Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Từ phá rừng đến bảo vệ rừng - Hành trình đi ra ánh sáng của Điểu Long

Lê Thuận - Thanh Trúc - 11:22, 23/09/2021

Điểu Long, dân tộc Xtiêng- người từng nổi tiếng với việc tàn phá những cánh rừng ở Bù Gia Mập (Bình Phước), nay đã "gác kiếm", hoàn lương. Trước đây, Điểu Long phá rừng để lo cái ăn, cái mặc, kiếm sống qua ngày. Nay anh “trả nợ” cho rừng bằng cách tham gia chăm sóc, bảo vệ để hơn 25.600 ha rừng không bị tàn phá.

"Trùm" phá rừng Điểu Long nay đã hoàn lương
"Trùm" phá rừng Điểu Long nay đã hoàn lương

Ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), chỉ cần nhắc đến Điểu Long thì ai cũng biết. Dù rất nổi tiếng, nhưng anh vẫn ngại tiếp xúc với báo chí, nên chúng tôi phải nhờ Người có uy tín giới thiệu, và phải qua nhiều cuộc hẹn thì mới gặp được “trùm” phá rừng một thời.

Phá rừng khét tiếng

Điểu Long sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, học đến lớp 2 phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Vì cuộc sống khó khăn, lại ở vùng sâu, vùng xa, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nên khi 15 tuổi, Điểu Long khi nghỉ học, lang thang cùng chúng bạn rồi gia nhập “đội quân” phá rừng. 

Ban đầu, anh theo chân các bậc cha chú đi vào rừng hái lượm, phá rừng để trồng cây lương thực. Từng năm, từng năm, từ vài ba sào đến hàng ha rừng cứ dần biến mất. Sau khi phá rừng khai thác, trồng bắp, trồng đậu, trồng lúa ngắn ngày đến khi đất bạc màu, cỏ tranh mọc nhiều, thì Điểu Long lại cùng anh em đi phá chỗ khác. Suốt mấy chục năm phá rừng nên anh thuộc từng khu rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Bù Gia Mập .

“Hồi đó tôi đi phá rừng chỉ để trồng lúa, mì, bắp… kiếm cái ăn cho gia đình bớt đói. Sau đó, vào sâu trong rừng mới khai thác gỗ lớn làm nhà. Lúc khai thác gỗ lớn, tôi thấy nhiều người đem bán kiếm tiền, tôi cũng bắt chước tìm những cánh rừng có nhiều gỗ quý phá mang bán. Có khi cần tiền, tôi đi phá rừng thuê, ai thuê đâu phá đó, thuê gì phá nấy. Có những thời điểm khai phá được rất nhiều gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ, bán tiền nhiều lắm, nhưng cũng chẳng giữ lại được bao nhiêu”, Điểu Long nhớ lại.

Theo Điểu Long, dụng cụ phá rừng hồi đó chỉ bằng cưa tay, rựa, chứ chưa có cưa máy. Cưa tay thì mệt lắm nhưng không phát ra tiếng động lớn nên rất khó phát hiện. Có những cây gỗ lớn phải cưa ngày cưa đêm, nhiều ngày mới xong. Cây đổ xuống thì lại cưa thành từng khúc rồi rình lúc vắng vẻ, không có người mới đưa ra bờ sông tập kết, rồi lấy xe trâu, xe máy mang đi bán.

Chúng tôi hỏi “Điểu Long có biết phá rừng là vi phạm pháp luật hay không?". Điểu Long ngưng trong giây lát rồi gật đầu. Trong suốt hàng chục năm phá rừng, vận chuyển gỗ lậu, săn bắt thú rừng, Điểu Long đã nhiều lần bị lực lượng thuộc các cơ quan chức năng vây bắt. Tuy nhiên, với khả năng thuộc nằm lòng những cánh rừng cộng với biệt tài của mình, Điểu Long luôn thoát khỏi lực lượng chức năng bảo vệ rừng. Nhiều phen Điểu Long chỉ còn cách lực lượng tuần tra rừng vài mét mà vẫn trốn thoát một cách ngoạn mục.

“Có lần phá xong 4, 5 cây giáng hương to cổ thụ để lại khoảng trống lớn trong rừng nên các cán bộ Kiểm lâm đi tuần tra phát hiện. Khi Kiểm lâm vào hiện trường, chúng tôi bỏ chạy thục mạng, lao xuống núp bụi bờ, chờ đến khi đêm tối mới dám quay lại. Canh chừng kiểm lâm cả tuần lễ, đêm tối chúng tôi mới lấy đi được vài khúc gỗ đem bán”, Điểu Long kể lại một trong rất nhiều tình huống mà anh đã trải qua.

“Gác kiếm hoàn lương”

Ngoài phá rừng, Điểu Long còn vận chuyển, gùi gỗ lậu từ rừng sâu ra ngoài. Công việc rất mệt, nguy hiểm nhưng miếng cơm, manh áo và đồng tiền thu được cao nên Điểu Lonng bất chấp vẫn lao vào làm.

Sau nhiều lần chứng kiến những người trong nhóm bị bắt giam, bị tù tội, Điểu Long đã quyết định “gác kiếm hoàn lương”.  “Giờ đây tôi thấy việc phá rừng, săn bắt thú là có tội với thiên nhiên. Cứ mỗi cây rừng cổ thụ bị chặt phá, máu của rừng bị chảy, thì rừng già sẽ không còn nữa, kéo theo đó là bao hệ lụy như thiếu nước, thiên tai lũ bão ập về ...”, Điểu Long trần tình.

Điểu Long vận động bà con cùng tham gia bảo vệ rừng
Điểu Long (áo trắng) cùng cán bộ kiểm lâm đến từng nhà vận động bà con cùng tham gia bảo vệ rừng

Thời gian đầu "hoàn lương", Điểu Long ở nhà không biết làm gì, lại theo chúng bạn vướng vào thói hư, tật xấu, rồi sa đà vào nhậu nhẹt. Cuối cùng anh thấy nhớ rừng, nhưng đã quyết tâm "gác kiếm" nên cuối năm 2006, Điểu Long quyết định xin đi bảo vệ rừng, với mong muốn “trả nợ cho rừng”.

Qua sự giới thiệu của Điểu Hân, Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Điểu Long được nhận vào làm việc tại cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Trước đây, khi là người phá rừng, Điểu Long từng nhiều lần chạm mặt với Điểu Hân là người bảo vệ rừng. Giờ đây, hai người trở nên thân thiết, cùng dìu dắt nhau bảo vệ những cánh rừng còn lại không bị tàn phá, góp phần giữ màu xanh của rừng.

Theo anh Điểu Long, bình quân mỗi người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thu nhập bình quân 2 - 2,5 triệu đồng/tháng (trung bình 1 tháng mỗi người đi tuần tra bảo vệ rừng 10 ngày). Người đồng bào DTTS còn được hỗ trợ tiền tham gia bảo vệ rừng từ Chính phủ, nên mỗi quý được nhận lương từ 8 - 10 triệu đồng/người.

Sau khi trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, Điểu Long còn vận động bà con đồng bào trong vùng từ bỏ phá rừng, săn bắt thú. Theo ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập, từ khi Điểu Long cùng bà con tham gia bảo vệ, tuần tra rừng, hơn 25.600ha rừng của Vườn quốc gia Bù Gia mập đã được giao cho các cộng đồng thôn bản trên địa bàn nhận khoán. "Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, cháy rừng, săn bắt thú… đã giảm hẳn. Mỗi năm chỉ còn một vài vụ lẻ tẻ, quy mô nhỏ, không gây thiệt hại cho rừng”.

Hơn 20 năm phá rừng, Điểu Long cảm thấy mình có tội lỗi với rừng. Gần 15 năm tham gia bảo vệ rừng, anh trả ơn đời, trả nợ với rừng xanh. Giờ đây Điểu Long đã có cuộc sống bình yên, an tâm giữ rừng, tăng gia lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình. 

Tin cùng chuyên mục
Mưa dông ở miền Bắc sẽ kéo dài đến khi nào?

Mưa dông ở miền Bắc sẽ kéo dài đến khi nào?

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên đợt nắng nóng nhiều ngày qua ở miền Bắc đã chấm dứt, trời chuyển mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Dự báo, mưa dông sẽ kéo dài ở miền Bắc đến ngày 4/5, sau đó sẽ quay trở lại những ngày nắng nóng.