Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Tìm thấy nhiều mảnh đá trang sức tại di chỉ khảo cổ có niên đại hàng nghìn năm

Lê Hường - 00:33, 14/09/2024

Ngày 13/9, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai lần thứ 3, năm 2024. Các nhà khoa học đã tìm thấy hàng nghìn hiện vật, trong đó có nhiều mảnh đá trang sức.

Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị
Ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai thuộc thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được người dân địa phương phát hiện năm 2000. Sau đó Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật trong các năm 2021, 2022 và thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo. Không ít hiện vật lần đầu được phát hiện trong khu vực Tây Nguyên, trong đó có bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2024, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục thực hiện nghiên cứu, khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai lần thứ 3, từ ngày 26/6 đến 28/7, theo Quyết định số 1504/QĐ-BVHTTDL ngày 06/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Các đại biểu, nhà khoa học tham dự hội nghị
Các đại biểu, nhà khoa học tham dự Hội nghị

Theo báo cáo, trong lần khai quật thứ 3 này, các chuyên gia thực hiện khai quật trên diện tích 20m2. Qua đó, xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2 mét, bên trong chứa các di tích như mộ táng, cụm gốm, vò gốm và nhiều di vật như: Bàn mài, rìu, bôn, dọi se sợi. Đặc biệt, các nhà khoa học đã thu được hơn 100 hạt chuỗi bằng chất liệu đá, thuỷ tinh; hơn 1.000 mũi khoan và phác vật bằng các loại đá opal, jasper, silic, phtanite… cùng hàng vạn vảy tước. 

Mũi khoan được mài trau chuốt và hầu hết chưa qua sử dụng; đồ gốm khá phong phú về chủng loại gồm bình, nồi, chum, vò, bát bồng… với nhiều kích cỡ khác nhau. Trong quá trình khai quật, đoàn tiến hành khảo sát một số địa điểm xung quanh khu vực Thác Hai và dọc hai bờ sông Ea H’leo trong vòng bán kính lên tới 10km.

Đại biểu tham quan, tìm hiểu các di vật khảo cổ
Đại biểu tham quan, tìm hiểu các di vật khảo cổ

Từ kết quả khai quật lần thứ 3 kết hợp với phân tích niên đại C14 của lần khai quật đầu tiên cho thấy, di tích Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 4.000 năm cho đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay. Qua tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá có quy mô lớn. Di chỉ này có mối quan hệ gần gũi với các văn hóa khảo cổ ở Tây Nguyên như Biển Hồ ở tỉnh Gia Lai hay Lung Leng, Plei Krông ở tỉnh Kon Tum.

Trưng bày các hình ảnh trong quá trình khai quật
Trưng bày các hình ảnh trong quá trình khai quật

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, tiềm năng di sản khảo cổ Đắk Lắk khá lớn, với hơn 50 địa điểm khảo cổ thời tiền - sơ sử, trong đó có 7 di tích đã được khai quật và hàng chục địa điểm được khảo sát, thu được hàng ngàn công cụ lao động, đồ trang sức, đồ dùng sinh hoạt bằng đá, bằng đồng và bằng gốm... của cư dân cổ có niên đại từ 2.500 - 4.500 năm cách ngày nay. Trong những năm qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã tích cực phối hợp với các cơ quan nghiên cứu như Viện khảo cổ học Việt Nam, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để tiến hành nghiên cứu tiềm năng khảo cổ học trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên bảo tàng giới thiệu các di vật khảo cổ đến đại biểu
Nhân viên Bảo tàng giới thiệu các di vật khảo cổ đến đại biểu

Đến nay, Thác Hai là di chỉ khảo cổ học có tầng văn hóa dày nhất ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, thể hiện sự cư trú lâu dài và liên tục trong khoảng thời gian hơn 1.000 năm. Đây được xem là công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá duy nhất ở Tây Nguyên cho đến thời điểm hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Với quan điểm “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, Ban Chỉ đạo Nông thôn mới (NTM) tỉnh Trà Vinh đã chủ động tham mưu xây dựng và trình Tỉnh ủy phê duyệt Nghị quyết về xây dựng lộ trình để tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Là cơ quan tham mưu, chủ trì phối hợp các Sở, ban ngành và địa phương xây dựng kế hoạch trình Ban chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã linh hoạt chọn ưu thế, tiềm năng về nông nghiệp để phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.