Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khuyến nông với đồng bào DTTS

Tổ khuyến nông cộng đồng - Khẳng định vai trò, hiệu quả giúp nông dân phát triển sản xuất

Nhật Minh - 09:45, 15/10/2023

Ngày 25/3/2022, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án: Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ). Từ đó đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ bà con nông dân phát triển kinh tế.

Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kĩ thuật mới cho người nông dân là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của ngành khuyến nông.
Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kĩ thuật mới cho người nông dân là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của ngành khuyến nông.

Đề án triển khai thành lập 26 tổ KNCĐ, thí điểm tại 13 địa phương, với tổng số 168 thành viên và 562 tổ KNCĐ mở rộng với tổng số 4.276 thành viên. Tính đến nay, ngoài 13 địa phương tham gia đề án thí điểm, trên cả nước đã có thêm 30 địa phương thành lập khoảng 3.500 tổ KNCĐ.

Sơn La là một trong 13 tỉnh thực hiện Dự án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập 10 tổ khuyến nông cộng đồng, với 73 thành viên có nhiệm vụ tư vấn cho hộ nông dân, HTX về khuyến nông; hỗ trợ, vận động thành lập phát triển HTX nông nghiệp; tư vấn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp...

Gia đình anh Nguyễn Đại Phong, bản Yên Sơn 1, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu là một trong các hộ dân tham gia mô hình thâm canh dứa an toàn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La hỗ trợ. Tham gia mô hình, gia đình anh được hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Với hơn 1 ha dứa, sau hơn 1 năm trồng, gia đình anh Phong đã thu hoạch được 30 tấn dứa, trọng lượng trung bình 0,5-0,8 kg/quả.

Anh Nguyễn Đại Phong cho biết: Quá trình triển khai mô hình, gia đình tôi đã được Tổ KNCĐ đồng tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc dứa. Đến khi thu hoạch, Tổ đã kết nối với Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La thu mua sản phẩm dứa cho gia đình theo giá thị trường. Đầu ra sản phẩm đảm bảo, chúng tôi cũng yên tâm sản xuất hơn.

Tại khu vực Tây Nguyên, tổ KNCĐ đã tăng cường tư vấn, hỗ trợ hiệu quả người dân áp dụng quy trình sản xuất cà phê đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường
Tại khu vực Tây Nguyên, tổ KNCĐ đã tăng cường tư vấn, hỗ trợ hiệu quả người dân áp dụng quy trình sản xuất cà phê đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường

Tương tự, ghi nhận tại tỉnh Kon Tum cho thấy, ngoài 2 tổ KNCĐ vùng nguyên liệu cà phê huyện Đăk Hà do Sở NN&PTNT thành lập từ năm 2022, đến nay đã có thêm 55 tổ KNCĐ cấp xã, với sự tham gia của 469 thành viên.

Sau 1 năm hoạt động, các tổ KNCĐ đã cho thấy đây là tổ chức gần dân nhất, là nòng cốt tạo sinh kế và thúc đẩy giảm nghèo bền vững, thông qua việc cung cấp nhiều công năng để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo các nhóm hoạt động: Tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tư vấn hỗ trợ hình thành HTX nông nghiệp, phát triển thị trường, liên kết sản xuất, tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các HTX và hộ nông dân.

Đồng thời, giúp nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã để thực hiện tốt công tác khuyến nông; đa dạng các hoạt động khuyến nông đáp ứng nhu cầu sản xuất và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Ông Lê Trọng Hảo- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), Tổ phó Tổ KNCĐ xã Đăk Mar cho hay, từ khi thành lập, tổ đã phát huy khá tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận liên kết với nông dân, với các vùng nguyên liệu một cách dễ dàng hơn.

Tổ đã tăng cường tư vấn, hỗ trợ hiệu quả người dân áp dụng quy trình sản xuất cà phê đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Tạo cầu nối giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cà phê hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị ngành hàng cà phê.

Một trong nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả được ngành khuyến nông triển khai hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế
Một trong nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả được ngành khuyến nông triển khai hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Tiền Giang cũng là 1 trong 13 tỉnh thực hiện Dự án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ KNCĐ của Bộ NN&PTNT. Trên cơ sở đó, thời gian qua, ngành NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã xác định vùng nguyên liệu cây ăn trái ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy tham gia thực hiện đề án trên.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã thành lập 2 Tổ KNCĐ thí điểm thực hiện tại xã Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè) và xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) trên cơ sở kiện toàn từ các câu lạc bộ khuyến nông cùng 13 Tổ KNCĐ trong vùng. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng đã xác định việc thành lập Tổ KNCĐ ngoài thực hiện nhiệm vụ theo đề án của Bộ NN&PTNT, còn là một trong những chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên rất cần thiết trong xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay.

Do đó, ngành NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã hướng dẫn các địa phương thành lập Tổ KNCĐ, đến nay toàn tỉnh đã thành lập 117 Tổ KNCĐ/10 huyện, thị với 1.138 thành viên (mỗi Tổ KNCĐ từ 5 - 10 thành viên, riêng một số tổ trên 10 thành viên). Các tổ KNCĐ được thành lập bước đầu đã khẳng định vị trí, vai trò là “cánh tay” nối dài trong hoạt động khuyến nông, truyền tải thông tin kỹ thuật đến người dân nhanh và hiệu quả nhất.

Trong đó, huyện Cái Bè là một trong những địa phương đẩy mạnh thành lập Tổ KNCĐ ở 24/25 xã, thị trấn trên cơ sở kiện toàn từ các CLB khuyến nông trước đây. Đặc biêt, huyện còn được chọn xây dựng một Tổ KNCĐ tại xã Mỹ Lợi A gắn với vùng sản xuất nguyên liệu sầu riêng.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cái Bè Trần Văn Trọng, Trung tâm đã hướng dẫn các Tổ KNCĐ xây dựng quy chế, nội dung hoạt động của tổ, xây dựng kế hoạch hoạt động, tham gia xây dựng, tư vấn thành lập mã vùng trồng cho cây trồng.

Các Tổ KNCĐ được thành lập bước đầu đã khẳng định vị trí, vai trò là “cánh tay” nối dài trong hoạt động khuyến nông
Các Tổ KNCĐ được thành lập bước đầu đã khẳng định vị trí, vai trò là “cánh tay” nối dài trong hoạt động khuyến nông

Ngoài nhiệm vụ khuyến nông, các Tổ KNCĐ trên địa bàn huyện Cái Bè còn có các hoạt động tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới…, qua đó hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế góp phần hoàn thành tiêu chí 13.5 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

Có thể thấy, từ khi đi vào thí điểm đến nay mô hình tổ KNCĐ đang được triển khai, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc đã giúp nâng cao hiệu quả hệ thống khuyến nông cơ sở, góp phần cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã để thực hiện tốt công tác khuyến nông, đa dạng các hoạt động khuyến nông đáp ứng nhu cầu sản xuất và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Mô hình này cũng đã giúp cơ cấu lại tổ chức khuyến nông cơ sở trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông, nâng cao năng lực cho tổ khuyến nông để hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ HTX và thông tin thị trường, liên kết sản xuất, tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong các HTX...

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.