Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

Những “điểm tựa” ở thôn làng vùng cao Quảng Ngãi

T.Nhân - H.Trường - 06:35, 04/07/2024

Người có uy tín trong đồng bào DTTS được xem là “điểm tựa” vững chắc cho bà con ở các thôn làng. Họ không chỉ là “cánh tay nối dài” để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, mà họ còn là những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, giúp đỡ hộ nghèo cùng vươn lên và giữ gìn văn hoá truyền thống tại địa phương.

Đội ngũ Người có uy tín ở Quảng Ngãi là “điểm tựa” vững chắc cho người dân vùng cao
Đội ngũ Người có uy tín ở Quảng Ngãi là “điểm tựa” vững chắc cho người dân vùng cao

Người có uy tín đi tiên phong

Ở làng Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, ông Đinh Văn Điều (70 tuổi) được xem như “cây cao bóng cả” của thôn làng. Ông là người tiên phong trong việc mở đất để trồng cây ăn trái, nâng cao thu nhập. Không chỉ có vậy, ông Điều còn là một trong những người có nhiều đóng góp trong việc vận động bà con hiến đất để làm các công trình dân sinh.

Năm 2023, khi xã có chủ trương làm nhà văn hóa thôn, nhưng do kinh phí hạn chế, ông đã đứng ra vận động bà con trong làng và người thân hiến hàng trăm m2 đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà văn hóa thôn. “Thời gian đầu, nhiều người còn e ngại vì đụng đến lợi ích của họ. Tuy nhiên, khi mình đến vận động, chia sẻ thì họ cũng dần đồng ý. Hơn nữa, để làm gương, mình vận động con trai mình là Đinh Văn Công trước. Sau khi bàn với gia đình, con trai mình đã tự nguyện hiến 400m2 đất để thực hiện công trình. Bà con sau đó cũng nghe, nhường một phần diện tích đất để công trình khởi công sớm. Quan trọng là mọi người đều thấy việc họ làm có ý nghĩa, ai cũng muốn góp phần nhỏ cho công trình của thôn, xã”, ông Điều cho hay.

Chia sẻ về làm kinh tế hộ gia đình, ông Điều cho rằng, bây giờ làm kinh tế không giống như lúc trước, mà phải học hỏi kinh nghiệm nhiều, những mô hình hay từ khắp nơi trên cả nước thông qua sách, báo và các mạng xã hội. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó ông còn nuôi 20 con bò trị giá hàng trăm triệu đồng. “Mình làm được thì mình chỉ cho người khác làm, để mọi người đều có kinh tế. Khi nghe tin có lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thì mình hăng hái tham gia, rồi chia sẻ cho người thân trong gia đình và bà con cùng làm”, ông Điều bộc bạch.

Còn ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai, huyện Minh Long, anh Đinh Lố là một trong những Người có uy tín luôn hết lòng với người dân. Trước đây, nhận thấy đồng bào Hrê ở thôn rụt rè không dám thay đổi mô hình kinh tế, anh Lố đã tích cực vận động người dân thay đổi để đưa kỹ thuật mới vào phát triển kinh tế. Để làm được như vậy, anh Lố đã mạnh dạn đưa giống lúa mới vào thâm canh đem lại năng suất cao. Cùng với đó, anh đào ao thả cá, nuôi thêm trâu, bò và nhiều gia súc khác. “Bà con cần về kỹ thuật hay cách chăn nuôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ”, anh Lố chia sẻ.

Ông Đinh Văn Sơn, Người có uy tín ở xã Sơn Mùa là một trong những người góp phần gìn giữ tiếng cồng chiêng trên địa bàn huyện Sơn Tây
Ông Đinh Văn Sơn, Người có uy tín ở xã Sơn Mùa là một trong những người góp phần gìn giữ tiếng cồng chiêng trên địa bàn huyện Sơn Tây

Quan tâm, ghi nhận, động viên kịp thời

Theo ông Nguyễn Thế Nhân, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có khoảng 300 Người có uy tín, trong thời gian qua họ đã thực hiện tốt vai trò của mình, là “cầu nối” tin cậy giữa người dân và chính quyền. Chính vì vậy, các chính sách dành cho Người có uy tín luôn được các cấp của tỉnh, địa phương quan tâm. Ban Dân tộc tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực trong thực hiện chính sách này, đã luôn bám sát địa phương, cùng UBND các huyện thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách đối với Người có uy tín.

Người có uy tín không chỉ là sợi dây gắn kết người dân, mà còn luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào tại địa phương; như thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế hay tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, Người có uy tín thường xuyên giúp đỡ các hộ nghèo cách thức phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, họ còn là người đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, như sưu tầm và giữ gìn các làn điệu dân ca, dân vũ phục vụ các lễ hội, Tết cổ truyền của dân tộc...

Cũng theo ông Nhân, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên quan tâm tổ chức các buổi tham quan học hỏi kinh nghiệm, thăm hỏi ốm đau, thăm hỏi gia đình Người có uy tín khi gặp khó khăn. Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những Người có uy tín nhằm động viên họ ngày càng phát huy vai trò của mình, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Những người góp sức bảo vệ môi trường biển ở Bình Định

Những người góp sức bảo vệ môi trường biển ở Bình Định

Với mong muốn góp chút công sức của mình giữ màu xanh cho biển, mỗi tuần, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Tổ trưởng lại cùng các thành viên trong Tổ bảo vệ san hô ở xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn (Bình Định) tổ chức các đợt lặn để vớt rác thải dưới vùng biển gần bờ. Công việc của các anh là tự nguyện, xuất phát từ tình yêu với biển nhằm bảo vệ rạn san hô quý hiếm và góp phần giữ sạch môi trường biển.