Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tiên Tốc bây giờ

Huy Hoàng - 16:23, 10/02/2020

Hơn 10 năm sau tái định cư, hôm nay nhắc đến thôn Tiên Tốc, xã Bình An, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), người dân trong vùng đều liên tưởng ngay về một khu dân cư văn hóa của đồng bào Mông, và nơi đây đời sống kinh tế của bà con đang khởi sắc từng ngày...

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Cháng A Bào thôn Tiên Tốc mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Cháng A Bào thôn Tiên Tốc mang lại hiệu quả kinh tế cao

Chặng đường gian khó

Những năm 2006, 2007 để nhường đất cho dự án xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang, hàng chục hộ dân người Mông ở xã Thúy Loa (Na Hang) đã chuyển về nơi định cư mới ở thôn Nà Xé (cũ) xã Bình An (Lâm Bình). Nhiều người trong thôn vẫn nhớ như in về quãng thời gian ban đầu đầy khó khăn giữa “người đi kẻ ở”; nhớ quê da diết song vì sự phát triển của đất nước, bà con đã sẵn lòng. 

Ông Cháng A Mà, dân tộc Mông năm nay đã ngoài 60 tuổi nhớ lại, việc di chuyển đồ đạc, di chuyển vật nuôi sang quê mới kể cả ngày không hết. Người dân phải chèo thuyền để chở đồ dùng đến bến thủy xã Thượng Lâm hoặc Khuôn Hà, rồi đi bộ cả ngày trời mới đến quê mới. Bà con lạ lẫm trên quê mới song rất đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau dựng lại nhà cửa, làm chuồng nuôi gia súc, chẳng mấy chốc ngôi làng mới được lập lên như một kỳ tích.

Đến quê mới, bà con được Nhà nước hỗ trợ đất ở, đất ruộng, đất rừng và tiền làm nhà ở... song đời sống của bà con lúc bấy giờ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Chuyện phát triển cây gì, con gì hay việc học hành, khám chữa bệnh đều được chính quyền các cấp nghĩ tới và lo cùng dân. 

Với sự hỗ trợ này, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm để thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, chỉ trong thời gian ngắn, số hộ nghèo ở Tiến Tốc đã giảm đáng kể. Năm 2015, khi thôn Tiên Tốc được tách ra từ thôn Nà Xé, thì tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chiếm đến hơn 87%, ấy vậy mà chỉ hơn 3 năm sau, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm đi hơn 20%.

Điểm Trường Mầm non và Tiểu học thôn Tiên Tốc được đầu tư xây dựng giúp con em các dân tộc trong thôn có điều kiện học tập tốt hơn
Điểm Trường Mầm non và Tiểu học thôn Tiên Tốc được đầu tư xây dựng giúp con em các dân tộc trong thôn có điều kiện học tập tốt hơn

Nghề cũ “hốt bạc” nhờ cách làm mới

Hiện nay, toàn thôn Tiên Tốc có 55 hộ với 278 khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 80%. Đối với người Mông Tiên Tốc, mỗi con trâu, bò luôn được coi như cả cơ nghiệp, bởi vậy họ yêu quý gắn bó với con vật này và trong thời gian gần đây nghề nuôi trâu, bò đã trở thành “cứu cánh” giúp nhiều hộ dân trong thôn vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá. 

Tiêu biểu như gia đình Trưởng thôn Cháng A Bào cũng vượt lên nhờ nghề “nuôi trâu vỗ béo”. Tính trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán 3,4 lứa trâu vỗ béo đem lại thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng.

Anh Bào bảo, anh mới bỏ ra hơn 30 triệu đồng để đổ bê tông khung chuồng trâu và mua mái tôn về lợp. Ngôi nhà gỗ khang trang hay các đồ dùng đầy đủ của gia đình anh đều từ tiền bán trâu mà có. Nghề nuôi trâu hiệu quả như vậy nên anh tích cực vận động bà con trong thôn cùng phát triển nghề này.

Nhắc đến chuyện nuôi trâu cũng phải kể đến anh Giàng A Làng, người mà hiện nay có đàn trâu lên đến gần trăm con. Có người trong thôn còn được chứng kiến anh Làng đem cả trăm triệu đồng tiền bán trâu đi ngân hàng gửi. Đến nay, không riêng gì gia đình Trưởng thôn Cháng A Bào, anh Giàng A Làng có đến gần 100% hộ dân trong thôn đều có nuôi trâu, bò, trong đó tỷ lệ hộ dân nuôi trâu bò có từ 2 con trở lên chiếm đa số. 

Đổi thay mọi mặt

Nói về sự đổi thay của thôn Tiên Tốc, ông Ma Công Khâm, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, so với thời kỳ mới tách thôn năm 2015 là một bước tiến dài của người dân thôn Tiên Tốc. Từ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và đặc biệt là sự nỗ lực của bản thân mỗi hộ dân, Tiên Tốc hôm nay đã vươn lên trở thành một khu dân cư có đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, là thôn đi đầu luôn thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm của xã giao. 

Kinh tế có bước phát triển, cuộc sống ổn định, người Mông ở Tiên Tốc đã luôn yên tâm và rất nỗ lực trong các hoạt động xây dựng đời sống, giữ gìn văn hóa tại địa phương. 

Đối với việc học, con em các dân tộc trong thôn đều được đến trường đúng độ tuổi. Theo thống kê của Trường Mần non và Tiểu học Bình An, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường ở Tiên Tốc đạt 100%, tỷ lệ học sinh học hết tiểu học đạt 100%. Một số học sinh người Mông ở Tiên Tốc đã được đầu tư học lên cao như đại học, cao đẳng...

Có thể thấy, trải qua những ngày gian khó, hôm nay, cuộc sống của đồng bào Mông ở Tiên Tốc đã bước sang một trang mới với sự ấm no, phát triển. Sự đổi thay đó là minh chứng rõ nét cho sự đồng lòng và ý chí quyết tâm của người dân, chính quyền nơi đây… trong nỗ lực xây dựng cuộc sống trên quê hương mới.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm đổi thay toàn diện đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà (Kon Tum). Tạo nên những bước chuyển biến sâu sắc và tích cực trong tư tưởng, nhận thức, đời sống của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.