Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Văn hóa Dao Tiền ẩn chứa trên chiếc túi đựng trầu

PV - 14:21, 24/08/2020

Trong bộ trang phục truyền thống lấp lánh ánh bạc, bà Bàn Thị Hoa, người Dao Tiền, xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cùng với chị em chuẩn bị tham dự một nghi lễ quan trọng của dòng họ. Trên vai bà là vật dụng bất ly thân – túi trầu. Chiếc túi tuy nhỏ nhưng lại hàm chứa nhiều điều thú vị về văn hóa của người Dao nói chung, người Dao Tiền nói riêng.

Ngoài tính hữu dụng đựng đồ dùng, túi trầu của người Dao Tiền còn có giá trị như một thứ đồ trang sức. Ảnh: Bích Nguyên
Ngoài tính hữu dụng đựng đồ dùng, túi trầu của người Dao Tiền còn có giá trị như một thứ đồ trang sức. Ảnh: Bích Nguyên

Cho đến ngày nay, người Dao Tiền sinh sống ở Cao Bằng vẫn còn giữ gìn, duy trì được nhiều nét văn hóa cổ truyền trong đời sống thực tại. Đó là tục ăn trầu, tự khâu, thêu trang phục truyền thống và cả những nghi lễ cực kỳ quan trọng của vòng đời như lễ Cấp sắc, lễ Tẩu sai... Để thuận tiện cho việc ăn trầu, phụ nữ Dao Tiền nghĩ ra việc may chiếc túi đựng trầu và luôn mang bên mình. Với họ, chiếc túi nhỏ không chỉ là đồ dùng quen thuộc để đựng trầu cau, mà còn được coi như trang sức làm đẹp và phần nào biểu thị vị thế, giá trị của người phụ nữ. Nhưng vượt trên tất cả những điều đó là chiều sâu giá trị văn hóa của người Dao Tiền ẩn chứa trong mỗi họa tiết hoa văn trên chiếc túi.

Buổi sáng hôm đó, dưới mái hiên nhà, bà Hoa cùng những người phụ nữ khác trong họ ngồi quây quần bên nhau cặm cụi khâu, thêu khăn, áo mới phục vụ cho lễ Tẩu sai. Thỉnh thoảng, họ lại pha trò rồi cười vui vẻ. Hoàn thành những mũi kim thêu cuối cùng cho chiếc khăn đội đầu, bà Hoa cười mãn nguyện, lộ rõ hàm răng đen nhánh hạt na – một trong những tiêu chí đánh giá vẻ đẹp và cái duyên của phụ nữ Dao Tiền theo truyền thống từ xa xưa.

Bà mở chiếc túi đeo trên vai lấy một miếng trầu bỏ vào miệng. Tôi ngắm chiếc túi không chớp mắt bởi nó quá đẹp. Bà Hoa thấy vậy, tháo chiếc túi ra khỏi người đưa cho tôi xem. Bà bảo rằng, chiếc túi này do tự tay bà làm và đã gắn bó với bà được gần chục năm nay rồi.

Túi trầu của bà Hoa được làm rất cầu kỳ và giá trị vật chất của chiếc túi cũng không hề nhỏ, bởi số lượng bạc trang trí bên ngoài rất nhiều. Khi buộc chặt, chiếc túi có hình giống múi bưởi. Thoạt nhìn, ai cũng tưởng túi nhỏ, kỳ thực đựng được khá nhiều thứ. Tôi mở túi ra, trong túi có trầu cau, hộp kẽm nhỏ đựng vôi, chìa khóa nhà và cả tiền. Túi được làm bằng vải chàm, hình chữ nhật, có đáy rộng. Miệng túi có đường khâu viền đủ rộng để luồn hai sợi dây đeo. Khi kéo hai đầu dây về hai bên, miệng túi sẽ thít lại. Phụ nữ Dao Tiền trang trí túi đựng trầu rất kỳ công.

“Trước kia, chúng tôi tự tay dệt vải, nhuộm chàm, bây giờ thì mua vải ngoài chợ. Đầu tiên phải cắt vải, khâu đáy túi, chiều dài đáy túi khoảng 1 gang tay. Túi được khâu theo hình múi bưởi. Nhìn đường chỉ khâu tay và những đường thêu trên túi là biết người làm khéo tay đến đâu” – bà Hoa vui vẻ chia sẻ.

Công đoạn mất nhiều thời gian nhất là thêu những đường hoa văn lớn trên túi. Việc này đòi hỏi sự cần mẫn, kiên trì của người phụ nữ. Thông thường, túi trầu được thêu 3 đường hoa văn lớn. Bên cạnh túi là một dây tua rua ngắn. Sau khi thêu đường hoa văn xong, người ta sẽ đính đồ bạc lên trên túi. Đây cũng là điểm nhấn nổi bật của túi trầu. Phụ nữ Dao thường đính những miếng bạc tròn với hoa văn được dập nổi cầu kỳ, theo cách nói của bà Hoa, đó là những chiếc hoa bạc.

Tôi đếm được trên chiếc túi của bà Hoa có 22 chiếc hoa bạc. Túi trầu được nối với bộ đồ dùng bằng bạc qua một sợi dây vải. Bà Hoa đeo lại chiếc túi lên người, rồi giới thiệu với tôi: “Bộ đồ bạc gồm que ngoáy tai, một con dao nhỏ, cái nhíp, một, hai chiếc nhạc nhỏ và một vài đồng xu nữa”.

Như nhiều phụ nữ đồng niên, bà Hoa được mẹ dạy kỹ thuật khâu, thêu từ thời niên thiếu. Khi đã thuần thục đường kim, mũi chỉ, bà tự may quần áo cho mình. Chiếc túi trầu cũng do bà tự tay làm. “Ngày trước, chúng tôi tự chế tác những chiếc hoa bạc để đính lên túi. Bây giờ, mọi thứ đều có bán sẵn nên rất tiện. Làm một chiếc túi nhanh hơn rất nhiều, chỉ khoảng 1-2 ngày. Ngoài chợ cũng bán túi trầu, nhưng tôi vẫn thích tự tay làm” - bà Hoa nói. Hỏi về ý nghĩa hoa văn trang trí trên túi trầu, bà Hoa cười, đáp rằng: “Ngày xưa, mẹ dạy làm thế nào thì làm thôi”.

Khẳng định về giá trị của chiếc túi đựng trầu của phụ nữ Dao, Tiến sĩ nhân học Bàn Tuấn Năng cho biết: “Túi trầu vừa là trang sức, vừa là túi đồ để đựng nhiều vật dụng khác nhau, như là trầu cau, thuốc cảm khi đi rừng của phụ nữ Dao. Hệ thống trang trí trên túi là ký ức văn hóa chứ không phải mang ý nghĩa trang trí đơn thuần, nó thể hiện thế giới quan của người Dao. Trên túi trầu còn có hình con cá, điều đó gợi nhớ về nguồn gốc của tộc người này”.

Theo nghiên cứu của nhiều học giả, khởi thủy, lịch sử tộc người Dao trong những buổi đầu sơ khai gắn với vùng sông nước, đặc biệt là gắn với châu thổ sông Hoàng Hà. Bông hoa bạc trên đó có hình ngôi sao 8 cánh là tượng trưng cho 4 phương 8 hướng của trời đất. Đề cập đến thực tế, không nhiều người Dao biết về ý nghĩa của hoa văn trang trí trên đồ dùng của mình, dù họ làm rất thuần thục.

Tiến sĩ nhân học Bàn Tuấn Năng, hiện đang công tác tại Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, người chuyên nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số lý giải: “Trong quá trình di cư, người Dao mang theo văn hóa truyền thống. Lâu dần, văn hóa bị mờ đi, họ hành xử theo thói quen chứ không tìm hiểu, ghi nhớ lại ý nghĩa. Ví như việc thêu thùa, phụ nữ Dao thường truyền dạy cho con gái kỹ năng thêu, khâu các hình trang trí thuyền thống và họ làm theo thói quen là chính, đa phần không chú trọng tìm hiểu, không giải thích được ý nghĩa của nó”.

Bây giờ, việc ăn trầu không còn phổ biến trong lớp trẻ, chiếc túi đựng trầu truyền thống của người Dao không còn xuất hiện nhiều trong cuộc sống hiện đại. Sẽ là sự tiếc nuối lớn nếu mai này, không ai còn nhìn thấy, không ai còn biết chế tác túi trầu và còn hiểu về những giá trị văn hóa ẩn chứa trong đó nữa.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội "Bun Vốc Nặm" của người Lào ở Lai Châu

Lễ hội "Bun Vốc Nặm" của người Lào ở Lai Châu

Dân tộc Lào ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là cộng đồng dân cư sinh sống chủ yếu ở ven các con suối, những nơi có nhiều nước, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Dân số không đông nhưng đời sống văn hóa tinh thần của người Lào có nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu của người Lào là "Bun Vốc Nặm"- lễ hội té nước được tổ chức vào cuối mùa Xuân với mong ước, cầu mưa thuận, gió hòa một vụ mùa mới bội thu…