Đã thành thông lệ, người dân thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất mỗi tối lại rủ nhau ra nhà văn hóa tập hát ví, đánh chiêng Mường để biểu diễn trong các dịp lễ, Tết… Bà Bùi Bích Thìn, dân tộc Mường, Nghệ nhân Ưu tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất cho biết: Câu lạc bộ cồng chiêng xã Tiến Xuân có 25 thành viên thường xuyên tham gia biểu diễn vào các dịp lễ, Tết đã thu hút nhiều người xem. Câu lạc bộ văn hóa truyền thống được hình thành, tạo điều kiện cho bà con được giao lưu, trình diễn để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc với các địa phương khác trên địa bàn Thủ đô, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Không chỉ Đồng Dâu mà hầu hết các xã ngoại thành Hà Nội đều chú trọng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, để từ đó nâng cao đời sống tinh thần của bà con nông dân... Đây cũng là một trong những nội dung trong việc thực hiện Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 26/4/2016 về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa-xã hội của Thủ đô.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao; hoàn thành việc xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng dân cư… Tính đến cuối năm 2019 có 100% xã đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã; 100% xã được công nhận nông thôn mới có hệ thống nhà văn hóa. Đặc biệt là việc triển khai đầu tư xây dựng 46 công trình nhà văn hóa thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội tạo sự phấn khởi cho Nhân dân.
Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố thì các công trình văn hóa được xây dựng, các câu lạc bộ văn hóa được hình thành đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn văn hóa các dân tộc; trở thành điểm hẹn sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các tầng lớp Nhân dân của Thủ đô. Góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, nhất là bà con vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo các huyện xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020” tại các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất, Ba Vì… Thông qua Đề án đã khôi phục được nhiều đội cồng chiêng và mua sắm được nhiều trang phục truyền thống dân tộc Mường. Riêng tại 7 xã miền núi của huyện Ba Vì đã thành lập đội bảo tồn văn hóa các DTTS; thường xuyên tổ chức tập luyện sưu tầm các bài diễn tấu cồng chiêng Mường, các làn điệu dân ca Mường và múa chuông, lễ cấp sắc dân tộc Dao.
Câu lạc bộ văn hóa truyền thống được hình thành, tạo điều kiện cho bà con được giao lưu, trình diễn để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc với các địa phương khác trên địa bàn Thủ đô, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”.
Bà Bùi Bích Thìn, dân tộc Mường, Nghệ nhân Ưu tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất