Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về Ia Piar chung vui Lễ báo hiếu với đồng bào Gia Rai

Ngọc Thu - 10:32, 21/03/2022

Lễ báo hiếu cha mẹ là một nét văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời của dân tộc Gia Rai ở tỉnh Gia Lai. Đây là lễ cúng được những người con thực hiện duy nhất một lần trong đời để cảm tạ công ơn sinh thành, dưỡng dục đối với cha mẹ mình.

Lễ cúng báo hiếu thường được những người con dân tộc Gia Rai tổ chức trong mùa Xuân
Lễ cúng báo hiếu thường được những người con dân tộc Gia Rai tổ chức trong mùa Xuân

Tháng 2, vào thời điểm nông nhàn của người Gia Rai, trên cao nguyên Gia Lai là lúc diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống. Lễ báo hiếu cũng thường được những người con dân tộc Gia Rai tổ chức vào dịp này.

Ghè rượu là một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ báo hiếu
Ghè rượu là một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ báo hiếu

Khi mặt trời chưa ló rạng, chị Nay H’Đaih, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện đã chuẩn bị tươm tất mọi công việc, lễ vật  để tổ chức lễ báo hiếu nhằm cầu mong sức khỏe, bình an cho cha mẹ Ksor Kla và Nay H’Nim của mình.

 Lúc này, con cháu, họ hàng, bà con trong buôn cũng đã tập trung về đông đủ tại nhà chị Nay H’Đaih để cùng chung tay chuẩn bị cho nghi lễ thêm phần chu đáo.

Ngoài sân, nhóm thanh niên đang xẻ thịt con heo. Sau đó, chia phần đầu, chân, đuôi và đặt trang trọng trong một cái rổ lớn có lót lá chuối để chuẩn bị cúng thần linh. Trong nhà, gà và rượu ghè cũng đã được đặt ngay ngắn. 3 ghè rượu được đặt trang trọng giữa nhà, cố định bằng 2 khúc tre chọc thẳng lên trần nhà. Ở hai bên tường nhà có mấy dãy ghè rượu do con cái, người thân của ông Ksor Kla mang đến góp vui.

Thầy cúng Nay Hăng thực nghiện nghi lễ báo hiếu tại nhà chị Nay H’Đaih
Thầy cúng Nay Hăng thực nghiện nghi lễ báo hiếu tại nhà chị Nay H’Đaih

Nhanh tay cùng chị em phụ nữ đưa nước sạch vào nhà, để chuẩn bị chêm thêm vào ghè rượu, chị Nay H’Đaih kể: Theo phong tục của đồng bào Gia Rai mình, người con làm lễ báo hiếu cha mẹ sau khi đã lập gia đình, vì lúc này đã làm được ra của cải riêng. Nhà mình quyết định làm lễ báo hiếu trong mùa xuân này, để thể hiện tình cảm với cha mẹ. Nếu không làm được mình sẽ mang món nợ ơn sinh thành của cha mẹ, chịu tiếng xấu với xóm làng. Mình làm cũng để cho con cái làm theo. Sau này chúng nó lớn, sẽ nhớ về công ơn cha mẹ.

Cũng theo chị Nay H’Đaih, lễ báo hiếu cha mẹ là phong tục đã có từ xa xưa, và vẫn được những thế hệ con cháu người Gia Rai ở vùng Ia Piar tiếp nối. Mỗi người con dân tộc Gia Rai, chỉ tổ chức lễ này một lần trong đời để báo hiếu cha mẹ mình. Tùy theo điều kiện kinh tế gia đình, gia chủ chuẩn bị lễ vật nhiều hay ít để chiêu đãi bà con, dòng họ. Tuy nhiên, lễ vật cũng phải có 3 ghè rượu ngon và một số con vật như heo, gà...

Xong nghi lễ, chủ nhà sẽ rót rượu ra ly để mời những người thân, khách mời uống
Xong nghi lễ, chủ nhà sẽ rót rượu ra ly để mời những người thân, khách khứa thưởng thức.

Khi lễ vật đã được gia chủ chuẩn bị xong, thầy cúng Nay Hăng chuẩn bị tiến hành nghi  lễ cúng. Thầy cúng Nay Hăng cho biết: Trước khi làm lễ báo hiếu, người con phải xin ý kiến của cha mẹ về thời gian tổ chức. Sau đó, gia đình người con sẽ mang một số lễ vật về nhà cha mẹ để tiến hành các nghi lễ. Sau khi cúng xong, người con sẽ dâng lên những món quà dành tặng cha mẹ. Đó có thể là món đồ thổ cẩm, tiền, vàng,… tùy vào kinh tế gia đình của người con. Đây cũng là dịp để các con tề tựu về nhà bố mẹ, cùng chia sẻ, động viên nhau làm ăn.

Trong quá trình tiến hành nghi lễ cúng, thầy cúng Nay Hăng đặt lên chân cha mẹ của gia chủ tổ chức 2 miếng rìu sắt, dưới chân là mảnh bông. Kế tiếp, thầy cúng lấy tiết con lợn bôi lên ghè, lấy một phần thịt đặt gần chân và cầm cần rượu rót từ từ vào chân người được cúng. Cuối cùng, thầy đọc lên những lời khấn thần linh ban phước lành, bình an, giàu sang cho người được thụ hưởng.

Khách mời chung vui tiệc rượu cùng với gia chủ cho đến hết ngày
Kết thúc nghi lễ, khách mời sẽ chung vui tiệc rượu cùng gia chủ cho đến hết ngày

Khi hoàn tất lễ khấn, chị Nay H’Đaih nói những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho cha mẹ của mình. Sau nghi lễ, khách mời quây quần ngồi lại cùng gia chủ để thưởng thức, chung vui tiệc rượu, giao lưu văn nghệ, chuyện trò rôm rả đến hết ngày mới tan tiệc.

Ông Nay Thuin, Trưởng Thôn Plei Chrung, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai: Lễ báo hiếu cha mẹ là một nét đẹp trong đời sống văn hóa, mang ý nghĩa nhân văn của cộng đồng người Gia Rai. Lễ cúng thể hiện sự hiếu nghĩa, kính trọng bề trên, gắn kết mọi người nên chúng tôi cũng vận động bà con gìn giữ và duy trì nghi lễ này. Đồng thời, chúng tôi cũng tuyên truyền bà con thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cúng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.

Tin cùng chuyên mục
Nhiều hoạt động trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”

Nhiều hoạt động trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”

Trong tháng 11 này, tại Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Về miền di sản tinh hoa và bản sắc” nhằm giới thiệu các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán của đồng bào với du khách. Đây cũng là những hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2024.