Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tình người không biên giới

Thanh Nguyễn - 18:09, 17/02/2022

Hiếm có nơi nào, mùa Xuân lại đến sớm như trên dải đất biên cương. Những sắc màu của hoa, của lá, của mây và bảng lảng sương bay như tô thêm cho bức tranh Xuân nơi miền biên viễn vẻ đẹp đến nao lòng. Trôi theo miền xúc cảm ấy, tôi đã nghĩ nhiều đến tình cảm thiêng liêng, sắt son của những cư dân nơi bản làng biên giới hai nước Việt-Lào.

Ông Hồ Tiếp, người Vân Kiều, ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo cầm trên tay 2 lá cờ Việt Nam và Lào chuẩn bị đón đoàn Lào trong chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam- Lào lần thứ nhất
Ông Hồ Tiếp, người Vân Kiều, ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo cầm trên tay 2 lá cờ Việt Nam và Lào chuẩn bị đón đoàn Lào trong chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam- Lào lần thứ nhất

Một năm đón hai tết

Khi những cánh đào khoe sắc thắm, bông dã quỳ vàng ruộm… lẫn trong biếc xanh của cây rừng báo hiệu Xuân sang, người Việt lại rộn ràng đón Tết cổ truyền. Chẳng ai bảo ai, phía bên kia dãy Trường Sơn, nhân dân các bộ tộc Lào cũng sửa soạn áo quần để vượt núi, cắt rừng đến chung vui cùng những người Việt anh em. Đã bao cái tết Việt trôi qua, ông Hồ Tiếp, người dân tộc Vân Kiều ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đón những người Lào anh em ở bản Đen Sa Vẳn, huyện Sê Pôn (Lào) sang chung vui. Ông Hồ Tiếp rạng rỡ: Hai bản như anh em một nhà đấy. Mỗi năm, bản ta và bản Đen Sa Vẳn đón hai cái tết rất đầm ấm, là tết Lào và tết Việt. Quà thăm tặng là bao gạo nếp thơm, con cá suối hay ché rượu cần… nhưng chan chứa tình anh em.

Câu chuyện của ông Hồ Tiếp đã là minh chứng rõ nhất cho sắc màu văn hóa đặc biệt nơi vùng giáp biên Việt-Lào, “một năm ăn hai cái tết”. Nếu như tháng giêng âm lịch, người Lào về họ hàng bên Việt Nam ăn tết Nguyên đán, thì đến tháng tư, người Việt lại sang Lào đón tết Bounpimay. Tình cảm đó là do người Việt và người Lào sống quây quần bên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Sau hoạch định biên giới, có không ít người ở lại đất Lào hoặc Việt Nam, nhập quốc tịch và trở thành công dân nước sở tại.

Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam xây tặng nhà hữu nghị cho người dân bản Nậm Táy, Cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào)
Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam tặng nhà hữu nghị cho người dân bản Nậm Táy, Cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào)

Nhưng có một nguyên nhân khác, nó còn đẹp hơn mọi thứ trên đời. Ấy là câu chuyện tình đắm say của những đôi trai gái. “Anh ở bên này Đông Trường Sơn, Em ở bên này Tây Trường Sơn/ Chung nhau câu hát ân tình…” Câu ca ấy đã đi vào những cuộc hò hẹn đêm trăng để rồi bao gái trai Việt-Lào nên mối lương duyên, rồi một thế hệ mới ra đời mang hai dòng máu.

Nhớ lại gần một tuần sống ở Xieng Khuang (Xiêng Khoảng) cách nay mấy năm, tôi cứ mãi ấn tượng về bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng bên cạnh ảnh Hoàng thân Xuphanuvông và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản trong mái nhà của những người Lào. Ba bức ảnh ấy đã được đặt trang trọng tại nơi thờ tự như là biểu tượng về lẽ sống, tình cảm, niềm tin. Thế nên, ở một góc độ nào đó, tết Việt và tết Lào đã quyện hòa trong trái tim, suy nghĩ, hành động của những người Lào bên kia dãy Trường Sơn.

Đại úy Lê Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) nói với tôi rằng: Tết âm lịch của người Việt và Bounpimay của người Lào có nhiều nét tương đồng. Đó là sự tương đồng về thời khắc thiêng liêng nhất trong năm của mỗi gia đình và đây cũng là dịp để mọi người thân trong gia đình đoàn tụ, sum họp sau một năm lao động, học tập.

Biên cương thật gần

Tôi đã bao lần đứng giữa ranh giới hai nước Việt-Lào. Nhưng phải chờ đến khi cảm nhận đủ đầy tình cảm thiêng liêng, sắt son của những cư dân nơi bản làng biên giới hai nước; tôi mới thấy rằng, hóa ra thứ tình cảm ấy được bắt nguồn từ những mối lương duyên, những mô hình kết nghĩa bản- bản, những nghĩa cử giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng bản làng no ấm… của hai dân tộc, hai đất nước chung dãy Trường Sơn. Có lẽ vì thế mà biên cương đã chẳng còn xa xôi, cách trở.

BĐBP Nghệ An trao quà cho học sinh nghèo học giỏi người Lào.
BĐBP Nghệ An trao quà cho học sinh nghèo học giỏi người Lào.

Việt-Lào núi sông liền một dải. Mối quan hệ giữa hai dân tộc, hai đất nước càng trở nên khăng khít hơn khi mô hình kết nghĩa bản-bản ra đời. Chúng tôi đã đến vùng biên viễn huyện Quế Phong (Nghệ An), Mường Lát (Thanh Hóa) hay A Lưới (Thừa Thiên Huế)… và đã cảm nhận rõ hơn điều ấy. Phía bên kia dãy Trường Sơn, cách nhau một dòng sông, một dốc núi, một cánh rừng… là mái nhà của người Lào; còn bên này là bản làng của người dân Việt Nam. Chỉ một tiếng ới, một câu hò… đã trở thành âm vang hai nước cùng nghe.

Kể về mô hình kết nghĩa bản-bản, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội, nguyên Tư lệnh BÐBP cho biết: Hai nước Việt-Lào đã có 103 cặp bản-bản kết nghĩa. Hoạt động ấy đã nhân lên tình cảm cao đẹp của hai dân tộc bên dãy Trường Sơn.

Từ việc sống giao hòa, từ những mối lương duyên… nhiều người Lào đã quyết định ở lại Việt Nam, cũng như người Việt Nam ở lại đất Lào, xin nhập quốc tịch. Ngày nhận quyết định công nhận là công dân Việt Nam, bà Kăn Ping (sinh năm 1935 tại Lào), hiện cư trú ở thôn A Bung, xã Nhâm huyện huyện A Lưới (Huế) rưng rưng: Mình đã là người Việt Nam rồi, trở thành con cháu cụ Hồ rồi, tự hào lắm. Ta sẽ bảo ban, bày dạy con cháu làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm. Rảnh rỗi, ta lại về quê cũ bên Lào thăm bà con, cũng gần lắm.

Vợ chồng Kha Văn U (người Việt Nam) và Lô Thị Ly (Người Lào) cùng những đứa con mang hai dòng máu Việt-Lào
Vợ chồng Kha Văn U (người Việt Nam) và Lô Thị Ly (Người Lào) cùng những đứa con mang hai dòng máu Việt-Lào

Trên nóc đỉnh Trường Sơn, còn ghi đậm dấu ấn tình cảm hai dân tộc Việt-Lào bằng những việc làm, hành động cụ thể. Cái cách mà BĐBP Việt Nam giúp đỡ người dân Lào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng bởi “Việt-Lào hai nước anh em”. Ông Lò Văn Pít, người cao tuổi bản Na Luông (huyện Mường Mày, tỉnh Phông Xa Lỳ, Lào) rưng rưng: BĐBP và bà con bản kết nghĩa phía Việt Nam là bản Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (Điện Biên) giúp đỡ chúng tôi nhiều lắm. Vừa khám bệnh, cấp thuốc; vừa hỗ trợ cây giống, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc. Không có cảm giác núi sông cách trở, bà con người Lào rất yên tâm, tin tưởng BÐBP Việt Nam lắm.

BĐBP Quảng Nam trao thiết bị y tế hỗ trợ tỉnh Sê Kông, Lào phòng, chống dịch Covid-19
BĐBP Quảng Nam trao thiết bị y tế hỗ trợ tỉnh Sê Kông, Lào phòng, chống dịch Covid-19

Những câu chuyện về tình gắn bó thắm thiết keo sơn giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt-Lào kể mãi không hết; tựa hồ như nước Hồng Hà, Cửu Long chảy mãi không ngừng… 

Tin cùng chuyên mục