Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tuổi trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

PV - 15:09, 10/03/2023

Cùng với thực hiện phong trào “Thanh niên lập thân lập nghiệp”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, các công trình, phần việc thanh niên, Đoàn xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, tỉnh Lai Châu còn tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Khu trải nghiệm làm còn và thêu khăn piêu
Khu trải nghiệm làm còn và thêu khăn piêu

Chị Lừ Thị Hương, Bí thư Đoàn xã cho biết: Đoàn xã đã tổ chức giao lưu văn nghệ, giao hữu các môn thể thao truyền thống; tổ chức gặp các nghệ nhân, Người có uy tín trong bản để tìm hiểu về văn hóa, bản sắc dân tộc. Đồng thời, tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt chi đoàn; thành lập các nhóm trên mạng xã hội để trao đổi, chia sẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Tham dự gặp gỡ thành viên CLB hát Thái xã Chiềng Khoi để tìm hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, chúng tôi được các nghệ nhân giới thiệu về hoa văn trên chiếc khăn piêu; nghề dệt vải, đan lát truyền thống và dạy hát tiếng Thái, thổi khèn bè.

Em Mè Thị Kim Ngân, học sinh lớp 7A1, Trường tiểu học - THCS Chiềng Khoi, chia sẻ: Em rất thích nghe các làn điệu khắp thái mà các bà biểu diễn trong các dịp lễ, tết. Tham gia gặp gỡ các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa Thái do các anh chị đoàn viên, thanh niên tổ chức giúp em có thêm kiến thức về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Em mong rằng, các anh chị sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, bổ ích cho chúng em tham gia.

 Nghệ nhân truyền dạy bài múa khèn trên cột cho học sinh Trường THCS Vân Hồ, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ
Nghệ nhân truyền dạy bài múa khèn trên cột cho học sinh Trường THCS Vân Hồ, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. (Ảnh MH)

Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên trong xã còn tích cực tập luyện các điệu xòe, sưu tầm các nhạc cụ dân tộc, như trống, chiêng, khèn bè, để biểu diễn trong các dịp lễ, tết, đám hỷ, mừng nhà mới. Đồng thời, khuyến khích đoàn viên thanh niên tại các chi đoàn duy trì thêu khăn piêu, giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc. Chị Lò Thị Diên, Chi đoàn bản Hiêm, chia sẻ: Tôi đã học được từ bà và mẹ kỹ thuật thêu khăn piêu từ năm lên 8 tuổi. Mỗi người con gái Thái khi chuẩn bị đến tuổi lập gia đình, nhà gái phải chủ động dệt vải, thêu thùa, mua váy, khăn đội đầu, chăn, gối, đệm, để làm quà tặng gia đình nhà trai. Trong đó, phải cần tới 30 chiếc khăn piêu, nên tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi trên nương hoặc sau bữa cơm để thêu khăn. Trung bình mỗi tháng tôi hoàn thành từ 1-2 chiếc khăn. Ngoài “để dành” cho lễ cưới của mình sau này, tôi còn bán cho các chị em có nhu cầu để có thêm thu nhập.

Hiện nay, xã Chiềng Khoi có 10 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Điều này thuận lợi cho Đoàn xã trong phối hợp với các CLB, nghệ nhân trong xã tổ chức các lớp dạy thêu khăn piêu, dạy chữ thái cho thanh, thiếu nhi.

Với những hoạt động cụ thể, đoàn viên thanh niên xã Chiềng Khoi đã phát huy tinh thần xung kích, nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần lưu truyền, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.