Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tình yêu văn hóa dân tộc của những Người có uy tín ở Chư Pưh

Ngọc Thu - 11:02, 05/10/2023

Với kinh nghiệm, vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán, các nghề truyền thống, Người có uy tín ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã trực tiếp tham gia và vận động người dân trong thôn, làng gia tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, không chỉ bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế.

Đối với Người có uy tín Siu Gong, việc đan gùi không chỉ thể hiện sự khéo léo của đàn ông Gia Rai mà còn là tình yêu văn hóa dân tộc
Đối với Người có uy tín Siu Gong, việc đan gùi không chỉ thể hiện sự khéo léo của đàn ông Gia Rai mà còn là tình yêu văn hóa dân tộc

Là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Gia Rai ở làng Kuăi, xã Ia Blứ, ông Siu Gong năm nay đã hơn 92 tuổi, nhưng đôi mắt vẫn sáng, đôi tay vẫn còn nhanh thoăn thoắt đan gùi thuần thục. Đối với ông, việc đan gùi không chỉ thể hiện sự khéo léo của đàn ông Gia Rai, mà còn là cả tình yêu văn hóa dân tộc, là kế thừa nghề truyền thống mà ông cha để lại. Và giờ đây, ông Gong cũng truyền lại cho con cháu.

Ông Gong tâm sự: “Mình học đan từ bố mình. Nhà mình đàn ông ai cũng biết đan. Mình đan được nhiều gùi lắm, từ nhỏ đến giờ không biết bao nhiêu cái gùi đã theo mình lên rẫy đựng lúa, mang nước. Thấy gùi của mình đẹp, bà con trong làng đều đến đặt mình làm, có người đến học cách đan”.

Theo ông Gong, người Gia Rai có nhiều nghề truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng như thổ cẩm, nghề nấu rượu cần, hay như nghề đan lát truyền thống. Trong đó, chiếc gùi là vật dụng được dùng chủ yếu trong đời sống hằng ngày, bởi đây là “vật bất ly thân” của người Gia Rai trong quá trình lao động sản xuất, theo người lên rẫy, đựng đồ…

“Mỗi lần đan gùi là tôi quên hết mọi việc xung quanh. Đan đến khi đôi tay mỏi thì dừng. Thấy gùi đẹp, con cháu tới học theo, tôi chỉ dạy tận tình cách đan gùi đều, đẹp, bền. Giờ thì tôi an tâm khi nghề đan gùi truyền thống không bị mai một, bởi hầu như đàn ông trong làng ai cũng biết đan gùi rồi”, ông Gong mỉm cười nói.

Người có uy tín Siu Bưng (bên phải) ở thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa đang truyền dạy cồng chiêng cho con cháu
Người có uy tín Siu Bưng (bên phải) ở thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa đang truyền dạy cồng chiêng cho con cháu

Còn nói về đánh chiêng hay phải kể đến Người có uy tín Siu Bưng ở thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa. Mỗi khi rảnh rỗi, ông Bưng lại tập trung con cháu trong thôn đến chỉ cách đánh cồng chiêng sao cho đúng nhịp, âm vang. 

Đối với ông, chiêng mang ý nghĩa đặc biệt, vì nó thể hiện nét văn hóa riêng của người dân tộc Gia Rai. Mỗi bài chiêng khi đánh lên đều mang một thông điệp riêng như: bài chiêng đánh trong Lễ hội mừng lúa mới, cưới hỏi sẽ có nhịp điệu nhanh, dồn dập thể hiện niềm vui, sự hào hứng của người đồng bào. Bài chiêng trong Lễ bỏ mả, ma chay… sẽ với nhịp điệu trầm buồn...

Ông Siu Bưng bảo: “Từ lúc còn nhỏ, cứ mỗi lần được bố dẫn đi xem biểu diễn cồng chiêng khi làng vào mùa lễ hội mình đã thích thú với loại hình nhạc cụ này rồi. Đánh cồng chiêng là phải gửi tâm hồn mình vào trong từng nhịp chiêng, khi ấy tiếng chiêng mới hay được. Thật may mắn khi làng mình được chính quyền địa phương cấp cho một bộ cồng chiêng. Từ đây, những ai yêu cồng chiêng đều có thể qua nhà tôi để cùng luyện tập, thỏa mãn tình yêu với văn hóa cồng chiêng”.

Huyện Chư Pưh thường xuyên tổ chức lễ hội, hội thi cồng chiêng... góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc
Huyện Chư Pưh thường xuyên tổ chức lễ hội, hội thi cồng chiêng... góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

Huyện Chư Pưh hiện có 53 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Họ đã trực tiếp tham gia và vận động người dân trong thôn, làng tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thông qua các hoạt động như: thường xuyên diễn tấu cồng chiêng, đan lát, dệt vải, hát dân ca... trong những ngày lễ hội, ngày Tết; phục dựng một số lễ hội, các hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc… Đồng thời, là “cầu nối” để quảng bá hình ảnh quê hương đến du khách trong và ngoài huyện, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, góp phần phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Theo thống kê, toàn huyện có 54 bộ cồng chiêng (tăng 23 bộ so với năm 2018); hơn 500 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng; trên 20 bài chiêng được lưu truyền; mỗi xã, thị trấn đều có đội cồng chiêng thường xuyên luyện tập, phục vụ sự kiện, lễ hội tại địa phương. Hơn 10 năm qua, huyện đều duy trì tổ chức Hội thi cồng chiêng với nhiều nội dung như: biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng; Trong các hoạt động này dều có sự đóng góp to lớn của Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Ông Đặng Xuân Tài, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Chư Pưh, khẳng định: Huyện Chư Pưh luôn tạo điều kiện, biểu dương, hỗ trợ cho đội ngũ Người có uy tín trong việc truyền dạy nghề truyền thống, văn hóa truyền thống, tham gia các hội thi, hội diễn. Đồng thời, Người có uy tín với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, cũng đã cùng với chính quyền địa phương giáo dục, trao truyền, giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Lễ hội Katê lung linh sắc màu văn hóa Chăm

Hằng năm, cộng đồng người Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức 4 lễ lớn trên các đền tháp như Yuer Yang, Katê, Cambur và Peh Bimbeng Yang. Trong đó, Lễ hội Katê có sự tham gia của cả cộng đồng người Chăm và đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.