Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vai trò của chức sắc Bàlamôn trong cộng đồng người Chăm

Bá Minh Truyền - 10:47, 05/09/2024

Ninh Thuận là địa phương có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất trong cả nước. Toàn tỉnh có 22 làng Chăm truyền thống, trong đó có 15 làng người Chăm Bàlamôn, còn lại là các làng Chăm Bàni và Islam. Trong cộng đồng người Chăm Bàlamôn có các chức sắc là những bậc tu hành, hướng dẫn tín đồ thực hành đức tin và các tập tục tín ngưỡng, tôn giáo. Chức sắc được xã hội, cộng đồng tôn kính, quý trọng. Họ là bậc trí thức, truyền bá chữ Chăm Akhar Thrah, bảo tồn, gìn giữ các phong tục tập quán, đồng thời là Người có uy tín làm “cầu nối” giữa chính quyền với cộng đồng.

Phó Cả sư Lưu Sanh Thanh (bên phải) đọc kinh trên đền tháp Po Klaong Garai.
Phó Cả sư Lưu Sanh Thanh (bên phải) đọc kinh trên đền tháp Po Klaong Garai

Nỗ lực truyền bá chữ Chăm và lịch pháp

Phó Cả sư Lưu Sanh Thanh quản lý khu vực đền tháp Po Klaong Garai ở phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Ông thường xuyên trau dồi kinh kệ, thực hành xướng kinh trên đền tháp vào dịp Lễ hội Yuer Yang, đồng thời tích cực hướng dẫn các chức sắc thực hành nghi lễ, sưu tầm các bài kinh cúng lễ, những lời răn dạy, những điều cấm kỵ dành cho chức sắc. Phó cả Lưu Sanh Thanh còn tích cực truyền bá chữ viết Akhar Thrah trong cộng đồng cho những người có nhu cầu học tiếng Chăm để đọc các văn bản chép tay đang lưu trữ trong các gia đình. Vì vậy, chữ viết người Chăm được truyền dạy trong tầng lớp chức sắc và cộng đồng Chăm.

Phó Cả sư Lưu Sanh Thanh cho biết, lịch pháp có vai trò rất quan trọng trong đời sống lao động và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Lịch pháp không chỉ sử dụng để tính vụ mùa trong sản xuất nông nghiệp mà còn sử dụng thường ngày để tính ngày tốt, ngày xấu, mua sắm tài sản, cúng đất, dựng nhà, cưới hỏi, tang ma, lễ hội… Chính vậy, hàng trăm năm qua, lịch pháp luôn là vấn đề được cộng đồng Chăm nêu ra và bàn luận. Ngày nay, lịch pháp của người Chăm vẫn còn là đề tài để bàn luận. Các vùng cư trú của người Chăm Phan Rang (Panrang), Tuy Phong (Kraong), Phan Rí (Parik), Ma Lâm (Pajai), Tánh Linh (Pacam), Bhummi (Phò Trì, Hàm Tân) chưa có sự thống nhất trong việc sử dụng lịch pháp. Mỗi khu vực sinh sống của người Chăm có cách tính lịch khác nhau, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất.

Các chức sắc Chăm Bàlamôn trên đường đi hành lễ.
Các chức sắc Chăm Bàlamôn trên đường đi hành lễ

Tại Ninh Thuận, lịch Chăm do địa phận đền tháp Po Klaong Garai ban hành, xuất bản lưu hành trong cộng đồng người Chăm. Theo chu kỳ 3 năm/lần, trong tuần lễ Suk Yeng, các chức sắc Bàlamôn, đại diện Cả sư đến Thánh đường Bini (Sang Magik Awal) thảo luận với chức sắc Po Acar, Po Gru xây dựng lịch Chăm nhằm mục đích để ngày cúng lễ Katê và Ramâwan không trùng nhau.

Với tư cách là Thư ký Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận, Phó Cả sư Lưu Sanh Thanh nhận thức rõ trách nhiệm đoàn kết dân tộc, thực hiện việc tham mưu cho Cả sư ban hành lịch pháp hằng năm. Do đó, lịch pháp người Chăm đã ổn định, được cộng đồng tiếp nhận, thực hành trong đời sống và tổ chức lễ hội.

Các chức sắc Pasaih đang viết kinh lá buông.
Các chức sắc Pasaih đang viết kinh lá buông

Bảo tồn lễ tang của người Chăm

Cả sư Hán Dậu quản lý đền thờ Po Ina Nagar ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Với vai trò là thành viên của Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận, Cả sư Hán Dậu hướng dẫn những tín đồ thực hành tang lễ theo phong tục tập quán, không làm ảnh hưởng đến môi trường sống.

Người Chăm Bàlamôn khi chết đi sẽ được chôn tạm, sau đó mới cải táng để làm lễ hỏa táng. Trước khi làm lễ hỏa táng, gia đình sẽ bàn bạc với trưởng tộc đi đến gặp Cả sư để xin phép làm lễ hỏa táng cho người quá cố. Cả sư xem lịch, xem ngày và thông báo cho gia đình chuẩn bị những lễ vật, đồ dùng phục vụ nghi lễ hỏa táng. Đến ngày hẹn, Cả sư phân công cho các chức sắc Pasaih đến thực hiện lễ hỏa táng. Mỗi chức sắc có vị trí, vai trò đảm nhận từng nhiệm vụ khác nhau với hàng loạt các chuỗi nghi lễ.

Cả sư Hán Dậu (bên trái) đang thực hành lễ cúng tại đền thờ Po Ina Nagar.
Cả sư Hán Dậu (bên trái) đang thực hành lễ cúng tại đền thờ Po Ina Nagar

Trong 4 ngày thực hiện lễ hỏa táng, chức sắc Bàlamôn trực tiếp có mặt tại nhà tang lễ hướng dẫn gia đình chuẩn bị lễ vật và thực hành các nghi lễ tôn giáo. Quá trình hỏa táng, chức sắc sẽ lấy phần xương vùng trán 9 miếng bằng đồng xu đem về nhà bàn giao cho gia đình người quá cố bảo quản để sau này làm lễ nhập Kut. Thời gian chờ đợi đến nghi lễ nhập Kut, một người quá cố còn trải qua nhiều nghi lễ giỗ như: Giỗ ở trên rừng hoặc tại nhà, Giỗ đầy tháng, Giỗ đầy năm. Các nghi lễ giỗ nêu trên đều do chức sắc Bàlamôn tiến hành dâng lễ vật.

Lễ hỏa táng của người Chăm
Lễ hỏa táng của người Chăm

Cả sư Hán Dậu thường xuyên thực hành lễ hỏa táng, lễ nhập Kut và các lễ cúng của cộng đồng Chăm. Ngoài ra, Cả sư còn đào tạo nhiều Pasaih trẻ để hình thành một lớp chức sắc tham gia các công việc tôn giáo, tín ngưỡng, phục vụ lễ hỏa táng cho cộng đồng. Bên cạnh đó, Cả sư Hán Dậu còn tích cực tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị về vấn đề thực hiện chính sách tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, tham gia công tác tuyên truyền, vận động giữ gìn an ninh trật tự, góp phần gìn giữ cuộc sống bình yên ở các làng Chăm.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.