Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

“Tú vọoc” và sự sinh tồn của đàn vọoc quý hiếm

Khánh Ngân - 18:40, 15/08/2021

“Tú vọoc” là cái tên thân thương mà người dân địa phương và cả nhiều nhà khoa học thường dùng để gọi cựu binh Nguyễn Thanh Tú, sinh năm 1962, tại thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đã 10 năm về hưu, cũng gần chừng ấy năm ông Tú gắn bó với việc bảo vệ sự sinh tồn của đàn vọoc đen quý hiếm.

Cựu binh Nguyễn Thanh Tú trên hành trình đi bảo vệ đàn Vọoc
Cựu binh Nguyễn Thanh Tú là người tiên phong tự nguyện bảo vệ đàn vọoc quý

"Duyên nợ" với đàn vọoc 

Không biết là tình cờ hay có duyên mà tôi biết đến “facebook Tú Vọoc”. Hình ảnh người đàn ông với nước da ngăm đen, rắn rỏi khi ngồi trên những vách đá dựng đứng, khi lại đưa ống nhòm về phía đỉnh lèn, cả hình ảnh đàn vọoc đen trên facebook khiến tôi vô cùng tò mò. Vậy là một cuộc hẹn giữa tôi và “Tú vọoc” đã được thiết lập.

Xuất phát từ TP. Đồng Hới (Quảng Bình) khi trời còn chưa tỏ mặt người, vượt hơn 100km, tôi đến thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện vùng cao Minh Hóa. Bao quanh thôn Thiết Sơn và những dãy núi đá vôi là thượng nguồi Sông Gianh, cảnh sắc như một bức tranh sơn thủy.

Căn nhà của vợ chồng “Tú voọc” nằm cuối thôn, nép mình dưới những dãy núi đá vôi dựng đứng. Ngôi nhà đơn sơ nhưng thoáng mát, sau lời giới thiệu “bạn facebook” ông Nguyễn Thanh Tú đã nhận ra tôi. 

Trước khi được mọi người gắn cho cái tên thân thương “Tú Vọoc”, Nguyễn Thanh Tú đã có gần 30 năm phục vụ trong lực lượng Bộ đội Biên Phòng, nghỉ hưu theo chế độ với quân hàm Trung Tá.

"Tú vọoc” bảo, các cụ cao niên kể lại rằng, khi đất nước còn chiến tranh, người dân địa phương vẫn thấy nhiều vọoc (trước đây gọi là vượn) xuất hiện ở vùng núi đá vôi xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình và một số xã lân cận. Nhưng khi đất nước hết chiến tranh, nạn săn bắn thú rừng của người dân đã làm cho số lượng vọoc nói riêng giảm mạnh, số còn lại di cư vào rừng sâu nên người dân không còn thấy vọoc xuất hiện nữa.

"Đầu năm 2013, sau cả buổi sáng phát nương trồng rừng ở chân lèn Cây Gạo thuộc vùng rừng núi Thiết Sơn, lúc ngồi nghỉ, tôi bất ngờ phát hiện đàn voọc 8 - 9 con đang kiếm ăn ở gần đó. Lúc trong quân ngũ, tôi từng có 16 năm công tác tại các vùng rừng núi biên giới của tỉnh Quảng Bình, và từng được tập huấn, nhận diện và bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có loài voọc. Vậy nên, khi thấy chúng toàn thân đen tuyền, hai má lại trắng, tôi biết ngay đó là loài voọc quý đang có nguy cơ bị tuyệt chủng”, ông Tú kể lại.

Cựu binh "Tú vọoc” kể tiếp, khi đó, được tận mắt nhìn thấy đàn vọoc bình yên kiếm ăn, lại biết được đây là loài động vật hết sức quý hiếm, nhưng lại đang bị con người de dọa, có nguy cơ tuyệt chủng, tôi chợt nghĩ không biết lmình có duyên với vọoc đen gáy trắng hay vọoc quý gặp được "cứu tinh". Chỉ biết là, sau đó ông gắn liền với công việc bảo vệ, chăm sóc vọoc rồi có cái tên thân thương “Tú vọoc” còn đàn vọoc thì được bình yên, sinh sôi nảy nở.

Tình nguyện bảo vệ

Khi phát hiện vùng núi đá vôi nơi mình sinh sống có đàn vọoc, ông Tú đã kể cho mọi người trong gia đình mình nghe, đồng thời nói rõ nguyện vọng là được bảo vệ đàn vọoc khỏi những tay thợ săn…. Nguyện vọng của ông được gia đình, đặc biệt là bố vợ rất ủng hộ. 

Sau đó, là cả hành trình miệt mài “Tú vọoc” len lỏi khắp các vách núi, đến tận nhà vận động thợ săn vọoc giải nghệ, rồi kêu gọi bà con cùng chung tay bảo vệ đàn vọoc quý.

Vùng núi đá vôi ở xã Thạch Hóa là nơi thứ 2 ở nước ta ghi nhận sự tồn tại của Vọoc đen má xám quý hiếm
Vùng núi đá vôi ở xã Thạch Hóa là nơi thứ 2 ở nước ta ghi nhận sự tồn tại của Vọoc đen má xám quý hiếm

Bằng sự hiểu biết của mình “Tú vọoc” đã giải thích cho bà con và những người thợ săn biết, những đàn vượn xuất hiện ở trên những dãy đá vôi ở xã Thạch Hóa, là loài vọoc đen gáy trắng cực kỳ quý hiếm đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Ai săn bắt, nuôi nhốt và tiêu thụ là vi phạm pháp luật, với cách giải thích dễ hiểu, chân thành. Dần dần đã thuyết phục được bà con, nhiều gã thợ săn cũng bỏ nghề, theo anh bảo vệ đàn vọoc.

Anh Nguyễn Văn Hồng, ở xã Đồng Hóa, chia sẻ: “Tú, nó dai lắm, cách đây gần 10 năm, chính nó thuyết phục được tôi bỏ cái nghề mưu sinh đang nuôi tôi, nuôi gia đình tôi từ lâu (nghề đi săn- pv). Không những bỏ nghề, nó đã làm cho tôi phải suy nghĩ và tự hứa với nó là chung tay bảo đàn vọoc. Sau tôi là anh Sửu, anh Nam…những thợ săn lâu năm cũng bỏ nghề để cùng nhau bảo vệ và chăm sóc đàn vọoc”.

“Tú vọoc” đi núi nhiều hơn, ông len lỏi vào các lèn đá với mong muốn sẽ tìm thêm được những đàn voọc. Đồng thời, theo dõi để ngăn chặn những người đi săn hoặc có ý định xâm hại đến đàn vọoc. 

Trước nhiệt tâm bảo vệ đàn vọoc của cựu binh Nguyễn Thanh Tú, những người dân sống gần khu vực lèn đá có vọoc thường xuất hiện cũng làm theo, chung tay với ông bảo vệ vọoc quý. Từ một mình leo lèn, vào rừng bảo vệ đàn vọoc, đến nay nhóm bảo vệ vọoc của ông Nguyễn Thanh Tú đã thu hút được 14 thành viên tham gia. Các thành viên ở các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa và xã Sơn Hóa. Không chỉ bảo vệ, nhóm còn chăm sóc, cấp nước cho đàn vọoc vào những ngày hè nắng hạn…

Khi được ông Tú phát hiện lần đầu (2013), ở vùng núi đá vôi xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, chỉ có khoảng 10 cá thể vọoc. Nhờ được bảo vệ, chăm sóc, môi trường sống được cải thiện, đến nay vọoc đen gáy xám ở đây đã có trên 10 đàn với 150 cá thể. 

Để bảo vệ, cũng như tạo ra môi trường tốt nhất cho loài vọoc quý hiếm này phát triển, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, đã quy hoạch khu vực hơn 509 ha có voọc sinh sống thành rừng đặc dụng. Thí điểm giao rừng cộng đồng gắn liền với giao đất và thành lập "Nhóm bảo tồn cộng đồng tự nguyện khu vực rừng đặc dụng huyện Tuyên Hoá" để người dân có đủ cơ sở pháp lý bảo vệ rừng cũng như bảo tồn voọc đen gáy trắng trong khu vực.

Loài voọc đen gáy xám này có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc nhóm IB. đây là loài vọoc cực kỳ quý hiếm, nguy cấp trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới. Hiện nay trong tự nhiên ở nước ta chỉ còn khoảng 1.500 cá thể, ngoài khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) là nơi thứ hai ghi nhận loài vọoc này tồn tại và sinh sống.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Tỉnh Quảng Nam vừa đưa vào hoạt động Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước. Đây là hoạt động triển khai thực hiện Đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 - Chung sống hài hòa với thiên nhiên; đồng thời hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” và Ngày Quốc tế Bảo tàng 2024 - “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”.