Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Trở về với giấc mơ Chapi

Sơn Ngọc - Hoàng Minh - 19:35, 08/11/2023

Phước Bình thuộc huyện vùng cao Bác Ái là một trong những địa phương tiêu biểu của tỉnh Ninh Thuận thực hiện hiệu quả chương trình thu hút đầu tư phát triển du lịch. Mô hình du lịch khám phá Vườn Quốc gia Phước Bình kết hợp văn hóa, di tích lịch sử bẫy đá Pinăng Tắc và vườn cây ăn trái đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách muốn trở về với giấc mơ Chapi.

Anh Katơr Quỳnh (bìa phải) giới thiệu với du khách về hiệu quả kinh tế mô hình trồng bưởi da xanh kết hợp phát triển du lịch ở Phước Bình.
Anh Katơr Quỳnh (bìa phải) giới thiệu với du khách về hiệu quả kinh tế mô hình trồng bưởi da xanh kết hợp phát triển du lịch ở Phước Bình.

Đến với xã vùng cao Phước Bình, chúng tôi ghi nhận nhịp sống mới đang từng ngày phát triển. Bà Katơr Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình chia sẻ: Nhờ thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh Ninh Thuận quan tâm hỗ trợ đưa du lịch xã vùng cao Phước Bình phát triển (Đề án), trong 4 năm (2019- 2022), Đề án nhận được kinh phí đầu tư, hỗ trợ 2.985 triệu đồng để cải tạo và làm mới 60 nhà; xây mới 120 nhà vệ sinh; tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cho 120 hộ dân. Đề án hỗ trợ xây mới 10 căn nhà sàn kiểu mẫu theo chuẩn truyền thống của người Raglai do Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện (kinh phí 100 triệu đồng/căn), tại làng du lịch cộng đồng thôn Hành Rạc 2. Hiện nay đã cơ bản hoàn thành 6 căn đưa vào hoạt động mang tên từ Chapi 1 đến Chapi 6 phục vụ đón khách du lịch từ giữa tháng 6/2023 đến nay.

Anh Katơr Chinh giới thiệu căn nhà sàn mang tên Chapi II phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
Anh Katơr Chinh giới thiệu căn nhà sàn mang tên Chapi II phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.

Cùng với đó, nhiều ngôi nhà sàn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng tạo nên diện mạo nông thôn vùng cao truyền thống, làm lưu luyến bước chân du khách về với làng du lịch Chapi.

Đến thăm vườn bưởi da xanh của gia đình anh Katơr Quỳnh ở thôn Hành Rạc 2, người cựu cán bộ lãnh đạo xã Phước Bình cho biết, từ năm 2016 nay, gia đình anh và bà con xóm làng quyết tâm chuyển đổi cây trồng từ bắp, đậu truyền thống sang trồng cây ăn trái cho thu nhập cao. Anh đầu tư vốn chuyển đổi 1,2ha ruộng gò trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 300 cây bưởi da xanh. Đến cuối năm 2020, cây bưởi da xanh vườn nhà anh Quỳnh bắt đầu cho thu hoạch trên 1 tấn trái, bán cho thương lái với giá trung bình 20 - 25 ngàn đồng/kg. Trong ba năm gần đây, anh Quỳnh thu nhập từ vườn bưởi trên 150 triệu đồng/năm. Đồng thời, anh Quỳnh tiếp tục xuống giống 150 cây sầu riêng trên diện tích 1,5ha, dự kiến cho thu hoạch trong vài năm tới.

 Du khách trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm với chuối mồ côi tại Phước Bình.
Du khách trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm với chuối mồ côi tại Phước Bình.

Anh Katơ Quỳnh chia sẻ: “Bà con làng xóm không thể làm giàu từ cây bắp, cây lúa truyền thống nên mình vận động bà con thôn xóm đoàn kết, giúp nhau trồng cây ăn trái chất lượng cao kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bước đầu mô hình này thu hút đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, mua bưởi da xanh ruột hồng Phước Bình về làm quà cho người thân”.

Anh Katơr Chinh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phước Bình cho biết, từ đầu năm tới nay có trên 6.500 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại khu vực Vườn Quốc gia và làng du lịch cộng đồng Chapi, đạt 90% chỉ tiêu của cả năm 2023. Du khách trải nghiệm được khám phá thiên nhiên tươi đẹp và thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị của người dân địa phương như cơm lam, gà đồi, heo đen, cá sông Cái, rượu cần, rau rừng... Đồng thời thưởng ngoạn và giao lưu với các nghệ nhân biểu diễn chapi, mã la, kèn bầu…

Du khách thích thú trải nghiệm với sinh thái Phước Bình, trở về nơi giấc mơ Chapi.
Du khách thích thú trải nghiệm với sinh thái Phước Bình, trở về nơi giấc mơ Chapi.

Đến với Phước Bình, du khách thực sự thích thú được tận mắt chiêm ngưỡng đàn bò tót lai 12 con với thể trạng cường tráng và bộ lông tươi đẹp được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Phước Bình có những điểm trải nghiệm đặc sắc như rừng nguyên sinh, vườn cây ăn trái, suối Đa Nhông, thác Đá Bàn…

Theo bà Katơr Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình, phát huy những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế kết hợp du lịch sinh thái, trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con đoàn kết chung tay phát triển du lịch cộng đồng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng hệ thống hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch và đào tạo nhân lực làm du lịch cho các tổ, nhóm cộng đồng. Đầu tư tôn tạo, phục dựng di tích bẫy đá Pi Năng Tắc thu hút du khách đến tham quan gắn với khu sinh thái Vườn Quốc gia Phước Bình và các mô hình sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao và trở về nơi giấc mơ Chapi.

Triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tôc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái đã mang đến những cơ hội mới để bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống; khai thác tiềm năng văn hóa, phát triển du lịch tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.


Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.