Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Về làng Bạc gặp nữ Anh hùng Kpă Ó

Thùy Dung - 16:08, 04/12/2020

Trong mắt dân làng, nữ Anh hùng Kpă Ó luôn là "đầu tàu", là đại diện của sự bất khuất, kiên trung, không có chuyện gì làm khó được bà. Bà là đại biểu tiêu biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, năm 2020 tại Hà Nội.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Kpă Ó chia sẻ về những năm tháng chiến đấu hào hùng
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Kpă Ó chia sẻ về những năm tháng chiến đấu hào hùng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chứng kiến nhiều mất mát do chiến tranh mang lại, năm 16 tuổi, bà Kpă Ó, dân tộc Gia Rai ở làng Bạc 1, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông (Gia Lai) giác ngộ cách mạng và tham gia vào đội du kích của xã Ia Phìn và là 1 trong 16 nữ du kích làng Bạc. Rồi trở thành Trung đội trưởng du kích E5, khu 5. 

Bà Kpă Ó kể lại, làng khi ấy loạn lạc lắm. Cảnh đói nghèo bủa vây, bom đạn cướp đi không biết bao nhiêu mạng sống. Những năm tháng chiến đấu gian khổ, bà không ngừng học hỏi các chiến thuật và cách chiến đấu để chống lại quân thù. Khi đã thành thạo cách gài mìn, bắn súng và ném lựu đạn… bà được tham gia đi chiến đấu, có mặt trong hàng chục trận chống càn quét cùng với đồng đội phá vỡ âm mưu của kẻ thù. 

“Trong cuộc chiến khốc liệt ấy có người nằm xuống, có người giữ được tính mạng nhưng cũng mang thương tật cả đời. Xót xa cho đồng bào mình, tôi quyết chiến đấu tới cùng cho tới ngày toàn thắng”, bà Kpă Ó nói.

Với tinh thần bất khuất, kiên trung của mình, cô gái Kpă Ó đã mang về những chiến công lớn như: Gài mìn diệt xe tăng địch, bắn rơi máy bay trực thăng, vận động dân làng đấu tranh phá ấp giành dân, đưa Nhân dân trở về buôn làng cũ của mình. Năm 1974, bà được ra Bắc học văn hóa. Năm 1975, bà vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Sau khi đất nước giành được độc lập, bà Kpă Ó rời quân ngũ trở lại địa phương, tiếp tục sự nghiệp cách mạng, kêu gọi Nhân dân đứng lên đẩy lùi đói nghèo bằng cách tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, vận động bà con làm theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để kẻ xấu lợi dụng xúi giục mà bạo loạn, ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhờ vậy, đời sống người dân cứ thế phát triển, cái đói cái nghèo, hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi. Nhà nào cũng biết làm ăn, đủ cơm ăn áo mặc, con cái thì được đến trường học cái chữ.

Đến nay, đã 69 mùa rẫy đi qua, sức khỏe cũng đã yếu, trí nhớ có đôi phần giảm sút, nhưng bà Kpă Ó vẫn đi làm mỗi ngày. Về làng Bạc hỏi thăm nhà bà, ai ai cũng nhiệt tình dẫn lối. Ở làng Bạc, bà được người dân coi trọng, quý mến. Bởi trong mắt dân làng, nữ Anh hùng Kpă Ó luôn là đầu tàu, là đại diện của sự bất khuất, kiên trung, không có chuyện gì làm khó được bà. 

Trong cuộc sống hằng ngày, bà vẫn thường xuyên dạy dỗ lớp trẻ trong làng phải biết yêu làng, yêu quê hương. Dặn dò chúng chăm chỉ học tập và vận động người dân làm ăn phát triển kinh tế để đưa buôn làng ngày càng phát triển hơn.

Tin cùng chuyên mục