Giáo trống, Giáo Pháo. Quan khách quốc tế vỗ tay nhiệt tình, ông Ngũ thở phào yên tâm mình đã biểu diễn thành công. Xoan mà lại. Đến Vua Hùng còn thích nữa là người phàm, không hay sao được?

Câu chuyện của ông Trùm phường Xoan đưa chúng tôi trở lại những năm tháng đất nước có chiến tranh. Ông Ngũ nhớ lại thời điểm nhập ngũ năm 1956, ông đã có gần 3 năm cầm súng chiến đấu tại khu vực cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Sống giữa rừng thiêng nước độc, quân thù bủa vây nhưng cứ rảnh rỗi phút nào là những chàng lính trẻ lại đàn hát văn nghệ, dùng tiếng hát át tiếng bom. Đàn hay, hát giỏi, cậu lính trẻ Lê Xuân Ngũ luôn là hạt nhân trong các buổi văn nghệ ngẫu hứng. Giữa chiến trường khốc liệt, câu hát cửa đình thờ Vua nơi Đất Tổ như làn gió mát xoa dịu tâm hồn, làm vợi đi nỗi nhớ nhà của các chiến sĩ mới mười tám, đôi mươi lần đầu rời xa lũy tre làng…

Nghệ nhân phường xoan Phù Đức trình diễn quả Tứ dân cách.
Nghệ nhân phường xoan Phù Đức trình diễn quả Tứ dân cách.

Lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ngày 27/7/1961, chiến sĩ Lê Xuân Ngũ được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Giữa chiến trường còn khét mùi khói súng, Lễ Kết nạp đảng viên mới diễn ra trang trọng với sự chứng kiến của các đồng đội trong đơn vị. Hôm ấy, theo lời đề nghị của đồng đội, tân đảng viên Lê Xuân Ngũ lại tay nhịp phách, miệng cất cao lời Xoan cổ trong niềm vinh dự, tự hào. Trong thời khắc đặc biệt của đời người, tự đáy lòng, người chiến sĩ 23 tuổi càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, tình cảm với Tổ quốc, với câu hát trao truyền của tổ tiên…

Niềm vui ông Trùm phường Xoan

Gần 20 năm trong quân ngũ, sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Ngũ phục viên trở về quê hương. Đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến, cuộc sống của người dân Kim Đức gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Đình làng, miếu cổ nơi diễn ra các lễ hội - không gian văn hóa thực hành diễn xướng Hát Xoan bị xuống cấp, đổ nát. Các thành viên phường Xoan người còn, người mất. Câu hát thờ Vua tưởng như đã thành ký ức xa vời…

Các đào Xoan nhí thuộc phường Xoan xã Kim Đức biểu diễn hát Xoan tại miếu Lãi Lèn
Các đào Xoan nhí thuộc phường Xoan xã Kim Đức biểu diễn hát Xoan tại miếu Lãi Lèn.

Năm 1979, ông Ngũ được tín nhiệm bầu làm Trùm phường Xoan Phù Đức. Vừa tham gia công tác tại Hợp tác xã, vừa nhận trọng trách dẫn dắt, duy trì, củng cố phường Xoan. Phường Xoan Phù Đức được củng cố, ôn luyện thường xuyên và bắt đầu biểu diễn phục vụ nhân dân trong các dịp lễ hội. Từ năm 1998, Câu lạc bộ Hát Xoan xã Kim Đức được thành lập. Với vai trò Phó Chủ nhiệm, ông Lê Xuân Ngũ đã hướng dẫn cho các thành viên trong CLB các kỹ năng hát dẫn cách, hát đế, múa, trình diễn, đánh trống và sử dụng phách. Ông Ngũ đã tận tâm truyền dạy cho gần 200 người, đủ các lứa tuổi về nguồn gốc lịch sử, giá trị văn hóa của hát Xoan. Nhiều học trò của ông đã trở thành các đào, kép nổi danh trong các phường Xoan, có người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ…

Cả đời gắn bó, tận tâm tận lực với câu hát trao truyền của tổ tiên, ông Ngũ đã có những cống hiến quan trọng, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đất Tổ làm nên kỳ tích: Đưa Di sản “Hát Xoan Phú Thọ” ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.

Du khách tham quan trải nghiệm với nghệ thuật hát Xoan tại miếu Lãi Lèn.
Du khách tham quan trải nghiệm với nghệ thuật hát Xoan tại miếu Lãi Lèn

Thành tích của ông trùm Xoan Lê Xuân Ngũ đã được ghi nhận bằng những danh hiệu cao quý: Nghệ nhân dân gian Việt Nam, Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân cùng hàng loạt Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành. Tuổi cao, sức yếu, không còn tham gia biểu diễn hay truyền dạy kỹ năng thực hành, nhưng các phường Xoan trong xã vẫn kính trọng coi ông là người đứng đầu, có vai trò cột trụ, “tiên chỉ”, biểu tượng cao đẹp cho trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết của người con Đất Tổ với câu hát thờ Vua.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.