Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Trạm xá quân dân y kết hợp – Ý nghĩa lớn từ một mô hình

Khánh Thi - 19:45, 07/11/2022

Trạm xá Quân dân y kết hợp là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các địa bàn biên giới do các đồn Biên phòng đảm trách. Những năm qua, mô hình này đã giúp đồng bào các DTTS được tiếp cận y tế, qua đó thắt chặt hơn tình quân dân nơi vùng phên dậu. Hoạt động của các Trạm xá quân dân y kết hợp còn góp phần vun đắp tình hữu nghị với đồng bào các dân tộc ở các quốc gia láng giềng.

Giai đoạn 2017 – 2022, Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt - Lào Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) đã khám và điều trị cho gần 20 nghìn lượt bệnh nhân; trong đó, có trên 7.000 lượt bệnh nhân đến từ huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn – Lào (Ảnh:baosonla.vn)
Giai đoạn 2017 – 2022, Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt - Lào Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) đã khám và điều trị cho gần 20 nghìn lượt bệnh nhân; trong đó, có trên 7.000 lượt bệnh nhân đến từ huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn – Lào (Ảnh:baosonla.vn)

Hiệu quả “kép”

Kể từ khi dịch bệnh Covid - 19 được kiểm soát, khu vực cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) lại nhộn nhịp người dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, giao thương. Các y bác sỹ của Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt – Lào cũng tất bật hơn bởi mỗi ngày đón hàng chục bệnh nhân khu vực hai bên biên giới đến khám chữa bệnh (KCB). Dù là người Việt hay người Lào cũng đều cảm nhận được sự tận tâm chăm sóc của các bác sĩ mang quân hàm xanh.

Được biết, Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt - Lào Lóng Sập được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2017. Trạm được trang bị các thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, máy điện tim nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân khu vực biên giới hai huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, Trạm đã thực hiện khám và điều trị cho gần 20 nghìn lượt bệnh nhân; trong đó, có trên 7.000 lượt bệnh nhân đến từ huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Ngoài ra, Trạm còn tổ chức thăm hỏi tặng quà, khám cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 6.100 lượt người thuộc diện gia đình chính sách thương binh, liệt sĩ, người già neo đơn; phối hợp với Trạm Y tế xã Lóng Sập tiêm chủng cho trẻ em hàng năm được hơn 5.300 lượt/năm và tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 cho Nhân dân xã biên giới được 17.240 lượt người.

Trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, cùng với hệ thống trạm đã đi vào hoạt động trước đó, trong các năm: 2017, 2019 và 2022, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng 3 Trạm xá quân dân y hữu nghị tại khu vực biên giới của tỉnh Tây Ninh, An Giang và Bình Phước. Ba trạm xá này đã phục vụ đắc lực cho nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân hai bên biên giới, thể hiện tình cảm hữu nghị, đoàn kết và làm sâu sắc hơn quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Vun đắp tình hữu nghị

Ngày 29/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 545/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình kết hợp quân dân y chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2030. Một trong các mục tiêu của Chương trình là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh quân dân y, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đồng thời đặt mục tiêu tổ chức KCB cho trên 200.000 người dân, đối tượng chính sách tại các khu vực an toàn khu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.

Trạm xá quân dân y kết hợp đã và đang ngày đêm nỗ lực chăm lo sức khỏe cho đồng bào, chiến sĩ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hoạt động kết hợp quân dân y vừa là chủ trương đúng đắn góp phần bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho Nhân dân và bộ đội, vừa mang ý nghĩa chính trị sâu sắc đối quân và dân thực hiện công tác dân vận, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh Nhân dân nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Sự ra đời của mô hình Trạm xá quân dân y kết hợp là một điểm sáng trong quá trình thực hiện chương trình kết hợp giữa quân đội và Nhân dân trong lĩnh vực y tế, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khoẻ Nhân dân, được triển khai từ năm 1991 đến nay. Giai đoạn 2001 – 2010, chương trình nằm trong Dự án Kết hợp quân dân y thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS. Giai đoạn 2011 – 2020, mô hình được triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, chương trình kết hợp quân dân y đã góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của công tác y tế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Bởi tại thời điểm đầu năm 1990, mạng lưới y tế cơ sở của nước ta đang gặp nhiều khó khăn; cán bộ y tế thiếu, cơ sở hạ tầng thấp kém, lạc hậu, xuống cấp và có tới hơn 800 xã không có Trạm y tế.

Vì thế, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, nhất là Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi, vùng căn cứ cách mạng thực sự là một thách thức lớn đối với ngành Y tế. Từ thực tế đó, Chương trình Kết hợp quân dân y đã hướng mục tiêu vào nhiệm vụ củng cố tuyến y tế cơ sở.

Những “chiến sĩ áo trắng” về tận cơ sở để vừa tiến hành y nghiệp, vừa tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào DTTS nắm vững, tin vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. (Trong ảnh: Cán bộ Trạm xá quân dân y thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình đi thăm khám cho người dân ở thôn Bãi Dinh, xã Dân Hoá, huyện Minh Hóa - Ảnh: vov.vn)
Cán bộ Trạm xá quân dân y thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình đi thăm khám cho người dân ở thôn Bãi Dinh, xã Dân Hoá, huyện Minh Hóa (Ảnh: vov.vn)

Nòng cốt của Chương trình ở địa bàn biên giới là mô hình Trạm xá quân dân y kết hợp. Các Trạm xá quân dân y thực sự là “cánh tay nối dài” của các Trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào. Tại đây, các “chiến sĩ áo trắng” quân y, dân y hằng ngày, hằng giờ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào và giúp người dân phát triển kinh tế. Các y bác sĩ mang quân hàm xanh không chỉ thực hiện chức năng y tế cơ sở mà còn thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại Nhân dân, thông qua việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn.

Những việc làm đó đã góp phần tích cực trong việc giữ dân, an dân, củng cố mối quan hệ hữu nghị với chính quyền, Nhân dân nước bạn dọc tuyến biên giới, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Thực tế cho thấy, chỉ có những “chiến sĩ áo trắng” mới có thể tiếp cận được những “điểm nóng” để vừa tiến hành y nghiệp, vừa tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào DTTS nắm vững, tin vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những kẻ xấu, thù địch; đồng thời, tô thắm hình ảnh “Người chiến sĩ Quân y” - “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần giữ vững sự bình yên ở vùng phên dậu của Tổ quốc.